Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khai mạc kỳ họp 8: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu, Quốc hội làm công tác nhân sự

Hương Giang

Thứ hai, 21/10/2024 - 05:30

(Thanh tra) - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV. Cũng trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội làm công tác nhân sự.

Sáng 21/10, kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc tại Hà Nội, bắt đầu chương trình nghị sự với nhiều nội dung rất quan trọng, trong đó có công tác xây dựng pháp luật, công tác nhân sự, bàn chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

“Với tính chất quan trọng của kỳ họp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ phát biểu tại phiên khai mạc”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết khi chủ trì họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp hôm qua (20/10).

Theo ông Nguyễn Khắc Định, tại kỳ họp 8, Quốc hội xem xét nhiều dự án luật và nhiều vấn đề lớn, với rất nhiều nội dung mới.

Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 luật, 3 nghị quyết; đồng thời cho ý kiến với 13 dự án luật khác. Quốc hội cũng tiến hành giám sát tối cao, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế xã hội và một số vấn đề quan trọng khác.

Tính đến ngày 20/10, đã có 132/154 đầu tài liệu chính thức, 144 đầu tài liệu tham khảo gửi đến đại biểu Quốc hội. “Kỳ này có rất nhiều nội dung mới, số lượng đề án nhiều nhất từ trước đến nay”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thông tin về dự kiến chương trình kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: P.Thắng

Theo chương trình nghị sự dự kiến, trong ngày làm việc đầu tiên, tại phiên khai mạc, Quốc hội sẽ nghe lãnh đạo Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2024; dự kiến kế hoạch năm 2025.

Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ.

Tiếp đến, Quốc hội nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tổng hợp, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8.

Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp 8.

Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ

Sau phiên khai mạc, cuối giờ sáng, Quốc hội sẽ họp riêng về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. 

Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình nhân sự với chức danh Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.

“Tại Hội nghị Trung ương 10 vừa qua, Trung ương đã biểu quyết thống nhất giới thiệu nhân sự đủ điều kiện trình Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026”, bà Hải nói.

Các nhân sự khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội, trong chương trình kỳ họp 8 cũng đã bố trí thời gian để thực hiện.

Theo quy định của Hiến pháp, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Khi ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội dự thảo nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

Sau khi được bầu, Chủ tịch nước sẽ tiến hành tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp. 

Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước.

Kinh tế phục hồi rõ nét

Báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024, Chính phủ nhận định sự phục hồi rõ nét khi “tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước”, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra với nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

“Ước cả năm 2024 dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu (một chỉ tiêu xấp xỉ đạt), trong đó đạt và vượt toàn bộ các chi tiêu xã hội, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”, báo cáo Chính phủ nêu rõ. 

Toàn cảnh phiên họp của Quốc hội tại hội trường. Ảnh: P.Thắng

Theo Chính phủ, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát, nợ công, nợ Chính phủ thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu cho phép.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP so với các quý năm ngoài đều cao hơn. Chính phủ tính toán cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, phấn đấu đạt và vượt 7% - cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%).

Chính phủ đã dành gần 700.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn lực để tăng mức lương cơ sở lên 30% cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang với việc điều chỉnh mức lương cơ sở khu vực công từ 1.800.000 đồng/tháng lên 2.340.000 đồng/tháng).

Nghị định số 74 về điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cho người lao động trong doanh nghiệp 6% cũng được ban hành; đồng thời điều chỉnh lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7 với mức cao nhất từ trước đến nay.

“Tính chung 9 tháng năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519.000 đồng so với cùng kỳ năm trước”, theo báo cáo của Chính phủ.

Trình chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao

Nội dung đáng chú ý nữa, tại kỳ họp 8 này, dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho hay hồ sơ chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vừa được Chính phủ trình ngày 19/10.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu. Ảnh: P.Thắng

Theo ông Hiếu, Ủy ban Kinh tế xác định việc thẩm tra chủ trương đầu tư dự án này là công việc hết sức quan trọng. “Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội thẩm tra kỹ lưỡng”, ông Hiếu nói.

Khẳng định đây là “dự án rất lớn”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Quốc hội chỉ xem xét cho ý kiến về chủ trương, những định hướng lớn như phương pháp, công nghệ, tốc độ, nguồn lực ở đâu?... 

“Nội dung này Trung ương đã thảo luận kỹ. Quốc hội sẽ thể chế hóa về mặt Nhà nước, trên tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch”, ông Định nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau khi nghe tờ trình, thẩm tra, thảo luận tại tổ, hội trường, nếu đồng thuận cao, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vào sáng 30/11, tức là ngày bế mạc kỳ họp 8.

Sau khi có chủ trương của Quốc hội, Chính phủ sẽ làm dự án chi tiết, tiền khả thi, khả thi, đánh giá tác động nhiều mặt… 

Kỳ họp 8 có tổng thời gian làm việc dự kiến là 29,5 ngày, tiến hành theo 2 đợt (đợt 1 từ ngày 21/10 đến hết ngày 13/11; đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11), trong đó Quốc hội sẽ làm việc 4 ngày thứ Bảy. 

Theo Chính phủ, việc phát triển kết cấu hạ tầng được thúc đẩy mạnh mẽ, có bước đột phá rõ nét, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực.

Trong đó, nhiều công trình giao thông quan trọng, dự án quan trọng quốc gia có ý nghĩa liên kết vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa được đưa vào khai thác.

“Về phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đã đưa vào khai thác 109km các đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - QL46B, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước đến nay lên hơn 2.021km”, Chính phủ cho hay.

Bên cạnh đó là tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; tiến độ xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, tuyến Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng... dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ nhưng vẫn bảo đảm theo đúng kế hoạch.

Chính phủ cũng cho biết đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công rút ngắn thời gian hoàn thành, đưa vào sử dụng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm