Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Sao không giảm chỗ nào mà cứ giảm ở cơ quan dân cử”?

Thứ hai, 15/07/2019 - 19:44

(Thanh tra)- “Quan điểm của tôi là không nên giảm Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh vì nhiều việc làm để nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của cơ quan dân cử lên. Sao không giảm chỗ nào mà cứ giảm cơ quan dân cử?”, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân

Chiều ngày 15/7, họp phiên thứ 35, Uỷ ban Thường vụ (UBTV) QH cho ý kiến một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Nói “2 Phó Chủ tịch HĐND làm tăng biên chế là không đúng”

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật (UBPL) Nguyễn Khắc Định cho hay, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu (ĐB) QH, cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện xuống còn 1 người.

Về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, đề xuất 2 phương án. Theo đó, phương án 1, quy định lãnh đạo HĐND cấp tỉnh có 2 ĐB hoạt động chuyên trách, trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là ĐB hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch HĐND là ĐB hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.

Phương án 2 là giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh từ 2 người xuống còn 1 người như dự thảo luật do Chính phủ trình.

“Thường trực UBPL và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề xuất lựa chọn phương án 1”, ông Định nói.

Cho ý kiến, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển bày tỏ quan điểm đồng tình đưa ra 2 phương án để tiếp tục xin ý kiến của Trung ương.

“Trong tình hình hiện nay, chúng ta phải tăng cường vai trò của cơ quan dân cử, đó là xu thế và tăng cường hiệu lực, hiệu quả, sức mạnh của nó trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, cũng như giám sát. Cho nên, không thể đi theo hướng tinh giản bộ máy của cơ quan dân cử. Nếu đi như thế, tôi cho là đi ngược xu thế”, ông Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhắc lại định hướng là phải nâng cao chất lượng cơ quan dân cử để thực hiện chức năng kiểm soát quyền lực. 

“Ý kiến cho rằng, thời gian qua, 2 Phó Chủ tịch HĐND ở địa phương làm tăng biên chế là không đúng”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh và lý giải, trước đây, thường trực HĐND có 1 Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch và 1 Uỷ viên thường trực. Sau này, để nâng cao chất lượng, “danh chính ngôn thuận” nên không để chức Uỷ viên thường trực HĐND nữa mà đưa lên làm Phó Chủ tịch.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định

Cơ quan dân cử mạnh để kiểm soát quyền lực

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, đề xuất giảm là “không có cơ sở” và phương án UBPL đưa ra có vẻ dung hòa. “Nơi nào Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND thì có 2 Phó Chủ tịch, quy định này áp dụng luôn cho các ban của HĐND. Còn ở cấp huyện thì có thể giảm”.

“Quan điểm của tôi là không nên giảm Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh vì nhiều việc làm để nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của cơ quan dân cử lên. Sao không giảm chỗ nào mà cứ giảm cơ quan dân cử?”, Chủ tịch QH đề nghị, báo cáo lại Bộ Chính trị, Trung ương là qua thảo luận ý của người làm dân cử như thế.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Thanh Bình đặt vấn đề, giảm biên chế, đồng thời phải tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước. Vậy cơ chế hiện nay đã tăng cường hiệu quả quản lý chưa? Đặc biệt, giám sát quyền lực, quản lý quyền lực thì cơ chế nào, bộ máy nào thực hiện?

“Chúng ta có QH, HĐND, tôi đề nghị làm rõ làm sao để giám sát quyền lực vì đây là vấn đề rất lớn. Rõ ràng thời gian vừa qua, việc giám sát quyền lực của chúng ta chưa mạnh”, ông Bình phát biểu và bày tỏ lo lắng khi “sắp xếp lại hệ thống dân cử, thậm chí giảm số chuyên trách của dân cử. Còn hệ thống uỷ ban lại giữ nguyên”. 

“Tôi chưa nghe ý kiến nào nói vướng khi có 2 Phó Chủ tịch HĐND”,  ông Trần Văn Tuý, Trưởng Ban Công tác ĐB, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu ý kiến và dẫn số liệu cho thấy số ĐB hoạt động chuyên trách chỉ có 508 người, chiếm 6,34%, tức là rất ít.

Giải trình, làm rõ, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thực tế HĐND cấp tỉnh thường có 2 chuyên trách và quan điểm sửa luật lần này vẫn giữ chuyên trách là 2 người. 

“Có ý kiến nói luật này tập trung giảm biên chế cơ quan dân cử thì xin báo cáo Chính phủ cũng giảm mạnh trong sắp xếp cơ quan chuyên môn. Số lượng cấp phó cũng giao quyền cho Bộ trưởng quyết định nhằm khuyến khích các đơn vị bên trong bộ sắp xếp gọn lại. Cho bình quân là 3 cấp phó thì có thể chỗ có 4, chỗ 3 nhưng có nơi chỉ cần 1”, ông Lê Vĩnh Tân nói.

Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo nhấn mạnh, Bộ không đặt vấn đề giảm bên này mà không giảm bên kia vì chủ trương giảm biên chế là thực hiện chung trong hệ thống chính trị.

Hợp nhất 3 văn phòng: “1 cổ phục vụ 2 đầu không biết ngoái kiểu nào”

Một vấn đề nữa nhận được nhiều ý kiến là bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương. 
Theo Thường trực UBPL, chủ trương hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND cấp tỉnh thành 1 Văn phòng tham mưu, giúp việc chung và hiện nay, đã có 12 địa phương thực hiện thí điểm. 

“Nếu không sửa các quy định liên quan đến bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương thì sẽ không tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp, tổ chức lại 3 văn phòng”, ông Định cho biết. 

Vì vậy, để tạo cơ sở pháp lý, dự liệu trước cho việc sắp xếp tổ chức lại 3 văn phòng sau thí điểm, Thường trực UBPL đề nghị không quy định Chánh Văn phòng HĐND cấp tỉnh thuộc cơ cấu của Thường trực HĐND cấp tỉnh; đồng thời quy định về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương theo hướng khái quát cơ quan, chức năng, nhiệm vụ mà không xác định cụ thể tên gọi của cơ quan này.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển lưu ý, qua thí điểm hợp nhất thấy có “câu chuyện nảy sinh”. Nếu là Văn phòng HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH cùng hệ thống dân cử thì hợp lý, không ai phản đối. Còn Văn phòng UBND mặc dù là cơ quan giúp việc nhưng vẫn làm nhiệm vụ chuyên môn. Cho nên, có việc Chánh Văn phòng UBND, một bên đưa ra các vấn đề Uỷ ban trình ra HĐND, bên này lại báo cáo thẩm tra, rồi tiếp thu, giải trình. 

“Văn phòng như cái cổ, 1 cổ phục vụ 2 đầu không biết ngoái kiểu nào”, ông Phùng Quốc Hiển ví von và đề nghị, đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là theo hướng thí điểm sáp nhập 3 văn phòng; phương án 2 thì có 2 cơ quan là Văn phòng UBND và Văn phòng của đoàn ĐBQH - HĐND. 

Chung quan điểm, theo Chủ tịch QH, đây là lần thứ 3, “nhập vào, tách ra”. “Lần này đừng tách ra nhập vào nữa, mỗi lần làm thế phải thay đổi con dấu, rồi nhiều việc khác”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói và đề nghị, trong tháng 10 phải đánh giá việc thí điểm để tháng 11 có cơ sở đánh giá tác động, phục vụ QH cho ý kiến vào kỳ họp tới.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng thống nhất phương án có 2 văn phòng gồm: Văn phòng UBND và Văn phòng HĐND-đoàn ĐBQH. Nhưng, theo ông, nghị quyết Đảng đã nêu chủ trương hợp nhất 3 văn phòng, vì vậy, cần xin ý kiến Bộ Chính trị về vấn đề này.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm