Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ sáu, 07/07/2023 - 23:22
(Thanh tra) - Các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM phải được hoàn thành, chậm nhất trong tháng 8, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu, triển khai phải chủ động, quyết liệt và có sản phẩm cụ thể để người dân được thụ hưởng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc
Chiều ngày 7/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc trực tuyến của Thường trực Chính phủ với TP HCM triển khai Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.
Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, ngày 24/6.
Với việc thông qua nghị quyết này, nhiều cơ chế, chính sách đặc thù mới dành cho đầu tàu kinh tế TP HCM sẽ được áp dụng từ ngày 1/8.
Nghị quyết quy định 44 cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có 7 cơ chế kế thừa từ Nghị quyết số 54 của Quốc hội khóa XIV; 4 cơ chế đã ban hành cho các địa phương khác; 6 cơ chế được đưa vào các dự án luật đang trình Quốc hội và 27 cơ chế, chính sách chỉ riêng TP HCM được áp dụng.
Cán bộ là yếu tố quyết định
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày báo cáo về đề xuất phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng báo cáo về công tác chuẩn bị triển khai nghị quyết.
Cho rằng cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với TP HCM là rất kịp thời, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, ngày mai, Thành ủy TP tiếp tục có cuộc họp để đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Tổ chức thực hiện nghị quyết là công việc nhiều khó khăn, thách thức. Trong quá trình đó, yếu tố quyết định là cán bộ, con người, các cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ và TP HCM sẽ làm hết sức mình để đạt kết quả tốt nhất có thể, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM là nhiệm vụ chung như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nêu “cả nước vì TP HCM, TP HCM vì cả nước”.
Lập Ban Chỉ đạo do Thủ tướng làm trưởng ban
Để Nghị quyết số 98 sớm đi vào cuộc sống, theo Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, kịp thời, bám sát tình hình thực tiễn, hành động quyết liệt và có sản phẩm cụ thể với hiệu quả cân đong đo đếm được, nhân dân được thụ hưởng thật.
Ông nhất trí với ý kiến của TP HCM về thành lập ngay Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết do Thủ tướng làm trưởng ban, Bí thư Thành ủy TP HCM làm phó trưởng ban, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối.
Thủ tướng yêu cầu ban hành ngay kế hoạch hành động của Chính phủ, phân công nhiệm vụ rõ ràng, giao các phó thủ tướng phụ trách. Hai văn bản này phải ban hành trong vài ngày tới.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và TP HCM rà soát những nội dung cần phải ban hành nghị định thì tham mưu Chính phủ ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn. Các bộ, ngành khẩn trương ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn trong thẩm quyền với thủ tục rút gọn.Các nhiệm vụ trên phấn đấu hoàn thành trong tháng này, chậm nhất là ngày 15/8, theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Riêng nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và TP HCM khẩn trương xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng, trình Thủ tướng ban hành trong tháng 7/2023.
“Quá trình tổ chức thực hiện, cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; nếu xuất hiện các khó khăn, vướng mắc thì tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn”, Thủ tướng nêu rõ.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh quyết tâm thực hiện thành công các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, thực hiện thắng lợi nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.
Tại Nghị quyết 98, Quốc hội giao Chính phủ 4 nhiệm vụ.
Thứ nhất, Chính phủ được giao ban hành Nghị định quy định chi tiết với 3 nội dung: Quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân liên quan đến các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của TP; việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường.
Thứ hai, Chính phủ tổ chức sơ kết việc triển khai thực hiện nghị quyết vào năm 2026, tổng kết vào năm 2028.
Thứ ba, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với TP HCM cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề chưa phân cấp, phân quyền cho TP.
Thứ tư, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thẩm quyền, nhằm điều chỉnh, bổ sung quy định phù hợp giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý, phát triển TP HCM. Việc phân cấp, ủy quyền cho HĐND và UBND TP cũng được mở rộng so với các quy định hiện hành.
Nghị quyết của Quốc hội giao Thủ tướng nhiệm vụ ban hành quy định phân cấp, trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.
Cũng theo nghị quyết, các bộ, ngành liên quan có 3 nhiệm vụ, HĐND TP HCM có 14 nhiệm vụ, UBND TP HCM có 6 nhiệm vụ.
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP HCM đã chủ động, tích cực triển khai, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Quốc hội.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ để tối ưu hóa nguồn lực, tránh chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ… theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.
Hương Giang
23:28 11/12/2024(Thanh tra) - Sau khi hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành Bộ Kinh tế, Tài chính dự kiến sẽ giảm được 22 đầu mối, không còn tổng cục.
Hương Giang
23:23 11/12/2024Trung Hà
21:14 11/12/2024Bùi Bình
21:07 11/12/2024Bùi Bình
20:49 11/12/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà