Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Việt Nam chung tay loại bỏ “tế bào ung thư” tham nhũng

Thứ hai, 02/11/2015 - 18:36

(Thanh tra)- Ngày 2/11, Kỳ họp thứ 6 Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC) khai mạc trọng thể tại TP Xanh Pê-téc-bua, Liên bang Nga. Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam do Phó Tổng Thanh tra Lê Thị Thủy dẫn đầu.

Phát biểu tại phiên toàn thể của Hội nghị, Trưởng đoàn Việt Nam bày tỏ, tham nhũng ngày càng trở nên tinh vi hơn, xuất hiện ở nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và những “tế bào ung thư” có thể làm hủy hoại và suy yếu mọi xã hội. Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030, đặc biệt là Mục tiêu 16 trong Chương trình nghị sự về phát triển sau 2015 đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9 năm nay, chúng ta cần nỗ lực thu hẹp những khác biệt, chung tay và hiệp lực làm suy yếu, từng bước loại bỏ tệ nạn này ra khỏi xã hội.

Việt Nam luôn quan tâm đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). “Chúng tôi coi việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng là một nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu với sự tham gia của các thành phần khác nhau trong xã hội. Kết quả đánh giá thực thi Công ước trong Chu trình đầu tiên cho thấy Việt Nam đã có những nỗ lực quan trọng về phòng, chống tham nhũng”, Phó Tổng Thanh tra Lê Thị Thủy nhấn mạnh.

Cùng với đó, Việt Nam đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tiến hành sửa đổi toàn diện pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự nhằm hướng tới việc quy định là tội phạm đối với các hành vi tham nhũng theo yêu cầu của Công ước; nghiên cứu các cơ chế thu hồi tài sản do phạm tội nói chung và đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Liên quan đến cơ chế đánh giá công ước hiện nay theo Nghị quyết 3/1, Phó Tổng Thanh tra Lê Thị Thủy cho rằng, nhìn chung là phù hợp. Dù ở vai trò là Quốc gia được đánh giá hoặc Quốc gia đi đánh giá, cơ chế đánh giá đều mang lại những lợi ích to lớn đối với Quốc gia thành viên. Tuy nhiên, Đoàn Viêt Nam cũng nhất trí với quan điểm, cần được tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hơn nữa để trở thành một công cụ đơn giản, hiệu quả và thiết thực trong việc đánh giá thực trạng PCTN và thúc đẩy cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin, hợp tác thực chất hơn trong PCTN ở phạm vi toàn cầu.

Trưởng đoàn Viêt Nam khẳng định “Công ước và Cơ chế đánh giá thực thi Công ước là thành tố quan trọng và thiết yếu, góp phần tạo ra được những chuyển biến tích cực trong nỗ lực PCTN của các quốc gia ở phạm vi toàn cầu. Vì vậy, cần được tiếp tục ghi nhận, cam kết và thúc đẩy thực hiện bằng nhiều phương thức, biện pháp khác nhau mang tính sáng tạo, thiết thực và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới”.

Do đó, đây là kỳ họp quan trọng, có tính chất bản lề, dự kiến sẽ thảo luận về nhiều nội dung quan trọng, trong đó trọng tâm là thống nhất về phạm vi, nội dung, thời gian, cách thức triển khai chu trình đánh giá thứ hai và vai trò, sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự vào Cơ chế đánh giá thực thi UNCAC.

Dự báo tại kỳ họp lần này, Hội nghị các quốc gia thành viên sẽ thông qua nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng liên quan đến Cơ chế đánh giá thực thi UNCAC và trong các lĩnh vực phòng ngừa tham nhũng, thu hồi tài sản.

Hội nghị với sự tham gia của các đoàn đại biểu đến từ 177 quốc gia thành viên, gần 100 quan sát viên là các bên tham gia ký kết, các tổ chức liên Chính phủ và phi Chính phủ. Theo chương trình, Hội nghị diễn ra đến hết ngày 6/11.

Hương Giang 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam công bố tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028

Việt Nam công bố tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028

(Thanh tra) - “Nếu trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028, Việt Nam sẽ thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của Hội đồng Nhân quyền là bảo đảm ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng quyền con người của mọi người dân trên toàn thế giới”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định.

T.Thanh

12:17 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm