Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ năm, 20/10/2022 - 06:00
(Thanh tra) - Tại kỳ họp 4, Quốc hội sẽ xem xét công tác nhân sự, cho ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), quyết định tăng lương cơ sở, cũng như nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Các đại biểu tại kỳ họp 3 Quốc hội khóa XV. Ảnh: Đ.X
Sáng nay 20/10, kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV khai mạc và dự kiến bế mạc vào ngày 15/11.
“Đây là kỳ họp cuối năm, do đó theo thông lệ, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ tiến hành hoạt động giám sát tối cao; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội và một số vấn đề quan trọng khác của đất nước”, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay.
Tăng lương cơ sở giúp cải thiện đời sống công chức, viên chức
Theo dự kiến chương trình kỳ họp, sáng ngày 20/10, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Vương Đình Huệ, Quốc hội sẽ nghe tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, dự kiến kế hoạch năm 2023; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp.
Báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có sự phục hồi tích cực từ đầu năm 2022, trong khi nhiều nền kinh tế thế giới và khu vực đối diện với khó khăn, tiềm ẩn rủi ro suy thoái.
Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,83%, mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2021-2022, vượt dự kiến và thể hiện rõ nét ở cả 3 khu vực kinh tế (nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ).
Với đà tăng trưởng này, Chính phủ ước tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%).
Thu ngân sách ước cả năm đạt khoảng 1.614,1 nghìn tỷ đồng, vượt khoảng 202,4 nghìn tỷ đồng (+14,3%) so với dự toán. Với kết quả này, theo Chính phủ, không chỉ bảo đảm đủ nguồn cho các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán, mà còn tạo dư địa trong điều hành chính sách tài khóa và triển khai các chính sách hỗ trợ tăng trưởng, ổn định và nâng cao đời sống người dân.
Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 20,8% để tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức.
Cạnh đó là đề xuất tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách Nhà nước chi trả khoảng 12,5%; hỗ trợ thêm với người nghỉ hưu trước năm 1995; tăng trợ cấp ưu đãi cho người có công và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.
Trao đổi với báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho hay mức đề xuất tăng lương cơ sở mà Chính phủ trình Quốc hội đã được tính toán trên nhiều khía cạnh và phù hợp với tình hình, nguồn lực. “Quyết định cuối cùng sẽ thuộc thẩm quyền của Quốc hội”, ông Mai nói.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm nhìn nhận, mức tăng lương cơ sở (khoảng thêm hơn 300.000 đồng/tháng) đã tính toán phù hợp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, mất giá của đồng tiền và phù hợp với tăng năng suất lao động.
“Mức tăng lương này đã được tính toán tương đối sát với tình hình và phù hợp với năng lực của ngân sách. Nếu tăng quá lên ngân sách cũng không chịu được”, ông Lâm nói và cho rằng, tăng lương cơ sở được sớm sẽ giúp cải thiện đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, song việc này còn phụ thuộc vào cân đối ngân sách.
Thực hiện quy trình nhân sự đúng quy định
Ngay trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 4, dự kiến cuối phiên làm việc chiều 20/10, Quốc hội sẽ tiến hành công tác nhân sự.
Cụ thể, Quốc hội sẽ họp riêng, nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội việc miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026.
Quốc hội cũng sẽ nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021-2026 với ông Nguyễn Văn Thể.
Sáng 21/10, Quốc hội tiếp tục quy trình nhân sự với việc bỏ phiếu kín để miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026; phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026; Thủ tướng trình Quốc hội về việc đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021-2026.
Quy trình bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước và phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được tiến hành vào chiều ngày 21/10.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc Quốc hội xem xét miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giao thông Vận tải với ông Nguyễn Văn Thể là theo “nguyện vọng cá nhân cũng như theo phân công, sắp xếp, bố trí của cấp có thẩm quyền”.
“Việc này hết sức bình thường. Quốc hội sẽ thực hiện các quy trình theo đúng quy định của pháp luật”, ông Cường nhấn mạnh.
Những thay đổi về nhân sự của Bộ Y tế và Kiểm toán Nhà nước xuất phát từ việc ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế) và ông Chu Ngọc Anh (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ) bị bắt hồi đầu tháng 6, do có sai phạm liên quan đại án Việt Á.
Sau khi ông Nguyễn Thanh Long bị bắt và bãi nhiệm chức vụ Bộ trưởng Y tế, bà Đào Hồng Lan (khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh) được Bộ Chính trị phân công về Bộ Y tế và được Thủ tướng giao quyền Bộ trưởng Y tế.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh khi đó cũng được phân công về Hà Nội giữ chức Phó bí thư Thành ủy, sau đó được bầu làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thay cho vị trí của ông Chu Ngọc Anh.
Cùng thời điểm đó, ông Ngô Văn Tuấn khi đang là Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, được điều động về giữ chức Phó Tổng phụ trách Kiểm toán Nhà nước.
Xem xét thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi), cho ý kiến Luật Đất đai (sửa đổi)
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, trong đó có Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).
So với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này đã được chỉnh lý 111/118 điều (102 điều được chỉnh lý về nội dung, 9 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản).
Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm sửa đổi được đề ra trong tờ trình của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với các định hướng sửa đổi Luật Thanh tra đã được xác định tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Trong các dự thảo luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) nhận được nhiều sự quan tâm.
“Đây là một đạo luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách quy định trong rất nhiều luật khác, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tới tất cả các tổ chức và từng người dân”, ông Bùi Văn Cường nói.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều.
Một trong những điểm mới là dự thảo bỏ khung giá đất để thể chế Nghị quyết 18 của Trung ương Đảng. Thay vào đó, Nhà nước quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất; ban hành bảng giá và quyết định giá đất cụ thể.
Tại Hội thảo “Hoàn thiện chính sách tài chính về đất đai và phát triển thị trường quyền sử dụng đất”, TS Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, nhận định, việc xác định giá đất thế nào, định giá và ai thẩm định giá… là việc cực kỳ khó, rất phức tạp.
“Đây là một luật có nhiều vấn đề vướng, liên quan đến 112 luật khác nhau, trong đó có những luật không có một chữ nào về đất đai nhưng khi sửa Luật Đất đai thì phải sửa”, TS Trần Công Phàn nhấn mạnh.
Việc xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm tạo hành lang pháp lý cho quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất; đồng thời tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế; bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh…
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 13/12/2024, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị tổng kết công tác quốc phòng địa phương, giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Trung Hà
16:40 13/12/2024(Thanh tra) - Các cấp ủy trực thuộc làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, tăng cường công tác tuyên truyền; từ đó, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng trong việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Lại Xuân Lâm.
T.Thanh
16:36 13/12/2024PV
16:33 13/12/2024Thu Huyền
16:03 13/12/2024Chính Bình
15:56 13/12/2024Trung Hà
15:51 13/12/2024Chính Bình
Nam Dũng
Trung Hà
T.Thanh
Thái Hải
PV
Lâm Ánh
Thanh Giang
P. B
Thu Huyền
Nguyễn Điểm
Nam Dũng