Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Dứt khoát bỏ tư duy “không quản được thì cấm”

Hương Giang

Thứ hai, 21/10/2024 - 10:35

(Thanh tra) - Cho rằng thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, dứt khoát bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, tuyệt đối không hành chính hoá hoạt động của Quốc hội.

Quan điểm dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề cập trong bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc kỳ họp 8 sáng 21/10.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Ảnh: P.Thắng

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV là kỳ họp có khối lượng công việc lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay và cũng là kỳ họp đầu tiên có trách nhiệm thể chế hoá Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII, khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước, tạo tiền đề, chuẩn bị ngay về mọi mặt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”

Ông cho hay, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, thống nhất rất cao, Hội nghị Trung ương 10 vừa qua đã thảo luận quyết định nhiều nội dung quan trọng.

Trung ương đã thống nhất nhận thức và hành động để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng tốc, bứt phá, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội XIII; chuẩn bị các công việc cho Đại hội XIV của Đảng.

Ông cũng cho hay, tại hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đã đánh giá các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2024 cơ bản hoàn thành và vượt so với chỉ tiêu đề ra, trong đó có nhiều điểm sáng tích cực.

Chính trị xã hội ổn định; tăng trưởng kinh tế đạt mức cao so với khu vực và thế giới, các cân đối lớn được bảo đảm. “Chúng ta tăng lương nhưng không làm tăng giá”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Cạnh đó, thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao; văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được đáp ứng tốt hơn. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, Tổ quốc được bảo vệ vững chắc.

“Những thành tựu quan trọng đó đã củng cố thêm cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước qua 40 năm đổi mới, tạo nên diện mạo mới, thế và lực mới để chúng ta có thể tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình trong thời gian tới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Trong thành tựu chung của đất nước, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có đóng góp rất quan trọng của Quốc hội nói chung, Quốc hội khoá XV nói riêng.

Ông cho rằng, hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, thực chất và hiệu quả hơn. Quốc hội ngày càng phát huy vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất với 3 chức năng quan trọng về lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Thẳng thắn nhìn nhận, trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. “Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”.

Ông nhìn nhận, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực.

Trong khi đó, thủ tục hành chính còn rườm rà, phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm; bộ máy hành chính Nhà nước một bộ phận còn cồng kềnh, chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp…

“Những tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Tuyệt đối không hành chính hoá hoạt động của Quốc hội

Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước triệt 3 vấn đề cần tập trung.

Một là, đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, kỳ họp 8 là kỳ họp có khối lượng công việc lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Ảnh: P.Thắng

“Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ.

Theo ông, các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc; không cần quá dài.

Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hoá hoạt động của Quốc hội; luật hoá các quy định của nghị định và thông tư.

Bên cạnh đó, bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm”.

Nhiệm vụ thứ hai là thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

“Cần sớm nghiên cứu xác định rõ phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp thực tiễn, tránh trùng dẫm với hoạt động của các cơ quan Nhà nước khác gây lãng phí”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ.

Ba là, đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động của Quốc hội, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, coi đây là một trong những yếu tố then chốt của then chốt để đổi mới hoạt động của Quốc hội.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội phải “đúng vai, thuộc bài”; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quan hệ giữa các cơ quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, hài hoà trong quy trình quản trị quốc gia.

“Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thực tiễn nóng bỏng của đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp cách cần giải quyết. Nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, Nhà nước và Quốc hội”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cử tri muốn có giải pháp căn cơ chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả hơn

Cử tri muốn có giải pháp căn cơ chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả hơn

(Thanh tra) - “Cử tri và Nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước đánh giá khách quan nguyên nhân chính, chủ yếu của tình trạng tham nhũng, tiêu cực, kể cả lãng phí để có giải pháp căn cơ phòng, chống hiệu quả hơn”, theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

Hương Giang

11:30 21/10/2024

Tin mới nhất