Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xem xét tăng lương cơ sở từ 1/7/2023, sau sẽ có lộ trình cải cách tiền lương

Hương Giang

Thứ hai, 17/10/2022 - 20:14

(Thanh tra) - Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho hay, hiện kinh tế đã phục hồi, tăng trưởng và đã có dấu hiệu khả quan, vì vậy Quốc hội xem xét tăng lương cơ sở trước, sau đó các cơ quan sẽ tính toán đề xuất lộ trình thực hiện cải cách tiền lương.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: Đ.X

Chiều ngày 17/10, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV.

Theo dự kiến, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 20/10 đến ngày 15/11/2022.

Tại buổi họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hộ Nguyễn Hoàng Mai trả lời báo chí về việc tăng cương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương.

Theo ông Nguyễn Hoàng Mai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cho ý kiến về việc điều chỉnh tăng lương cơ sở.

Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 20,8% (hiện là 1,49 triệu) để tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức.

Cạnh đó, đề xuất tăng chi lương hưu, trợ cấp BHXH với đối tượng do ngân sách Nhà nước chi trả khoảng 12,5%; hỗ trợ thêm với người nghỉ hưu trước năm 1995; tăng trợ cấp ưu đãi cho người có công và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.

Việc thực hiện điều chỉnh này dự kiến thực hiện từ 1/7/2023. Riêng điều chỉnh tăng phụ cấp nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở dự kiến thực hiện từ 1/1/2023.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hộ Nguyễn Hoàng Mai. Ảnh: Đ.X

Ông Mai cho hay, việc tăng lương cơ sở dựa trên nhiều yếu tố. Trong đó, có tính toán theo thang bảng lương, phụ cấp nghề, các quy định khác tại Nghị định 38/2019 của Chính phủ…

“Việc thực hiện tăng lương cơ sở là nỗ lực rất lớn của các cơ quan, được đề xuất và tính toán các điều kiện cần thiết để tăng. Sau khi tăng lương cơ sở thì các cơ quan chức năng sẽ tính toán, để xuất thời điểm thực hiện cải cách tiền lương”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nói.

Tuy nhiên, ông Mai cho rằng, để thực hiện cải cách tiền lương là vấn đề rất lớn, trong đó có thách thức liên quan đến nguồn lực, đặc biệt trong bối cảnh đất nước vừa trải qua hơn 2 năm chống dịch Covid-19 và mới bắt đầu phục hồi kinh tế.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nói thêm, Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII đã xác định lộ trình cải cách tiền lương.

Tuy nhiên, 2 năm qua chúng ta ảnh hưởng hết sức nặng nề của đại dịch Covid-19.

Do đó, ông Cường cho rằng, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị cũng phải chia sẻ với Đảng, Nhà nước chưa tăng lương mà dành nguồn lực đó cho phòng chống dịch để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

“Chúng ta không có điều kiện tăng lương trong giai đoạn vừa rồi. Hiện kinh tế đã phục hồi, tăng trưởng và đã có dấu hiệu khả quan, vì vậy, chúng ta tính tăng lương cơ sở trước, sau đó sẽ có lộ trình để thực hiện cải cách tiền lương”, Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.

Cũng như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, ông Cường cho rằng, việc thực hiện cải cách tiền lương còn phụ thuộc vào ngân sách, nguồn lực quốc gia.

“Chúng ta phải cân đối kỹ lưỡng giữa đầu tư cho phát triển và đầu tư cho con người, điều đó phải cân nhắc kỹ lưỡng lắm. Tất nhiên tăng lương cho cán bộ, công chức cũng là đầu tư cho phát triển nhưng nếu như không có thúc đẩy khác nữa thì rất khó”, ông Bùi Văn Cường nói thêm, đầu tư cho phát triển để thu thuế, ngân sách tốt hơn thì lúc đó có lộ trình cải cách tiền lương.

Cũng tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết vừa qua, Ủy ban Xã hội đã kiến nghị có cơ chế riêng xem xét việc xử lý vi phạm trong giai đoạn cấp bách chống dịch.

Theo ông Mai, việc này xuất phát từ “thực tiễn giám sát việc thực hiện Nghị quyết 30 tại các địa phương và tâm tư, nguyện vọng của người trực tiếp chống dịch”.

Bởi trong hoàn cảnh “chống dịch như chống giặc”, tình huống rất cách bách thì nhiều việc phải xử lý tình thế, không cho phép chờ đợi, nên quá trình thực hiện sẽ không theo đúng quy định của pháp luật, như việc mua sắm vật tư, thiết bị, sinh phẩm... "miễn có ngay để đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chống dịch". 

Ông Mai cho rằng, khi xử lý vi phạm cần xác định đúng bản chất, đúng hoàn cảnh, trong đó quan trọng nhất là xác định có mục đích cá nhân không. Việc này giúp động viên được những người trực tiếp tham gia chống dịch, đồng thời nếu sau này có đợt dịch tiếp theo thì những người đó sẽ mạnh dạn, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình.

Cho biết Chính phủ đã có báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 30, tuy nhiên, theo ông Mai, cần đánh giá sâu sắc hơn nữa, bổ sung thông tin, số liệu liên quan và các kiến nghị phải có giải trình rất cặn kẽ.

Ông Mai cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết để trình tại kỳ họp tiếp theo, có thể là kỳ họp bất thường cuối năm, lúc đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến chính thức về đề xuất cân nhắc hoàn cảnh vi phạm pháp luật để xử lý cho phù hợp.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm