Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quốc hội tán thành việc thực hiện BHYT bắt buộc

Thứ sáu, 23/05/2014 - 08:51

(Thanh tra) - Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) hôm qua (22/5), các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành cao với việc thực hiện BHYT bắt buộc, tạo tiền đề cho việc triển khai BHYT toàn dân.

Cần chế tài mạnh xử trường hợp trốn đóng BHYT 

Theo nhiều ĐBQH, quy định BHYT bắt buộc này cùng với việc Nhà nước hỗ trợ ngân sách theo lộ trình cho một số nhóm đối tượng tham gia BHYT sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình mở rộng đối tượng, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân và đảm bảo an sinh xã hội. 

Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (tỉnh Yên Bái) nhấn mạnh, nếu không thực hiện BHYT bắt buộc, những người có khả năng kinh tế cao, sức khỏe tốt sẽ không “mặn mà”, người già, người mang bệnh mới tham gia BHYT, không tạo ra được sự chia sẻ rủi ro, cũng như đe dọa sự bền vững của Quỹ BHYT.

Để đảm bảo tính khả thi và thúc đẩy việc thực hiện chính sách BHYT bắt buộc, nhiều ĐBQH đề nghị Nhà nước tăng cường hoạt động tuyên truyền vận động các đối tượng, bố trí nguồn lực đảm bảo, nâng cao y đức và chất lượng KCB, đổi mới phương thức thực hiện chính sách BHYT để vừa khuyến khích, vừa hỗ trợ người dân chủ động tham gia BHYT, nâng cao trách nhiệm an sinh đối với bản thân, gia đình và xã hội. Đồng thời, tổ chức để người dân có thể tiếp cận và đóng BHYT theo hộ được thuận lợi tại tất cả các địa bàn trên phạm vi cả nước.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (tỉnh Hòa Bình), Nguyễn Thị Thu Hằng (tỉnh Nam Định) đề nghị cần quy định chặt chẽ bảo đảm tính nghiêm minh và có chế tài xử phạt đủ mạnh đối với trường hợp trốn tránh không đóng BHYT bắt buộc; song song với đó cũng cần đơn giản hóa thủ tục mua BHYT, cấp thẻ BHYT, đặc biệt nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) BHYT, đáp ứng yêu cầu KCB của nhân dân, linh hoạt để mọi người dân có thể tiếp cận KCB BHYT. 

KCB vượt tuyến vẫn được thanh toán 

Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, trong điều kiện hiện nay, quy định như trong Dự thảo Luật về tuyến KCB đối với người tham gia BHYT là tương đối hợp lý. Việc người có thẻ BHYT có thể đi đến bất cứ bệnh viện tuyến nào để KCB và được Quỹ BHYT chi trả toàn bộ thường chỉ áp dụng với BHYT tư nhân/thương mại, vì đó là loại mức phí phải đóng rất cao và chỉ bảo hiểm một số loại bệnh nhất định. “Các bệnh viện ở nước ta chưa đồng đều về trình độ chuyên môn kỹ thuật y tế, nếu bỏ quy định về tuyến vào thời điểm này là chưa phù hợp”, bà Trương Thị Mai nói.

Để tạo điều kiện cho người dân được linh hoạt trong KCB, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng Quỹ BHYT thanh toán cho cả những trường hợp tự lên KCB tuyến trên kể cả nội trú và ngoại trú, với mức thanh toán như nhau là 20%, 50%, 70%, đồng thời bổ sung quy định người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa khu vực hoặc bệnh viện huyện được quyền KCB BHYT tại phòng khám đa khoa khu vực và bệnh viện huyện trên cùng địa bàn huyện và tại trạm y tế xã nơi người đó cư trú mà không coi là trái tuyến, vượt tuyến.

Không ủng hộ khám trái tuyến, vượt tuyến, nhưng các đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (tỉnh Đắk Nông), Nguyễn Thị Thu Hằng (tỉnh Nam Định) cho rằng, không thể phủ nhận nhu cầu đúng đắn của người bệnh trong việc muốn hưởng dịch vụ y tế tin cậy. Vấn đề là chúng ta phải hạn chế quá tải bằng cách khắc phục các bất cập hiện nay, tạo sự tin cậy của người dân với các bệnh viện tuyến dưới, rút ngắn khoảng cách về công nghệ, chuyên môn giữa các bệnh viện ở các tuyến, tạo sự bình đẳng trong KCB… Đồng thời, phải đưa ra các chế tài đủ nghiêm khắc chấm dứt ngay việc vi phạm y đức.

Nhiều đại biểu cũng bày tỏ những băn khoăn với quy định của dự thảo về “mức đóng BHYT được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương và các khoản khác để tính đóng bảo hiểm xã hội (sau đây gọi chung là tiền lương), tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương cơ sở. Mức hưởng BHYT theo mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi và thời gian tham gia BHYT”.

Đại biểu Nguyễn Hữu Đức (tỉnh Đồng Tháp) nhận định, cùng là người thụ hưởng nhưng ở 2 nơi khác nhau, mức đóng khác nhau thì chất lượng phục vụ khác nhau dẫn đến nhiều người sẵn sàng bỏ BHYT để KCB dịch vụ cho nên cần thống nhất mức đóng để không còn tình trạng xin cho trong KCB BHYT.

Cũng trong ngày 22/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi) và thảo luận tổ về Dự án Luật này.

 Quản lý quỹ BHXH - thu về một mối

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, định hướng chung đối với Quỹ BHYT là phải quản lý tập trung, thống nhất ở cấp quốc gia để đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu chia sẻ rủi ro giữa các đối tượng trên phạm vi cả nước.

Do chưa có sự đồng đều về tỷ lệ tham gia BHYT và dịch vụ KCB giữa các tỉnh, thành phố (có tỉnh đạt gần 100%, nhưng có tỉnh mới đạt 50 - 60% dân số tham gia BHYT, có tỉnh sử dụng nhiều kỹ thuật y tế hiện đại nhưng có tỉnh còn thiếu nhiều trang thiết bị y tế, có nơi chưa chi hết, nhưng có nơi còn bội chi quỹ BHYT) nên với mô hình quỹ tập trung Dự thảo Luật bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của chính quyền tỉnh, thành phố khi để xảy ra tình trạng bội chi Quỹ BHYT theo hướng các tỉnh, thành phố có số thu BHYT dành cho KCB nhỏ hơn số chi KCB trong năm thì UBND tỉnh có trách nhiệm bổ sung 20% số bội chi từ nguồn ngân sách địa phương.

Dự thảo Luật cũng quy định việc phân bổ Quỹ BHYT cụ thể: Dành 90% Quỹ BHYT cho KCB BHYT, 10% còn lại để chi cho quỹ dự phòng và công tác quản lý, tuyên truyền mở rộng diện bao phủ BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, trong đó dành tối thiểu 5% cho quỹ dự phòng.


Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm