Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người dân lo lắng giá xăng tăng, học phí tăng, tiền lương lại không tăng

Hương Giang

Thứ hai, 10/10/2022 - 14:50

(Thanh tra) - Bên cạnh những lo ngại của cử tri về học phí và các dịch vụ tăng cao, trong khi tiền lương không tăng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo gửi đến Quốc hội bổ sung tình hình về xăng dầu khi nhiều cửa hàng hiện đóng cửa, kêu thua lỗ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: P.Thắng

Sáng ngày 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.

Nhiều cửa hàng chỉ bán cho người dân 50 nghìn tiền xăng

Theo ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cử tri và nhân dân ghi nhận tình hình kinh tế có “nhiều điểm sáng tích cực” khi GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng.

Song, cử tri bày tỏ lo lắng dù kinh tế Việt Nam đã bước sang giai đoạn phục hồi và phát triển nhưng chưa đồng đều và thực sự bền vững.

Đáng lưu ý, vẫn có những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, học phí và các dịch vụ tăng cao, trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không tăng.

“Giá xăng dầu có giảm nhưng nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển vẫn còn ở mức cao”, theo ý kiến của cử tri và nhân dân.

Mặt khác, do biến động về giá xăng dầu, vật tư, giá vật liệu xây dựng thời gian qua tăng cao dẫn đến hầu hết các nhà thầu thi công sẽ bị lỗ so với giá trúng thầu. Do vậy các nhà thầu tổ chức thi công theo kiểu “cầm chừng” nhằm chờ giá giảm nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như việc giải ngân vốn đầu tư công.

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Nêu ý kiến sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đề cập đến xăng dầu.

Theo ông Thanh, báo cáo cần bổ sung thêm nội dung vì nhân dân phản ánh điều hành chính sách, kể cả điều hành quỹ bình ổn giá xăng dầu, chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu chưa phù hợp. Điều này, dẫn đến một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa vì “kinh doanh là lỗ”.

“Cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân”, ông Thanh nói thêm, một số cửa hàng xăng dầu chỉ bán 50 nghìn đồng cho người dân.

Tình trạng khan hiếm xăng dầu do các cơ sở kinh doanh tạm dừng hoặc nghỉ bán được ghi nhận tại một số nơi ở TP HCM. Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường TP HCM, tính đến tối 9/10, có 54/550 cửa hàng tạm hết xăng dầu, chủ yếu ở các quận Tân Bình, quận 12, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh...

Đề nghị sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương

Trở lại báo cáo thấy, cử tri vùng nông thôn lo ngại các mặt hàng nông sản chủ lực vẫn gặp tình trạng giá cả không ổn định, giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thức ăn chăn nuôi duy trì ở mức cao, chi phí đầu vào tăng cao phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu, nhất là Trung Quốc...

Nhân dân còn lo lắng về thông tin tăng học phí của các cấp học, các khoản phụ phí, các khoản đóng góp xã hội hóa đầu năm của hội phụ huynh trong các nhà trường, nhất là những người lao động, người làm công ăn lương gặp rất nhiều khó khăn.

Cạnh đó, là tình trạng thiếu biên chế giáo viên, nhân lực y tế ở các cơ quan, đơn vị, các địa phương xin nghỉ việc do áp lực công việc, do tiền lương thực tế và thu nhập chưa đảm bảo đời sống.

Ông Châu cho hay, cử tri đề nghị đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiết kiệm triệt để, giảm chi tiêu không cần thiết.

Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm xử lý các vấn đề bức xúc của người dân liên quan đến chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và tình hình tăng giá.

Trước ý kiến cử tri, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo, điều chỉnh chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27 nhằm cải thiện thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để yên tâm công tác.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: P.Thắng

Cho rằng, cải cách tiền lương là nhu cầu chính đáng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng góp ý, có thể đề cập sớm điều chỉnh lương cơ bản để tháo gỡ khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức làm công ăn lương trong bộ máy Nhà nước. Song song với đó là khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27.

Đề cập đến vấn đề khác, theo ông Tùng, một số địa phương xử phạt phụ huynh không đưa con đi tiêm vaccine ngừa Covid-19. “Xử phạt như vậy không đúng quy định của Chính phủ. Bởi dịch Covid-19 chưa được đưa vào danh mục bệnh truyền nhiễm bắt buộc sử dụng vaccine, nhất là với trẻ em từ 5-12 tuổi. Vì thế, cần tuyên truyền, vận động người dân tiêm vaccine ngừa Covid-19”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu ý kiến.

Ông Tùng cũng nêu rõ, Nghị định 117 của Chính phủ về xử phạt hành chính có quy định hành vi cố ý cản trở, không sử dụng vaccine nhưng chỉ áp dụng với nhân viên y tế chứ không áp dụng cho người được tiêm vaccine, hay phụ huynh liên quan.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ rà soát, chỉ đạo, tránh thực thi pháp luật chưa đúng, chưa đầy đủ, gây bức xúc cho người dân.

Tăng gần 400 vụ tham nhũng và chức vụ so với năm 2021 Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, theo ông Lê Tiến Châu, cử tri đánh giá cao việc kiên quyết xử các tập thể, cá nhân vi phạm, đặc biệt đối với những người giữ cương vị cao trong bộ máy Đảng và Nhà nước ở cả Trung ương và địa phương.  Toàn cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: P.Thắng Báo cáo dẫn chứng việc xử lý nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Y tế; nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội; nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; cũng như việc thi hành kỷ luật và cho thôi Ủy viên Trung ương Đảng với 3 cán bộ đương chức… Cử tri cũng ghi nhận việc các cơ quan tiếp tục chỉ đạo rất quyết liệt trong điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, cả trong khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân. Cử tri và nhân dân lo ngại lớn khi kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy tội phạm về tham nhũng và chức vụ tăng 33,33% với 396 vụ so với cùng kỳ năm trước. Cử tri đề nghị tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Cạnh đó, cử tri đề nghị Nhà nước sớm hoàn thành việc điều tra để đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các ngành, các cấp và người đứng đầu trong các dự án lớn bị thua lỗ, gây thất thoát tài sản Nhà nước và thông tin công khai kết quả xét xử…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Năm 2025, tiếp tục xây dựng 70 căn nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên

Năm 2025, tiếp tục xây dựng 70 căn nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên

(Thanh tra) - Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) vừa quyết định trích 4,9 tỷ đồng từ Quỹ phúc lợi để triển khai chương trình xây dựng 70 căn nhà tình nghĩa tại 13 tỉnh, TP khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong năm 2025. Mỗi căn nhà được hỗ trợ kinh phí 70 triệu đồng, giúp các hộ nghèo, gia đình chính sách có nơi ở ổn định và kiên cố hơn.

Ngọc Phó

10:36 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm