Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề xuất ký hợp đồng với doanh nhân tiêu biểu, chuyên gia làm nhiệm vụ công chức lãnh đạo

Hương Giang

Thứ ba, 03/06/2025 - 15:38

(Thanh tra) - Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi bổ sung quy định cho phép ký hợp đồng với doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư giỏi để thực hiện nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý.

Chiều 3/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Một trong những điểm mới, dự thảo luật bổ sung quy định được ký hợp đồng với doanh nhân tiêu biểu, chuyên gia làm công chức lãnh đạo.

Sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện dự thảo luật gồm 7 chương, 45 điều, giảm 8 điều so với dự thảo luật đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 9.

Cần điều chỉnh quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, dự thảo luật đã hoàn thiện cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng và chính sách với người có tài năng trong hoạt động công vụ. Theo đó, quy định chính sách với 2 nhóm đối tượng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: P.Thắng

Đầu tiên, là nhóm đối tượng thu hút vào khu vực công áp dụng với nguồn nhân lực chất lượng cao (chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư giỏi, doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và nguồn nhân lực chất lượng cao khác).

Nhóm thứ hai là người có tài năng trong hoạt động công vụ (những cán bộ, công chức có năng lực vượt trội, có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, có thành tích nổi trội trong hoạt động công vụ thể hiện bằng sản phẩm, kết quả cụ thể).

Dự thảo luật giao Chính phủ quy định khung cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng và đãi ngộ với các đối tượng trên.

3 hình thức thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ngoài khu vực công cũng được quy định trong dự thảo luật.

Trong đó, đáng chú ý, theo bà Trà, dự thảo luật bổ sung quy định cho phép ký hợp đồng với doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư giỏi để thực hiện nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý.

Tán thành với đề xuất của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật Tư pháp cho rằng, quy định này, để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: P.Thắng

Tuy nhiên, hiện nay người được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và quy định của Đảng, như về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật ...

Vì vậy, có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng, cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền của Đảng điều chỉnh các quy định có liên quan đến tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý để bảo đảm triển khai quy định nêu trên của dự thảo luật.

Chậm nhất đến 1/7/2027, hoàn thành bố trí công chức đúng vị trí việc làm

Nội dung nữa, Chính phủ cho biết, hiện các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt vị trí việc làm, trong đó đã bao hàm nội dung về tiêu chuẩn ngạch công chức tương ứng.

Khi luật có hiệu lực thi hành (dự kiến từ ngày 1/7/2025), người được tuyển dụng mới vào làm công chức sẽ được bố trí vào vị trí việc làm và xếp ngạch công chức tương ứng.

Các đại biểu tham dự phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi. Ảnh: P.Thắng

“Tuy nhiên, với trường hợp công chức đang trong hệ thống chính trị đã được bổ nhiệm, xếp lương theo ngạch công chức, khi chuyển sang thực hiện quản lý công chức theo vị trí việc làm thì cần có thời gian để các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành tổng rà soát, bố trí công chức theo đúng vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức được bổ nhiệm”, bà Trà nói.

Vì vậy, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định “chậm nhất đến ngày 1/7/2027, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương phải hoàn thành việc bố trí vào vị trí việc làm và xếp ngạch tương ứng với vị trí việc làm đối với công chức được tuyển dụng trước ngày luật này có hiệu lực thuộc phạm vi quản lý theo quy định của luật này”.

Quy định chuyển tiếp thực hiện quản lý công chức theo vị trí việc làm nhận được sự tán thành của cơ quan thẩm tra, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng.

Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về nội dung này để các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương có cơ sở triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ hoàn thành.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã chỉnh lý các nội dung về đánh giá công chức.

Trong đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh việc sử dụng kết quả đánh giá để thực hiện khen thưởng, chế độ thu nhập tăng thêm, tiền lương và xem xét bố trí vào vị trí việc làm có yêu cầu thấp hơn hoặc cho thôi việc với trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Quy định trên nhằm thực hiện sàng lọc người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ra khỏi bộ máy.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm