Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng: Không để nền kinh tế bị đổ gãy vì dịch Covid -19

Thứ tư, 01/04/2020 - 21:12

(Thanh tra) – Khó khăn chồng chất trong quý II, nhưng Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, tiếp tục quyết liệt, kiên trì phấn đấu, không để nền kinh tế bị đổ gãy.

Thủ tướng cũng nêu rõ tinh thần chống dịch là tiếp tục “khóa chặt bên ngoài”, trừ trường hợp đặc biệt, và kiên quyết khoanh các ổ dịch bên trong, phát hiện rốt ráo, tìm dấu vết, cách ly nghiêm túc, đủ thời gian, đồng thời phải điều trị tốt, hạn chế tử vong. Ảnh: Q.Hiếu

Ngày 1/4, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2020 theo hình thức kết nối trực tuyến đến 21 Bộ, các cơ quan ngang Bộ và 2 TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

“Khoá chặt bên ngoài”, “khoanh ổ dịch bên trong”

Phiên họp diễn ra trong bối cảnh Coivd -19 trở thành đại dịch toàn cầu, lây nhiễm tới trên 200 nước và vùng lãnh thổ, có hàng chục vạn người nhiễm và hàng vạn người tử vong.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư, tác động của dịch Covid-19 rất lớn, không chỉ đối với sản xuất kinh doanh, thu ngân sách mà cả với đời sống của người dân, nhất là người nghèo, công nhân thất nghiệp và một số đối tượng khác không có tích lũy gặp rất nhiều khó khăn.

“Chính phủ Việt Nam nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là lo cho người dân, nhất là người nghèo, những người thất nghiệp”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, chúng ta phấn đấu để không gục ngã.

Theo Thủ tướng, trong hoạn nạn, khó khăn, nhiều tấm gương quý đã xuất hiện trong các doanh nghiệp, trong toàn xã hội.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì cùng Chính phủ huy động bước đầu trên 600 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch. Lực lượng Quân đội, Công an và nhiều lực lượng, địa phương đã kiên quyết thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch.

“Chưa bao giờ một khí thế đoàn kết, hỗ trợ, quyết tâm như thế diễn ra trong thời bình ở nước ta trong 3 tháng vừa qua và đặc biệt là tháng gần đây”, Thủ tướng nói.

Tuy vậy, sự sụt giảm sản xuất trong cả nước đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của cả nền kinh tế. GDP của quý I chỉ đạt 3,82% - đây là mức tăng trưởng kinh tế của quý I thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (kể từ quý I/2009).

Sau khi nghe thảo luận, Thủ tướng đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sỹ nơi tuyến đầu chống dịch.

Theo lãnh đạo Chính phủ, công tác phòng, chống dịch bước đầu đạt được những thành công quan trọng. Thời gian tới, tinh thần là cần làm quyết liệt hơn nữa để cố gắng không để dịch lây lan, bùng nổ.

Cách ly xã hội không phải là ngăn sông cấm chợ, hạn chế giao thông, sản xuất kinh doanh, không dừng hẳn các công trình xây dựng, mà quan trọng là đảm bảo an toàn cho công nhân, không được tụ tập quá đông người.

Thủ tướng cũng nêu rõ tinh thần chống dịch là tiếp tục “khóa chặt bên ngoài”, trừ trường hợp đặc biệt, và kiên quyết khoanh các ổ dịch bên trong, phát hiện rốt ráo, tìm dấu vết, cách ly nghiêm túc, đủ thời gian, đồng thời phải điều trị tốt, hạn chế tử vong.

Không tăng giá các mặt hàng thiết yếu

Về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, khó khăn chồng chất trong quý II, nhưng Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục quyết liệt, kiên trì phấn đấu, không để nền kinh tế bị đổ gãy, thúc đẩy tăng trưởng cần thiết để giải quyết việc làm…. Tinh thần là như “một chiếc lò xo bật lên”, chuẩn bị “gánh vác thời cơ, biến nguy thành cơ” để tăng trưởng trong thời gian sớm nhất.

Theo đó, tinh thần lớn nhất là chúng ta nhất quán quan điểm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đặc biệt chú trọng giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam, thị trường ngoại hối, không để xảy ra bất lợi.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Hiếu

“Có sẵn kịch bản điều hành, không để bị động, đảm bảo thanh khoản, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp. Kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo kịch bản đề ra, trong đó có việc kiên quyết giảm giá thịt lợn, không tăng giá các dịch vụ thiết yếu, đề xuất phương án giảm giá một số dịch vụ", Thủ tướng nhấn mạnh và hoan nghênh EVN, Bộ Công Thương có phương án giảm giá điện.

Gói tài khoá có thể nâng lên 150.000 tỷ đồng, thậm chí lớn hơn

Thủ tướng cho biết, các nước hiện triển khai 3 chính sách chủ yếu, đó là nới lỏng tiền tệ, thông qua giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, hoãn, giãn nợ. Việc này Việt Nam cũng đã thực hiện thông qua ban hành Chỉ thị 11. Nhưng Thủ tướng cho rằng, gói hỗ trợ này không chỉ 250.000 tỷ đồng mà cần cao hơn nữa.

Thứ hai là kích thích tài khóa thông qua giảm, giãn thuế, phí, tăng chi tiêu công. Gói này không phải chỉ 30.000 tỷ đồng mà nâng lên 150.000 tỷ đồng, thậm chí lớn hơn để hỗ trợ trong lúc khó khăn này.

Thứ ba, hỗ trợ người lao động mất việc, người nghèo, người yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội, với tinh thần chuẩn bị đón bắt thời cơ, biến nguy thành cơ để phát triển khi dịch giảm, bị chặn đứng.

“Tôi đã nói chúng ta hy sinh quyền lợi kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Cho nên, về vấn đề kinh tế, muốn phát triển phải trên cơ sở bảo vệ sức khoẻ nhân dân, không phải là vì kinh tế mà chúng ta bất chấp những vấn đề về tính mạng, sức khoẻ của nhân dân”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cũng lưu ý, gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ phải đúng thẩm quyền, như lĩnh vực nào thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vấn đề nào cần xin ý kiến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về tài chính ngân sách, Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền ban hành các giải pháp về mức thuế, phí, lệ phí, lãi suất.

Cùng với đó, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, giảm thiểu chi phí hội nghị, công tác nước ngoài…và đảm bảo đủ kinh phí phòng, chống dịch.

Hỗ trợ không dàn trải mọi đối tượng

Thủ tướng yêu cầu, thúc đẩy mạnh mẽ mọi cấp, mọi ngành giải ngân vốn đầu tư công; xử lý hành chính hoặc chuyển vốn đối với những dự án không giải ngân đúng hạn.

Vấn đề lương thực cần đảm bảo diện tích sản lượng, cân đối hợp lý giữa các vùng miền; xây dựng kịch bản sản xuất nông nghiệp. Xuất khẩu lương thực phải đảm bảo có kiểm soát chặt chẽ, sao cho đảm bảo trong nước không bao giờ thiếu lương thực nhưng cũng giải quyết vấn đề giá cho người dân.

Thủ tướng yêu cầu, Bộ Công Thương thúc đẩy tháo gỡ khó khăn cho các dự án có quy mô lớn, nhất là 12 dự án thua lỗ để sớm đi vào sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh giảm chi phí hoạt động để giảm giá thành sản phẩm; mở rộng thị trường trong nước…

Về gói an sinh xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc chỉ hỗ trợ đối với những đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc, không đảm bảo mức sống tối thiểu do COVID-19 gây ra, không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng.

Quá trình triển khai cần bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, chia sẻ khó khăn với người dân; đồng thời xác định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và bố trí nguồn lực hợp lý giữa Trung ương và địa phương.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát kỹ, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Thủ tướng ký ban hành theo thẩm quyển

Tại phiên họp, Thủ tướng kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp tăng cường giảm giá các mặt hàng dịch vụ như giá điện, giá nước, giá Internet, cước viễn thông; song hành cùng các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước để chia sẻ, hỗ trợ người dân trong bối cảnh khó khăn từ dịch bệnh.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Điện Biên thực hiện đầy đủ, kịp thời, chu đáo các chính sách đối với người có công

Điện Biên thực hiện đầy đủ, kịp thời, chu đáo các chính sách đối với người có công

(Thanh tra) - Thời gian qua, các chế độ, chính sách đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng tại Điện Biên được chi trả kịp thời, đúng đối tượng; đời sống người có công, thân nhân người có công với cách mạng không ngừng được quan tâm hỗ trợ.

Trần Trung

17:51 22/11/2024
Kháng thuốc - mối đe doạ hàng đầu đối với sức khoẻ cộng đồng toàn cầu

Kháng thuốc - mối đe doạ hàng đầu đối với sức khoẻ cộng đồng toàn cầu

(Thanh tra) - Kháng thuốc hiện nay là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững. Tổ chức Y tế thế giới đã xếp kháng thuốc vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Tình trạng kháng thuốc không chỉ ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực sức khỏe mà còn tác động sâu rộng tới toàn xã hội, vượt qua ranh giới của bất kỳ quốc gia nào.

Phương Anh

15:41 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm