Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng: Kiểm điểm người đứng đầu nếu chậm giải ngân vốn đầu tư công

Hương Giang

Thứ tư, 08/04/2020 - 22:05

(Thanh tra) – Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, cơ quan nào, bộ, ngành, địa phương nào giải ngân vốn đầu tư công chậm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, trực tiếp kiểm điểm. Nếu không hoàn thành hoặc đến tháng 9 không giải ngân được thì điều chuyển vốn sang các đơn vị khác.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Hiếu

Chiều 8/4, Thủ tướng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc chuẩn bị nội dung hội nghị trực tuyến “4 trong 1” của Chính phủ với các địa phương.

Hội nghị dự kiến tổ chức vào ngày 10/4, tập trung vào 4 nội dung: Nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch COVID-19.

Theo người đứng đầu Chính phủ, đây là những nội dung rất quan trọng khi tăng trưởng quý I/2020, do ảnh hưởng của dịch, đạt thấp (3,82%), chỉ hơn một nửa so với kế hoạch đề ra.

Vì vậy, muốn tăng trưởng tốt thì cần giải quyết vấn đề đầu tư, sản xuất kinh doanh, thương mại, xuất nhập khẩu…

Thủ tướng lưu ý, mỗi nội dung nêu trên sẽ có một báo cáo lớn, trong đó nêu rõ các gói hỗ trợ về tài khóa (đến nay vào khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ tiền tệ, gói hỗ trợ an sinh xã hội (khoảng 62.000 tỷ đồng)... Sau hội nghị, Chính phủ sẽ có một nghị quyết hay một văn bản để thúc đẩy các vấn đề này.

Suy thoái năm nay còn nặng nề hơn năm 2008

Sau khi nghe các ý kiến góp ý, kết luận cuộc họp, Thủ tướng cho biết, một số ngành quan trọng đều suy giảm, nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều ngành hoạt động cầm chừng và sẽ nguy hiểm hơn nếu dịch bệnh kéo dài,

Vì vậy, cần nêu rõ bức tranh tổng thể để các cấp, các ngành nhận thức rõ khó khăn để đưa thảo luận tại hội nghị sắp tới.

“Chưa bao giờ các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, nỗ lực vượt qua suy thoái như hiện nay”, Thủ tướng lưu ý và cảnh báo, suy thoái được nhìn nhận còn nặng nề hơn cả suy thoái năm 2008.

Về giải ngân vốn đầu tư công, theo Thủ tướng, phải giải ngân hết số vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020, không để dồn vào cuối năm như những năm trước đây. Số vốn này gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, cơ quan nào, bộ, ngành, địa phương nào làm chậm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, trực tiếp kiểm điểm. Nếu không hoàn thành hoặc đến tháng 9 không giải ngân được thì điều chuyển vốn sang các đơn vị khác.

“Hội nghị phải thổi một luồng gió mới, một quyết tâm mới vào cuộc sống để khởi động một thời kỳ khắc phục, vươn lên mạnh mẽ”, Thủ tướng nêu rõ.

Tại hội nghị tới, Bộ Tài chính sẽ trình bày nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tài chính, ngân sách Nhà nước, nhất là thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cho người dân, doanh nghiệp.

Không bắt doanh nghiệp phải trả nợ trong bối cảnh khó khăn

Theo yêu cầu Thủ tướng, Bộ Tài chính cần nói rõ hơn về gói hỗ trợ trong lĩnh vực này, trong đó có nguồn rất quan trọng cho gói này là từ tiết kiệm, gồm tiết kiệm chi thường xuyên, hội nghị, hội thảo, công tác nước ngoài…

Toàn cảnh phiên họp thường trực Chính phủ. Ảnh: Quang Hiếu

Về gói hỗ trợ tiền tệ hiện nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng, Thủ tướng nêu rõ tinh thần là không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, không bắt doanh nghiệp phải trả nợ trong bối cảnh khó khăn, tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh. Không được để tình trạng nơi nào quen biết thì cho hưởng mức thấp, nơi nào không quen biết thì để như cũ.

Thủ tướng cũng đề nghị, ngành ngân hàng cần lưu ý kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về tiếp tục miễn, giảm tiền lãi, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất với tinh thần đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay.

“Doanh nghiệp sống được, ngân hàng sống được”, người đứng đầu Chính phủ nói.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ trình bày báo cáo cụ thể đến từng bộ như Bộ Công an có báo cáo về các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nói rõ các giải pháp thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ an sinh xã hội.

Bộ Công Thương phải tạo mọi thuận lợi cho xuất khẩu, sẵn sàng cung ứng nguồn hàng dồi dào, chất lượng cao, giá cả phù hợp, bảo đảm cơ số hàng phục vụ 100 triệu dân…

“Chuẩn bị kỹ bao nhiêu thì kết quả hội nghị sẽ tốt bấy nhiêu”, Thủ tướng nhấn mạnh và nêu rõ, muốn ổn định đời sống nhân dân, khắc phục tình hình khó khăn hiện nay do dịch COVID-19 gây ra thì mọi cấp, ngành, cá nhân, doanh nghiệp đều phải cố gắng vươn lên, thúc đẩy phát triển để nền kinh tế không bị đổ gãy, bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho các thành phần yếu thế trong xã hội.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

(Thanh tra) - Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị làm rõ khả năng thu thuế doanh nghiệp trên thực tế với các doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam cung cấp hàng hoá vào Việt Nam thông qua các giao dịch trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số.

Hương Giang

10:49 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm