Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ: Chú trọng thanh tra, kiểm tra, không để trục lợi chính sách

Hương Giang

Thứ tư, 08/04/2020 - 18:40

(Thanh tra) – Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cần ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Ảnh: Quochoi.vn

Ngày 8/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường để xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo đề nghị của Chính phủ.

“Chặt” đối tượng thụ hưởng, tránh trục lợi

Sau phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư trình bày báo cáo về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo báo cáo, Chính phủ dự kiến gói hỗ trợ khoảng 62 nghìn tỷ đồng cho khoảng 20 triệu người với 6 nhóm đối tượng.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, cơ quan này “cơ bản nhất trí với chủ trương triển khai hỗ trợ người dân của Chính phủ”.

Về đối tượng, mức hỗ trợ, Uỷ ban Tài chính Ngân sách cũng tán thành nhưng cho rằng, cần bám sát nguyên tắc “đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19”.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Ảnh: Quochoi.vn

Theo cơ quan này, Chính phủ cần quy định tiêu chí cụ thể, rõ ràng để xác định đối tượng thụ hưởng (như đối với người có công và lao động tự do…) để không gây cách hiểu khác nhau, lúng túng trong triển khai thực hiện. Đồng thời, tránh những kẽ hở gây phát sinh trục lợi chính sách; bảo đảm công bằng, tránh khiếu kiện của người dân.

“Mức hỗ trợ cần rà soát, quy định cụ thể để người dân gặp khó khăn duy trì cuộc sống tối thiểu, bảo đảm công bằng, hợp lý giữa các nhóm đối tượng và tạo sự đồng thuận cao của nhân dân”, Uỷ ban Tài chính Ngân sách nêu quan điểm.

Uỷ ban Tài chính Ngân sách cũng đề nghị, Chính phủ quy định cụ thể về thời hạn thực hiện, quy trình thủ tục thực hiện thuận tiện cho người dân, quy định chặt chẽ về kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách này.

Cân đối nguồn lực ngân sách

Về nguồn vốn của gói này, Chính phủ dự kiến ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp khoảng 36 nghìn tỷ đồng (bao gồm khoảng 19 - 20 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu và nguồn còn lại của năm 2019 của ngân sách Trung ương; nguồn dự phòng năm 2020, tiết kiệm chi thường xuyên và các nguồn hợp pháp khác theo quy định; nguồn ngân sách địa phương (khoảng 13 - 14 nghìn tỷ đồng).

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ. Ảnh: Quochoi.vn

Theo Uỷ ban Tài chính Ngân sách, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng một phần nguồn tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách trung ương là “đúng thẩm quyền”. Cơ quan thẩm tra tán thành sử dụng 20 nghìn tỷ từ nguồn này để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Còn nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách địa phương do Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định. Uỷ ban Tài chính Ngân sách đề nghị, Chính phủ rà soát để bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Cũng theo Uỷ ban Tài chính Ngân sách, Chính phủ cần đánh giá khả năng đáp ứng nguồn lực của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đang ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn, mưa đá, gió lốc… không để xảy ra tình trạng ban hành chính sách nhưng không đảm bảo nguồn lực để thực hiện.

“Dù tình huống là cấp bách, song đây là gói hỗ trợ chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, trung ương và địa phương, trong bối cảnh thu ngân sách năm 2020 gặp rất nhiều khó khăn, thời gian kéo dài dịch bệnh chưa thể xác định rõ, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn các tác động của chính sách đến đời sống dân cư và khả năng cân đối nguồn lực ngân sách Nhà nước để bảo đảm an toàn cân đối vĩ mô”, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải báo cáo.

Thanh tra, kiểm tra, giám sát để không xảy ra tiêu cực

Nêu ý kiến, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sau khi các chính sách được ban hành, các ngành, các cấp cần chủ động, tổ chức thực hiện ngay, bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến với người dân, hạn chế đến mức thấp nhất “độ trễ” của chính sách khi đi vào cuộc sống.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong rằng, các chính sách này ra đời sẽ tiếp nối, lan toả mạnh mẽ hơn nữa tinh thần “tương thân tương ái” trong cộng đồng xã hội. Ảnh: Quochoi.vn

Bà Ngân cũng nhấn mạnh, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để không xảy ra hiện tượng tiêu cực.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cần ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần rà soát, đánh giá kỹ các tác động của các chính sách được đề xuất, nhất là những tác động liên quan đến thu, chi ngân sách, bảo đảm cân đối các nguồn lực theo thứ tự phù hợp, bảo đảm đúng thẩm quyền, đúng quy trình, thủ tục.

“Việc xác định đối tượng và mức hỗ trợ cần được quy định cụ thể, làm rõ các tiêu chí, tránh bị lợi dụng hoặc trục lợi chính sách”, ông Hiển lưy ý và thống nhất thời gian hỗ trợ được thực hiện không quá 3 tháng, trong trường hợp phải kéo dài thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính Ngân sách và Ủy ban về các vấn đề xã hội phối hợp với các bộ, ngành để tiếp thu các ý kiến phát biểu, hoàn chỉnh nghị quyết để ban hành, bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, khả thi, đúng pháp luật.

Chính phủ cũng phải chuẩn bị những nội dung cần báo cáo về thực hiện các giải pháp phòng, chống đại dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua để báo cáo, xin ý kiến của Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 sắp tới.

Bên cạnh hỗ trợ trực tiếp, Chính phủ đề xuất, hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho phép doanh nghiệp và người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động (khoảng 3 nghìn tỷ đồng); cho vay với lãi suất 0% để chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động qua Ngân hàng Chính sách xã hội (khoảng 16 nghìn tỷ đồng).

Theo Uỷ ban Tài chính Ngân sách, “những nội dung áp dụng khác với quy định của pháp luật hiện hành”, cần trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, trong điều kiện khẩn cấp, trong khi Quốc hội chưa thể họp, Uỷ ban Tài chính đề nghị, cho phép Chính phủ thực hiện ngay và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm