Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ hai, 24/10/2022 - 10:43
(Thanh tra) - Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, rất nhiều người có chung một nhận định rằng, việc cán bộ y tế xin nghỉ việc tại các bệnh viên công; việc các bệnh viện lớn, có danh tiếng xin thôi tự chủ là một thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý với các bệnh viện công.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường. Ảnh: Đ.X
Ngày 24/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Dự thảo luật sau khi chỉnh lý có 12 chương và 121 điều, nhiều hơn 15 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba (bỏ 1 điều và bổ sung 16 điều).
Cơ chế để bệnh viện công tự chủ “vẫn là khoảng trống”
Nêu ý kiến, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) nói, thời gian gần đây, nhiều người thấy băn khoăn khi hàng chục ngàn cán bộ y tế xin nghỉ việc rời bỏ các bệnh công, kể cả những bệnh viện lớn, nơi mà biết bao y bác sĩ mong muốn được làm việc ở đó.
Cạnh đó, nhiều người cũng thấy ngỡ ngàng khi nghe tin Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K - những bệnh viện lớn, nơi có đầy đủ các điều kiện và thế mạnh để thực hiện tự chủ thì lại xin thôi thực hiện tự chủ để quay về được hưởng bao cấp từ ngân sách.
Trong khi, rất nhiều các cơ sở y tế bấy lâu nay mong chờ được tự chủ và thực tế cơ chế tự chủ đang được thực hiện khá thành công ở các trường đại học.
“Rất nhiều người đã có chung một nhận định rằng, các cán bộ y tế xin nghỉ việc tại các bệnh viên công; việc các bệnh viện lớn, có danh tiếng luôn luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn, nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với các bệnh viện công lập”, ông Cường nêu.
Nhận định những vấn đề trên xuất phát từ nguyên nhân “cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện công khai thác, phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình”, đại biểu hy vọng nhưng bất cập sẽ được giải quyết thấu đáo khi sửa Luật Khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ nội dung dự thảo luật, ông Cường thấy: Những cơ chế để bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, quản lý hoạt động, để khai thác hết những tiềm năng lợi thế về độ đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn tay nghề cao, có danh tiếng và uy tín thành nơi cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế “vẫn đang là một khoảng trống”.
Cần trao quyền cho bệnh viện công tự quyết định bộ máy, tài chính
Từ đó, đại biểu đề nghị, dự thảo luật quy định về tự chủ của bệnh viện công.
“Cần phải quy định rõ tự chủ là trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định các hoạt động khám chữa bệnh; được quyền quyết định về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với các hoạt động khám chữa bệnh; tự chủ trong quyết định những vấn đề về tài chính của bệnh viện kể cả nguồn thu từ ngân sách”, ông Cường nêu ý kiến.
Đồng thời, quy định rõ những điều kiện để bệnh viện được thực hiện cơ chế tự chủ và xác định cấp độ tự chủ khác nhau để xác định các quyền năng đi liền với mức độ tự chủ mà cơ sở khám chữa bệnh đạt được.
Ông Cương cũng đề nghị quy định cơ chế xác định giá dịch vụ y tế với các cơ sở khám chữa bệnh tự chủ có sự khác biệt so với các đơn vị chưa tự chủ.
Nguyên tắc được đại biểu nêu là: Giá dịch vụ khám chữa bệnh phải đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật khám chữa bệnh.
Trong đó, định mức kinh tế - kỹ thuật khám chữa bệnh của cùng một bệnh viện phải đảm bảo mọi bệnh nhân đều bình đẳng như nhau trong tiếp cận phác đồ điều trị cũng như đội ngũ y bác sĩ.
“Cơ chế tính đúng, tính đủ đối với các cơ sở khám chữa bệnh chưa tự chủ phải dựa vào định mức kinh tế - kỹ thuật và nằm trong khung giá dịch vụ do Nhà nước quy định.
Với các bệnh viện tự chủ phải được tự quyết định giá dịch vụ trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do đơn vị xây dựng và công khai cho tất cả khách hàng và người lao động làm việc tại bệnh viện cùng tham gia giám sát”, ông Cường phân tích.
Ông Cường nhấn mạnh, giá dịch vụ khám chữa bệnh dành cho các đối tượng lựa chọn chỉ khác nhau ở các điều kiện dịch vụ đi kèm cũng như khác nhau về nguồn gốc xuất xứ của thuốc hoặc vật tư trang thiết bị được lựa chọn.
Kiến nghị nữa theo đại biểu là cần quy định rõ cơ chế quản lý tài chính với bệnh viện tự chủ về: tự quyết định sử dụng nguồn thu; tự quyết định mức chi, mức trả tiền lương; tự quyết định đầu tư, mua sắm và trích các quỹ đầu tư phát triển; quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo.
Quy định rõ cơ chế quản lý tài sản, để các bệnh viện chủ động trong việc lựa chọn phương thức đầu tư: Mua sắm, đi thuê, liên doanh liên kết các máy móc, trang bị và sử dụng có hiệu quả nhất cơ sở vật chất và các máy móc thiết bị hiện đại, phù hợp với yêu cầu khám chữa bệnh.
Ngoài ra, cần quy định cơ chế quản lý, giám sát hoạt động với bệnh viện tự chủ, như: Tổ chức và vai trò, chức năng của hội đồng quản lý bệnh viện; giám đốc bệnh viện; cơ chế quản lý người lao động (tuyển dụng, sa thải, bổ nhiệm và đánh giá người lao động)…
“Nếu được bổ sung đầy đủ các quy định trên, không chỉ các bất cập đang diễn ra trong công tác quản lý các bệnh viện được giải quyết, mà các cơ sở khám, chữa bệnh công lập sẽ có điều kiện nâng cao chất lượng và điều kiện khám chữa bệnh ngang tầm các bệnh viện khu vực và thế giới”, đại biểu Hoàng Văn Cường tin tưởng.
Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào ngày 14/11.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 13/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong tại 33 tỉnh, thành phố. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Phương Anh
19:32 13/12/2024(Thanh tra) - Nhiều người bệnh ung thư giai đoạn cuối tại Việt Nam và Mỹ sẽ được thử nghiệm lâm sàng thuốc miễn dịch đường uống điều trị ung thư RBS2418.
Chính Bình
11:00 13/12/2024Phương Anh
13:28 12/12/2024Hải Hà
17:09 11/12/2024Phương Anh
21:31 10/12/2024Phương Anh
08:10 09/12/2024Lê Hữu Chính
TC
Liên Hương
Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh