Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

TP HCM được trao thí điểm nhiều cơ chế đặc thù, mô hình phát triển đô thị như Hàn Quốc, Singapore

Hương Giang

Thứ bảy, 24/06/2023 - 17:54

(Thanh tra) - Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM với 481 đại biểu tán thành (đạt 97,37% tổng số đại biểu) chiều ngày 24/6.

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết. Ảnh: P.Thắng

Nghị quyết gồm các chính sách mới lần đầu được quy định về đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy. Ngoài ra, nghị quyết mới cũng đưa ra một số chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54 và các nghị quyết cơ chế đặc thù đã được áp dụng tại các địa phương khác.

Phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng

Trong đó, về đầu tư, Quốc hội đồng ý cho TP HCM được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD).

HĐND TP quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa phận TP để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Với vùng phụ cận các nhà ga, các nút giao thông, UBND TP được quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội so với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng đối với khu vực đô thị hiện hữu.

Việc này “phải bảo đảm đáp ứng về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc được xác định trong nội dung đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chung TP”, theo nghị quyết.

Trước đó, khi thảo luận ở tổ và hội trường, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định trên. Tại báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo nghị quyết trước khi Quốc hội bấm nút biểu quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, quy định trên nhằm mục đích cho phép TP HCM căn cứ tình hình thực tiễn tại từng khu vực để tạo ra một số không gian xung quanh các điểm nhà ga, đường sắt, đường vành đai giúp phát triển đô thị và các dịch vụ liên quan như mô hình của một số nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore….

“Đây là chính sách góp phần huy động nguồn lực đầu tư các dự án, tạo đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông, làm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ chênh lệch địa tô của các khu đất đem lại”, theo cơ quan thường trực của Quốc hội.

Quốc hội cho phép TP HCM đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với dự án lĩnh vực thể thao, văn hóa; y tế, giáo dục đào tạo; áp dụng loại hợp đồng BOT với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu.

TP HCH được vay không quá 120% số thu ngân sách

Theo nghị quyết, HĐND TP HCM được quyết định và điều chỉnh mức, tỷ lệ thu phí, lệ phí chưa có trong danh mục của Luật Phí, lệ phí (trừ phí, lệ phí toà án, các loại phí thuộc nguồn thu ngân sách Trung ương).

Quốc hội cũng đồng ý cho TP được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho TP vay lại. Tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp.

Đây là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau khi thảo luận. Có ý kiến đại biểu đề nghị giải trình cụ thể về sự cần thiết của việc điều chỉnh tổng mức dư nợ vay không quá 120%.

Ý kiến khác đề nghị giữ tỷ lệ vay không quá 90% số thu được hưởng theo phân cấp như Nghị quyết 54. Có ý kiến lại đề nghị tỷ lệ vay nên ở mức 60% như quy định của Luật Ngân sách Nhà nước…

Báo cáo giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, giai đoạn vừa qua, TP HCM chỉ thực hiện vay 32% số thu được hưởng theo phân cấp vì đa số các dự án sử dụng vốn vay của TP đều là nợ từ nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

Giai đoạn tới, nhu cầu vay vốn để triển khai các dự án đến năm 2030 của TP là rất lớn. Trong khi, theo tính toán, từ sau năm 2026, TP không còn bảo đảm hạn mức dư nợ vay để vay tiếp. Để tạo thêm dư địa, nguồn lực cho TP thì việc quy định nâng trần mức vay là cần thiết. Vì vậy, cơ quan thường trực của Quốc hội đề nghị cho phép TP HCM được nâng trần mức vay và được Quốc hội thông qua.

Về thu hút nhà đầu tư chiến lược, TP HCM được tự quyết cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực sản xuất chip, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, vật liệu mới.

Nghị quyết đưa ra chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp với khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Thành lập Sở An toàn thực phẩm, tăng số lượng phó chủ tịch

Đáng chú ý, nghị quyết được Quốc hội thông qua quy định rõ về tổ chức bộ máy chính quyền của TP HCM. Theo đó, HĐND TP thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.

Sở này có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bộ máy trên cơ sở chuyển chức năng quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn TP từ 3 sở (Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương).

UBND huyện thuộc TP có không quá 3 phó phủ tịch. Phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên thì UBND có không quá 3 phó chủ tịch.

Việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường thực hiện theo quy định của pháp luật và thuộc biên chế cán bộ, công chức cấp huyện trở lên được giao hằng năm. Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, theo phân loại đơn vị hành chính cấp huyện, TP HCM còn 3 huyện loại 2 (Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè), được bố trí 2 phó chủ tịch và 48 phường, xã, thị trấn loại 1 (có dân số từ 50.000 dân trở lên), được bố trí 2 phó chủ tịch.

Thực tế quản lý Nhà nước, số lượng phó chủ tịch “chưa đảm bảo được nguồn nhân lực lãnh đạo, điều hành, tham mưu giúp việc” cho chủ tịch UBND. Do đó, cần tăng số lượng phó chủ tịch để đảm bảo nguồn lực lãnh đạo quản lý.

HĐND TP HCM được trao quyền quyết định bố trí ngân sách TP để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức… theo hiệu quả công việc, ngoài việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Mức chi này bảo đảm không vượt quá 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ và chi thu nhập tăng thêm không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý.

Riêng TP Thủ Đức, UBND TP này được trao quyền quyết định phê duyệt dự án, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và ký kết các hợp đồng dự án đối với các dự án nhóm B, nhóm C đầu tư theo phương thức PPP. UBND TP có không quá 4 phó chủ tịch. TP Thủ Đức cũng được thành lập Ban Đô thị thuộc HĐND TP.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023. Chính phủ được giao sơ kết 3 năm việc thực hiện nghị quyết và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2026; tổng kết việc thực hiện nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2028

Chưa xây dựng Luật Đô thị đặc biệt 

Quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, xây dựng Luật Đô thị đặc biệt hoặc luật về phát triển TP HCM với các chính sách đặc thù, xứng đáng vị thế, vai trò TP. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị có quy định về xem xét hoàn thiện thể chế, chính sách về đô thị đặc biệt. Tuy nhiên, việc xây dựng luật cần thời gian rà soát, nghiên cứu thận trọng và đánh giá tác động toàn diện.  

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất