Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lo đất tiếp tục sốt, giá tăng “phi mã” khi thí điểm mở rộng đất làm nhà ở thương mại

Hương Giang

Thứ tư, 13/11/2024 - 14:32

(Thanh tra) - Nếu cho phép thí điểm mở rộng các loại đất thông qua thỏa thuận để làm dự án nhà ở thương mại có tạo cơn sóng sốt đất, giá đất tiếp tục tăng "phi mã" không là vấn đề đại biểu Quốc hội băn khoăn.

Sau khi nghe tờ trình, thẩm tra ở hội trường, Quốc hội thảo luận tại tổ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận nhận hoặc đang có quyền sử dụng đất, ngày 13/11.

Tránh lợi dụng chính sách để đầu cơ và “tích tụ” đất đai

Tại tờ trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất thí điểm cho nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại với đất nông nghiệp; phi nông nghiệp không phải đất ở; đất ở và đất khác trong cùng thửa với trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất.

Nêu ý kiến, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) bày tỏ hết sức băn khoăn vì giá đất đang sốt, tăng “phi mã”, chưa có giải pháp kiểm soát.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội). Ảnh: P.Thắng

“Nếu cho phép thí điểm mở rộng các loại đất khác thông qua thỏa thuận để làm nhà ở thương mại có tạo cơn sóng sốt đất với các loại đất này hay không?”, bà Thủy lo ngại, cơn sốt đất lây lan sẽ tạo thành rào cản cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng đất vào sản xuất kinh doanh.

Đại biểu Quốc hội cũng lo ngại, nếu nhiều người chỉ chăm chăm mua các loại đất chờ để chuyển nhượng làm nhà ở thương mại thì giá đất sẽ tăng. Điều này, không chỉ doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai mà Nhà nước cũng khó khăn quản lý.

Từ đó, bà Thủy đề nghị, nếu thực hiện thí điểm ở 1 số địa phương để đánh giá xem biến động thế nào, chứ không nên thực hiện trên phạm vi cả nước như đề xuất trong dự thảo nghị quyết.

Chung quan điểm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cũng đề xuất triển khai thí điểm ở một số địa phương có nhu cầu lớn về nhà ở thương mại và những địa phương đang gặp khó khăn trong triển khai theo quy định hiện hành, sau đó tổng kết, đánh giá và mở rộng áp dụng cho các địa phương khác.

Bởi theo ông Đồng, “một số địa phương đã báo cáo không gặp vướng mắc trong việc thực hiện dự án nhà ở thương mại”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ về hiệu quả sử dụng quỹ đất dành cho nhà ở thương mại hiện tại.

“Chúng ta cần tránh tình trạng đất đai bị sử dụng không hiệu quả, lợi dụng chính sách nhân văn này để trục lợi; đồng thời hạn chế tối đa hiện tượng đầu cơ, “tích tụ” đất đai, gây ảnh hưởng tiêu cực tới giá bất động sản”, ông Đồng nói.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng. Ảnh: Đ.Trung

Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) cũng cho rằng nên cân nhắc thí điểm ở mức độ nào đó. Theo ông, tỷ lệ hộ gia đình có nhà ở tại Việt Nam top 3 thế giới lên tới 90%, sau Rumani, Trung Quốc.

“Chỉ nên tập trung thí điểm chính sách này tại các đô thị lớn, nơi có nhu cầu nhà ở xã hội lớn để tăng cung, giảm giá nhà xuống, đáp ứng nhu cầu người dân”, ông Hiếu nói và lưu ý, chính sách thí điểm này nếu điều kiện đưa ra không chặt chẽ có thể dẫn tới phát triển ồ ạt, dư thừa nguồn cung, tiền đầu tư lại bị “chôn” trong dự án bất động sản, gây lãng phí.

Tiếp cận đất đai qua thỏa thuận nhận quyền “không phải là chủ yếu”

Về tên gọi của nghị quyết, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng cho rằng, cần phải rõ ràng để tránh gây hiểu nhầm.

“Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nhất trí với tên gọi là “Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất không phải đất ở. Cá nhân tôi cũng ủng hộ với tên gọi này vì phản ánh rõ ràng phạm vi và đối tượng điều chỉnh của nghị quyết”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nêu.

Làm rõ thêm những vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nói, ban đầu Chính phủ đăng ký với Quốc hội tên gọi của nghị quyết đúng như đa số ý kiến của Ủy ban Kinh tế và đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy. Ảnh: Đ.Trung

“Quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết, chúng tôi thấy nếu quy định như vậy tên gọi ban đầu sẽ vướng mắc, không bao quát hết các trường hợp”, ông Duy giải thích và ví dụ tình huống nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng trong phần đất nhận chuyển quyền đó có cả đất ở.

Trước ý kiến đại biểu băn khoăn sẽ “chồng lấn” với Luật Đất đai vì luật này có quy định những trường hợp được phép nhận chuyển quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy trấn an, trong dự thảo nghị quyết, Chính phủ đã thiết kế khoản loại trừ các dự án mà đã được Luật Đất đai 2024 cho phép.

“Như vậy là tên gọi vẫn bao quát và đảm bảo không bị chồng lấn với các dự án Luật Đất đai 2024 đã cho phép thực hiện”, ông Duy nhấn mạnh.

Liên quan đến tiêu chí thực hiện thí điểm, dự thảo nghị quyết quy định không quá 30% diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch (so với hiện trạng sử dụng đất ở).

Nêu lý do đưa ra đề xuất này, ông Duy cho hay, trong Nghị quyết 18 của Trung ương có quy định, thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Hình thức nhận quyền hoặc chuyển mục đích sử dụng đất “không phải là chủ yếu”, cho nên, Chính phủ đề xuất tối đa là 30%. 70% còn lại thực hiện theo phương thức đấu thầu, hoặc đấu giá theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18 của Trung ương, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói thêm, thí điểm mở rộng các đất cho làm nhà ở thương mại là hết sức cần thiết. “Bản chất của dự thảo nghị quyết thí điểm là để bổ sung một hình thức tiếp cận đất đai trong thực hiện các dự án nhà ở thương mại”, ông nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quốc hội “chốt” được bán thuốc online từ 1/7/2025

Quốc hội “chốt” được bán thuốc online từ 1/7/2025

(Thanh tra) - Từ 1/7/2025, cơ sở kinh doanh dược được bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử với thuốc không kê đơn, trừ thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc hạn chế bán lẻ, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được Quốc hội thông qua.

Hương Giang

15:59 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm