Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, sáng 14/5.
Trao đổi với PV Báo Thanh tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Hoàng Anh Công nói, chúng ta phải vượt qua bẫy thu nhập trung bình, đất nước phát triển thì bộ máy phải rất tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian.
“Sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính địa phương rất quan trọng để tạo dư địa phát triển của đất nước. Cơ sở phải gần dân, còn Trung ương phải định hướng được tốt để đất nước đi lên”, ông Công nhấn mạnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Tạ Văn Hạ nhận định, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính địa phương, đúng là một cuộc cách mạng, chúng ta đang làm rất quyết liệt, với quyết tâm rất cao.
“Đây là một bước ngoặt rất lớn trong lịch sử cách mạng Việt Nam”, ông Hạ nêu. Với quyết sách đúng, chủ trương đúng này, theo ông Hạ, được Nhân dân ủng hộ, đánh giá rất cao.
Để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, đòi hỏi phải hoàn thiện thể chế, đồng bộ hệ thống pháp luật. Như tại kỳ họp 9 đang diễn ra, Quốc hội đang tập trung sửa Hiến pháp, sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương để thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.
Trung ương đã định hướng kết thúc cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, giảm từ 63 xuống còn 34 tỉnh, thành. Đơn vị hành chính cấp xã giảm từ 10.035 xuống còn 3.321 đơn vị.
Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã giảm như vậy, kéo theo số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư rất lớn. Cho nên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát, việc sắp xếp, bố trí cán bộ “không đơn giản”.
Ông Công ví dụ, một tỉnh có khoảng 10-15 huyện, mỗi huyện có 50-60 biên chế, mỗi xã có khoảng 10 người. Giờ kết thúc cấp huyện, sáp nhập nhiều đơn vị hành chính cấp xã với nhau, cán bộ, công chức cấp huyện đưa về xã, thì cấp xã mới có thể lên đến hàng trăm người, nên phải tính toán.
Định hướng sắp xếp, theo ông Công: một là, giữa nguyên trạng; hai là theo nhu cầu của cán bộ khi số lượng xin nghỉ hưu trước tuổi, xin chuyển sang khu vực ngoài Nhà nước cũng rất nhiều.
“Chúng ta phải thống nhất xuyên suốt những chủ trương chung, để làm sao tạo cơ hội cho cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục phục vụ xã hội”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát nói.
Ông đặc biệt nhấn mạnh, khi kết thúc cấp huyện phải xác định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền của đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh; song song là chọn cán bộ, nhất là người đứng đầu phù hợp.
“Chọn đúng người thì việc hanh thông, chọn không đúng người thì việc bế tắc, có khi còn làm tổn hại đến tổ chức”, theo lời Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát.
Trước băn khoăn bố trí cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện về công tác tại cấp xã sẽ “không gần dân, sát dân, không nắm được tình hình ở cơ sở”, ông Công nhận định, chỉ một thời gian ngắn, những cán bộ này sẽ cập nhật được tình hình, bởi họ nắm được chủ trương, chính sách, pháp luật và trực tiếp làm việc.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Tạ Văn Hạ chung nhận định sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, là vấn đề “rất nhạy cảm, phức tạp”, nhưng phải làm để phục vụ công cuộc đổi mới, tinh gọn bộ máy.
Thêm nữa, tới đây, sẽ không còn “công chức suốt đời”, người có năng lực, trình độ, hoàn thành tốt nhiệm vụ mới được lựa chọn.
Vẫn theo ông Hạ, cán bộ, công chức cấp huyện là những người có trình độ đầu vào, được tuyển chọn bài bản, đúng quy trình. Khi chuyển về cấp xã, họ phải thích nghi.
“Làm việc với dân cần những kỹ năng, như cán bộ địa chính xã phải hiểu từng thửa ruộng, cánh đồng ở xã đó, hay làm về công tác xã hội phải hiểu từng thôn bản, thậm chí từng dòng họ. Cán bộ cấp huyện khi xuống xã, với chức năng, nhiệm vụ mới đòi hỏi phải thích nghi, nếu không thì đứng sang một bên để nhường cho những người khác”, ông Hạ nói.
Sau khi sắp xếp, sáp nhập, bộ máy mới đi vào hoạt động ổn định, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội lưu ý phải tính toán tinh giản biên chế, như cấp phó trong 5 năm phải đưa về đúng số lượng theo quy định của luật.
Tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, không chỉ sắp xếp nơi làm việc của đơn vị mới, bố trí cán bộ, mà còn phải xử lý trụ sở dôi dư, không để bỏ hoang, lãng phí.
“Sắp xếp trụ sở dôi dư phải làm sao sử dụng đúng mục đích công, đây là điều quan trọng. Như Tổng Bí thư nói ưu tiên dùng trụ sở đôi dư cho bệnh viện, trường học, văn hóa cộng đồng”, ông Công lưu ý.
Ông đặc biệt nhấn mạnh, trụ sở dôi dư cũng là nguồn lực phát triển. Cho nên cũng cần đặt ra phương án bán đấu giá để thu ngân sách, để đầu tư cho phát triển.
“Tại sao cứ để trụ sở bỏ hoang mà không nghĩ đến xã hội hóa, bán đấu giá theo đúng quy định của pháp luật. Khi đó, chúng ta thu được nguồn ngân sách, và lấy ngân sách đó đầu tư các công trình để phát triển đất nước và địa phương”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát nêu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Tạ Văn Hạ cũng cho rằng, trụ sở dôi dư là một nguồn lực rất lớn của đất nước, nên phải sử dụng hiệu quả. Ông rất đồng tình với chỉ đạo của Tổng Bí thư là ưu tiên dùng trụ sở dôi dư cho giáo dục, y tế, văn hóa cộng đồng, để phục vụ an sinh xã hội.
Sau khi ưu tiên cho những lĩnh vực trên, các trụ sở dôi dư còn lại, theo ông Hạ có thể đấu giá để làm sao khai thác hiệu quả nhất nguồn lực đó. Vấn đề là, trụ sở công thường đặt ở trung tâm của địa phương, có vị trí đắc địa. Cho nên, phải cân nhắc yêu cầu phát triển, khai thác hiệu quả nhất nguồn lực đó.
“Chúng ta phát triển nhưng phải lưu ý nếu những trung tâm đô thị lớn, các vị trí đắc địa mà cứ ưu tiên tập trung vào đầu tư như chung cư cao tầng, khu đô thị thì không chỉ áp lực về dân số, môi trường, mà cả áp lực về hạ tầng. Cuối cùng, Nhà nước lại phải tính toán bỏ tiền mở rộng đường, xây dựng thêm bệnh viện, trường học để mà đáp ứng được yêu cầu phát triển của đô thị. Tôi cho rằng, điều này phải được cân nhắc”, ông Hạ lưu ý.
Sau khi sáp nhập, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho rằng, bộ máy hành chính mới sẽ đánh giá tổng thể các trụ sở dôi dư, công năng để làm sao sử dụng phù hợp. “Trụ sở dôi dư mà bỏ hoang, lãng phí, đó là trách nhiệm của địa phương”, theo lời ông Tạ Văn Hạ.
Vấn đề nữa khi sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã, theo ông Hoàng Anh Công, phải cố gắng không thay đổi quá nhiều thủ tục hành chính, không bắt người dân phải thay đổi giấy tờ.
“Chúng ta phải sử dụng công nghệ để thay đổi dần dần giấy tờ. Chứ bây giờ, người dân ùn ùn đi thay đổi căn cước, làm lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… thì bộ máy không thể làm được”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát nói.
Nêu quan điểm cá nhân, ông Công cho rằng, Quốc hội nên có thông điệp trong nghị quyết sáp nhập là tạm giữ nguyên giá trị giấy tờ trong 5 năm, trừ trường hợp cấp mới. Bởi, thay đổi giấy tờ sẽ tạo xáo trộn rất lớn, người dân sẽ rất khó khăn.