Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngân sách sẽ vay 608.569 tỷ đồng, chưa tăng lương cơ sở trong năm 2021

Hương Giang

Thứ năm, 12/11/2020 - 15:57

(Thanh tra) - Quốc hội quyết năm 2021, tổng mức vay của ngân sách Nhà nước là 608.569 tỷ đồng; đồng thời “chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, chuẩn nghèo”.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết. Ảnh: CTV

Chiều ngày 12/11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021.

Theo nghị quyết, năm 2021, tổng thu ngân sách Nhà nước là 1.343.330 tỷ đồng, tổng chi là 1.687.000 tỷ đồng. Tổng mức vay của ngân sách Nhà nước là 608.569 tỷ đồng.

Mức bội chi ngân sách Nhà nước là 343.670 tỷ đồng, tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Trong đó, bội chi ngân sách Trung ương là 318.870 tỷ đồng (tương đương 3,7%GDP); bội chi ngân sách địa phương là 24.800 tỷ đồng (tương đương 0,3%GDP).

Dành nguồn lực chống Covid -19, khắc phục hậu quả thiên tai

Quốc hội thống nhất, trong năm 2020, không thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Tập trung nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai.

Năm 2021 cũng chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, chuẩn nghèo. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về tạo nguồn cải cách tiền lương.

Riêng những địa phương đã có cam kết đảm bảo nhu cầu cải cách tiền lương và chính sách an sinh xã hội đến hết năm 2020, trường hợp dự toán năm 2021 thiếu nguồn sẽ được ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu để thực hiện chính sách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội theo các chế độ quy định.

Quốc hội giao Chính phủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách Nhà nước.

Chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ thuế; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật; đẩy nhanh công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp… 

Các địa phương có điều tiết về ngân sách Trung ương, trường hợp xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình đến năm 2025, không đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ thì được phép báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn làm lương còn dư để đầu tư các dự án đầu tư phát triển theo quy định tại Nghị quyết số 86/2019/QH14.

Sẽ ưu tiên tăng lương hưu cho người nghỉ trước năm 1995 sau tổng kết

Trong quá trình thảo luận về ngân sách Nhà nước, một số đại biểu Quốc hội đề nghị điều chỉnh lương hưu đối với người nghỉ hưu trước năm 1993, rà soát các nội dung về chưa điều chỉnh tiền lương năm 2020, 2021 và chưa điều chỉnh chuẩn nghèo.

Trình bày báo cáo giải trình trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho hay, Kết luận số 91 của Hội nghị Trung ương 13 quy định “trong năm 2021 chưa điều chỉnh lương cơ sở, chưa điều chỉnh chuẩn nghèo”.

Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, năm 2020 hụt thu khoảng 190 nghìn tỷ đồng so với dự toán; dự toán thu cân đối ngân sách năm 2021 giảm trên 170 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2020.

Vì vậy, “chưa cân đối được nguồn để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp xã hội và trợ cấp hàng tháng (đối tượng do ngân sách bảo đảm), trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2020 và năm 2021, cũng như điều chỉnh chuẩn nghèo cho giai đoạn tới”.

Về việc ưu tiên điều chỉnh mức tăng trợ cấp người có công, lương hưu và trợ cấp cho những người nghỉ hưu trước năm 1995, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng “cần thiết”. Song cần tổng kết về số lượng, phạm vi, mức hỗ trợ để xây dựng dự kiến kinh phí bố trí cũng như bảo đảm chính sách hỗ trợ lâu dài, phù hợp với khả năng ngân sách Nhà nước.

Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có tổng kết, đánh giá và xây dựng phương án điều chỉnh phù hợp, báo cáo Quốc hội theo hướng ưu tiên hơn cho đối tượng trên trong thời gian tới.

Chuyển nguồn hơn 3.233 tỷ để hỗ trợ đánh bắt thuỷ sản xa bờ…

Theo nghị quyết, tiếp tục chuyển nguồn 3.233,149 tỷ đồng kinh phí thực hiện chính sách phát triển thủy sản từ năm 2019 chuyển sang và sử dụng đến hết niên độ ngân sách năm 2021 để thực hiện mục tiêu hỗ trợ hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ kết hợp với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo theo Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Bên cạnh đó, cho phép sử dụng 2.500 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đến ngày 31/12/2018 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

(Thanh tra) - Từ 1/12/2024, tỉnh Bắc Ninh giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu, phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và không để tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư.

14:59 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm