Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Chủ nhật, 18/05/2025 - 13:50
(Thanh tra) - Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị yêu cầu phát huy tinh thần phục vụ nhân dân của công chức, bảo đảm quan điểm “người dân và doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm”, Chủ tịch Quốc hội quán triệt.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư sáng nay (18/5) tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
Nhiều văn bản pháp luật mang nặng tính mệnh lệnh hành chính
Báo cáo chuyên đề trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói, việc ban hành nghị quyết này là đòi hỏi khách quan của tiến trình đổi mới, nhằm tạo đột phá nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: P.Thắng
Theo ông Trần Thanh Mẫn, thời gian qua, công tác xây dựng và thực thi pháp luật đã đạt những kết quả quan trọng, góp phần tạo nền tảng pháp lý cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Tuy nhiên, công tác xây dựng và thi hành pháp luật vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế.
Chủ tịch Quốc hội cho hay, một số chủ trương, định hướng của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ.
Trong khi, tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về quản lý, chưa chú trọng đúng mức đến thúc đẩy phát triển, chưa tạo động lực đổi mới sáng tạo.
“Nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn mang nặng tính mệnh lệnh hành chính, quy định chi tiết "được làm gì, không được làm gì", thiếu linh hoạt, không theo kịp sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, thị trường và các mô hình kinh doanh mới”, ông Trần Thanh Mẫn nói.
Chất lượng xây dựng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn. Tình trạng quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ, không rõ ràng chưa được khắc phục triệt để...
Bên cạnh đó, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu. Theo kết quả khảo sát của Bộ Tư pháp tại 63 tỉnh, thành có tới 65% người dân và doanh nghiệp được hỏi cho rằng việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, làm giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội cho hay, Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu trung hạn và dài hạn cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật, bám sát yêu cầu và mốc thời gian thực hiện 2 mục tiêu chiến lược 100 năm mà Đảng đã đề ra.
Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán, mở đường cho kiến tạo phát triển, huy động mọi người dân và doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội.
Mục tiêu để đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán. Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội.
Không để tình trạng “nói nhiều làm ít”, “nói mà không làm”
Để đạt mục tiêu trên, theo Chủ tịch Quốc hội, nghị quyết xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
“Điểm nhấn quan trọng là đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật”, Chủ tịch nói, nghị quyết yêu cầu dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” - thay vào đó phải khuyến khích sáng tạo, khơi thông nguồn lực phát triển.
Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan Triển lãm “Những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân và các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân”. Ảnh: P.Thắng
Song song với cắt giảm tối đa điều kiện kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ; bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, Nghị quyết 66 đặt ra yêu cầu, kiên quyết không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế, dân sự, không dùng biện pháp hành chính để giải quyết tranh chấp kinh tế, giữ vững tính công bằng và linh hoạt của luật pháp.
Với thi hành pháp luật, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm công bằng, nghiêm minh, nhất quán và kịp thời.
“Nghị quyết yêu cầu phát huy tinh thần phục vụ nhân dân của công chức, bảo đảm quan điểm “người dân và doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm””, Chủ tịch Quốc hội quán triệt.
Hiện thực hóa Nghị quyết 66, theo ông Trần Thanh Mẫn, Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể.
Trong đó, để thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, đột phá phát triển khoa học công nghệ, tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, ông cho biết, tại kỳ họp 9 đang diễn ra, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua trên 50 luật, nghị quyết.
Đề nghị các cơ quan, tổ chức sớm ban bành kế hoạch triển khai để đưa Nghị quyết 66 vào cuộc sống, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phải có cơ chế theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện bảo đảm để những chủ trương, quyết sách mang lại những kết quả cụ thể, có thể kiểm đếm và người dân cảm nhận được sự thay đổi theo chiều hướng tích cực.
“Dứt khoát không để tình trạng “nói nhiều làm ít”, “nói mà không làm””, Chủ tịch Quốc hội quán triệt.
Người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật và chịu trách nhiệm chính về chất lượng chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành mình.
“Điểm này, đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ hết sức lưu ý”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Để chuẩn bị cho Kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 của HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngày 17/6, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh cùng các đại biểu HĐND tỉnh đã đồng loạt tổ chức các buổi tiếp xúc với cử tri tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Trọng Tài
(Thanh tra) - Ông Hồ Văn Niên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai giữ chức Thứ trưởng Thường trực Bộ Dân tộc và Tôn giáo, theo quyết định của Thủ tướng.
Hương Giang
Hương Giang
Chính Bình
Nhật Minh
Hương Giang
An Khang
Trọng Tài
T. Minh
Hương Giang
Hương Giang
Thái Hải
Phương Anh
Văn Thanh
Văn Thanh
Trung Hà
Chính Bình