Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bộ trưởng Nội vụ: Hơn 7 nghìn cán bộ, công chức, viên chức ở bộ, ngành nghỉ việc trong hơn 2 năm

Hương Giang

Thứ ba, 01/11/2022 - 11:49

(Thanh tra) - Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, một trong những nguyên nhân là tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức còn thấp so với thu nhập của người lao động cùng trình độ làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Đ.X

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp 4 Quốc hội khóa XV, từ 14h40 đến 17h00 ngày 4/11 và đầu giờ sáng ngày 5/11.

Giảm được 17 tổng cục, 8 cục

Báo cáo gửi đến Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tính đến 30/9, các bộ, ngành Trung ương giảm được 17 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm được 90% phòng trong vụ.

Các địa phương giảm được 7 sở và 2.159 phòng thuộc Sở và thuộc UBND cấp huyện.

Với đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành, địa phương đến nay có 47.744 đơn vị, giảm 7.469 đơn vị (13,5%).

Trừ Bộ Quốc phòng không tính và Bộ Công an (đã bỏ cấp tổng cục), trước khi sắp xếp bộ máy bên trong, các bộ, ngành có 30 tổng cục và tương đương. Đến  nay nhiều bộ đã ban hành nghị định quy định nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, trong đó đã cắt giảm một số tổng cục.

Đơn cử, Bộ Tài Tài nguyên Môi trường trước đây có: Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

Nhưng theo Nghị định 68/2022 mới ban hành thì bộ này cắt giảm 4 tổng cục gồm: Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Tổng cục Quản lý Đất đai, Tổng cục Biển và Hải đảo. Hiện Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ giữ lại Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

“Việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, nhất là đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua qua đã được những kết quả quan trọng, toàn diện”, Bộ Nội vụ đánh giá, các tổ chức bên trong của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được sắp xếp, thu gọn một bước.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ nhìn nhận, kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy chỉ là bước đầu, chưa bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao.

Một trong những nguyên nhân là do người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt trong sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các bộ, ngành và các tổ chức trực thuộc bộ, ngành mình.

Cạnh đó, “chưa quyết liệt hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp trực thuộc để thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế; chưa chủ động trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm thuộc ngành, lĩnh vực, phạm vi quản lý”.

Để khắc phục, theo bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong của các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Trong đó, trọng tâm là thu gọn đầu mối hành chính và nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

653 tiến sĩ và 4.018 thạc sĩ nghỉ việc, thôi việc ở khu vực công

Cũng theo báo cáo, giai đoạn 2020 - 2022 (tính đến tháng 6/2022), các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng 18.867 công chức và 125.104 viên chức (trong đó, 74.495 viên chức giáo dục và 38.147 viên chức y tế).

Ở khía cạnh khác, tính từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, số lượng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao.

Trong đó, ở bộ, ngành có 7.102 người, chiếm 17,96% (công chức là 1.505 người, chiếm 21,19%; viên chức là 5.597 người, chiếm 78,81%). Ở địa phương có 32.450 người, chiếm 82,04% (công chức là 2.524 người, chiếm 7,78%; viên chức là 29.926 người, chiếm 92,22%).

Tính theo trình độ đào tạo, trong số cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc thì có 653 tiến sĩ (chiếm 1,65%); bác sĩ chuyên khoa II có 133 người (0,33%); thạc sĩ có 4.018 người (10,16%); bác sĩ chuyên khoa I có 1.066 người (2,70%); đại học có 19.637 người (chiếm 49,65%)…

Tỷ lệ nghỉ việc ở địa phương lớn hơn ở bộ, ngành và tỷ lệ nghỉ việc, thôi việc của viên chức chiếm tỉ lệ lớn (89,8%) tập trung ở hai lĩnh vực giáo dục và y tế.

Cụ thể, với giáo dục có 16.427 người nghỉ việc, chiếm 41,53% (ở bộ, ngành là 2.087 người và địa phương là 14.340 người). Y tế có 12.198 người nghỉ việc, chiếm tỉ lệ 30,84% (ở bộ, ngành là 1.015 người và địa phương là 11.183 người).

“Việc công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc thời gian qua cũng là xu hướng tích cực “vào - ra theo cơ chế thị trường”, Bộ Nội vụ nhìn nhận.

Nhưng bộ này cũng cho rằng, cần phải nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, bất cập của cơ chế quản lý công chức, viên chức để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm tạo động lực thúc đẩy người lao động hăng say làm việc.

Vì vậy, trước mắt cần làm công tác tư tưởng, động viên công chức, viên chức làm việc ở những vị trí có cường độ lao động cao, áp lực lớn yên tâm công tác; đồng thời có biện pháp tổ chức lao động khoa học để bảo đảm sức khỏe thể chất và tinh thần cho họ và quan tâm cải thiện môi trường làm việc, tạo điều kiện cho công chức, viên chức yên tâm công tác.

Về lâu dài, Bộ Nội vụ đề nghị cấp có thẩm quyền và Quốc hội cho thực hiện cải cách chính sách tiền lương để nâng cao thu nhập cán bộ, công chức, viên chức.

Gắn liền với cải cách chính sách tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi cho cán bộ, công chức, viên chức là tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn gắn cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và nâng cao chất lượng đội ngũ….

Hơn 20.300 cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đến 30/6/2022, tổng số người được giải quyết chính sách tinh giản biên chế ở các bộ, ngành, địa phương là 78.234 người (chiếm tỉ lệ 22,6% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016-2021). Trong đó các bộ, ngành là 5.451 người và địa phương là 72.783 người.

Số liệu thống kê cho thấy số lượng công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2021 được giao là 247.722 biên chế. Trong đó bộ, ngành trung ương là 106.890 và địa phương là 140.832, giảm 27.530 biên chế.

Biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước giảm 10,01%. Biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm được 11,67%.

Công chức cấp xã đã giảm được 9% so với số năm 2015, như vậy tính chung cả nước đã đạt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo nghị quyết của Đảng.

Về xử lý vi phạm, theo Bộ Nội vụ, thống kê năm 2021 thì có 20.382 cán bộ, công chức, viên chức  bị xử lý kỷ luật chiếm tỷ lệ 1% trên tổng số 2.037.307 cán bộ, công chức, viên chức cả nước (trong đó cán bộ, công chức là 12.651  người, chiếm 0,62%; viên chức là 7.731 người, chiếm 0,38%). 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm