Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề nghị Chính phủ nghiên cứu cơ chế đặc thù xử lý vi phạm khi thực hiện biện pháp cấp bách chống dịch

Hương Giang

Thứ hai, 10/10/2022 - 16:47

(Thanh tra) - Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có cơ chế đặc thù với việc xử lý những vi phạm khi thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: P.Thắng

Chiều ngày 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết 30 của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Cần sớm có chế độ đãi ngộ đặc biệt, ổn định tâm lý cán bộ y tế

Trình bày báo cáo của Chính phủ, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định Nghị quyết số 30 đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

“Việt Nam đã đạt mục tiêu kiểm soát dịch được dịch bệnh COVID-19, đưa đất nước về trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội”, bà Lan nói.

Quá trình phòng chống dịch COVID -19, Chính phủ, Thủ tướng thường xuyên chỉ đạo chống mọi biểu hiện, hành vi lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm, kit xét nghiệm, tiêm chủng vaccine…

Các cơ quan chức năng đã tăng cường thanh tra, tập trung đấu tranh đấu tranh, khởi tố, điều tra làm rõ các vụ án trọng điểm gây bức xúc dư luận như: Vụ nhận hối lộ để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi.

Hay vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đưa hối lộ; nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết 30 của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: P.Thắng

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Xã hội chia sẻ với những khó khăn của Chính phủ khi vừa phải tập trung mọi nguồn lực để phòng chống dịch COVID-19, vừa phải thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19.

“Một số vụ việc đã được phát hiện, khởi tố, mang tính răn đe, phòng ngừa lớn”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

Cơ quan thẩm tra thấy, quá trình thanh tra, kiểm tra, quyết toán không xem xét các yếu tố cấp bách, tính nghiêm trọng của tình huống mà chỉ áp dụng các văn bản pháp luật hiện hành trong điều kiện bình thường để đối chiếu, xem xét xử lý.

Điều này gây ra tâm lý hoang mang của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong lĩnh vực y tế và công tác thanh quyết toán của các cơ quan ở cơ sở, tiềm ẩn tác động bất lợi khi phải quyết định các giải pháp ứng phó với tình huống khẩn cấp sau này.

Vì vậy, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có cơ chế đặc thù với việc xử lý những vi phạm khi thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19.

Song song với đó, là tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Bởi, theo Ủy ban Xã hội, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng chống dịch vẫn diễn biến phức tạp; tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng...

Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Chính phủ ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ngành y tế; khẩn trương rà soát các chế độ, chính sách, thực hiện chi trả đầy đủ, đảm bảo quyền lợi với lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

“Cần nghiên cứu đề xuất các chế độ, chính sách đãi ngộ đặc biệt, phù hợp, thu hút, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế; sớm ổn định tâm lý cán bộ y tế trong bối cảnh có nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự”, bà Thúy Anh nêu.

Nguy cơ thiếu thuốc khi hơn 14.000 thuốc sẽ hết hiệu lực đăng ký lưu hành

Để tiếp tục duy trì vững chắc thành quả phòng chống dịch và dự phòng nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ đề nghị Quốc hội tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc theo Nghị quyết số 30 thêm 1 năm (đến hết ngày 31/12/2023).

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: P.Thắng

Nêu lý do, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường dẫn đến nhiều khó khăn trong thực hiện thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định hiện hành.

Số lượng hồ sơ gia hạn cần giải quyết rất lớn (trên 14.000 hồ sơ) và tiếp tục tăng lên, trong khi, nhân lực thẩm định hồ sơ “thiếu trầm trọng”.

Quyền Bộ trưởng Y tế khẳng định, việc gia hạn này không ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc do các thuốc này đã được đăng ký lưu hành nhiều năm tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới (trong đó, có nhiều quốc gia quản lý dược chặt chẽ).

“Trường hợp không gia hạn kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và hoạt động cung ứng thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ở mọi chuyên khoa, ở tất cả các tuyến điều trị”, bà Lan nhấn mạnh.

Về lâu dài, bà Lan nói, cần có cơ chế gia hạn tự động với thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành. Chính phủ đã đề xuất cơ chế này trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới.

Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội tiếp tục cho phép áp dụng một số chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách về khám chữa bệnh, thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế như các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 đang hoạt động được phép tiếp tục hoạt động; tiếp tục thực hiện thí điểm khám bệnh, chữa bệnh từ xa….

Ghi nhận các kiến nghị này, nhưng Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ có báo cáo đánh giá tổng kết việc thực hiện một cách đầy đủ để đề ra phương hướng, danh mục cụ thể các chính sách, biện pháp nêu Nghị quyết 30 cần được tiếp tục duy trì sau ngày 31/12/2022 để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

“Trước tình trạng trong năm 2023 có nguy cơ thiếu thuốc khi hơn 14.000 thuốc sẽ hết hiệu lực đăng ký lưu hành, đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân của nguy cơ thiếu thuốc này và có tờ trình chính thức để Quốc hội xem xét, quyết định”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nói.

Một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, các biện pháp nêu trên là đặc biệt, đặc thù chỉ áp dụng trong thời gian có dịch bệnh. Khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, cần áp dụng theo quy định trong trạng thái bình thường của pháp luật hiện hành. Trường hợp các quy định của pháp luật hiện hành không còn phù hợp, không đáp ứng yêu cầu của thực tiễn thì Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Nam tổ chức hội nghị về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị

Hà Nam tổ chức hội nghị về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị

(Thanh tra) - Chiều ngày 12/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã tổ chức hội nghị thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW.

Chính Bình

21:26 12/12/2024
Chủ tịch nước: Ngành Ngoại giao cần làm tốt công tác tổ chức, cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18

Chủ tịch nước: Ngành Ngoại giao cần làm tốt công tác tổ chức, cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18

(Thanh tra) - Chiều 12/12, tại buổi làm việc với Bộ Ngoại giao, Chủ tịch nước Lương Cường đã yêu cầu ngành Ngoại giao làm tốt hơn nữa công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy, đào tạo, đánh giá cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

T.T

21:06 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm