Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Chủ nhật, 03/11/2024 - 14:54
(Thanh tra) - Bên cạnh khó khăn lớn nhất là thị trường, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, doanh nghiệp còn gặp khó trong tiếp cận vốn, thủ tục hành chính.
Quốc hội sẽ dành trọn ngày mai (4/11) để thảo luận ở hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Những nội dung trên đã được Quốc hội thảo luận tại tổ vào ngày 26/10. Một trong những vấn đề đại biểu quan tâm là tình hình “sức khỏe” doanh nghiệp.
Thị trường là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp
Giải trình ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa có báo cáo cho biết, 9 tháng năm 2024, cả nước có trên 183 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cũng thời gian này, có 163,8 nghìn doanh nghiệp (tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước) rút lui khỏi thị trường. Trong đó, có 86,9 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; 61,5 nghìn doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thế và 15,4 nghìn doanh nghiệp giải thể.
Nêu khó khăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, thị trường là khó khăn lớn nhất.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sức cầu trong nước phục hồi chậm, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015- 2019.
Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (nếu loại trừ yếu tố giá) chưa có nhiều chuyển biến rõ nét.
Thị trường bất động sản dù đã có chuyển biến nhưng còn khó khăn. Trong khi, xuất khẩu dự báo có thể khó khăn hơn trong thời gian tới do tình hình thế giới khó lường, nhiều rủi ro, đặc biệt là xung đột quân sự tại Trung Đông, Ukraina; hàng rào bảo hộ thương mại, áp thuế chống bán phá giá của các nước lớn gia tăng…
Khó khăn của doanh nghiệp còn bởi thể chế, pháp luật khi vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển.
“Việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh... trong một số lĩnh vực còn chưa triệt để. Công tác thực thi có lúc, có nơi còn chưa thống nhất. Một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai, hiệu quả chưa cao”, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.
Ông cũng thông tin một bộ phận doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn. Tăng trưởng tín dụng mặc dù có chuyển biến nhưng chưa được như kỳ vọng. Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản năm 2024 lớn.
Đáng lưu ý, nhiều dự án bị đình trệ, chậm tiến độ làm nguồn lực xã hội lớn, của cả tư nhân và Nhà nước bị tồn đọng trong các dự án, đất đai, trong khi doanh nghiệp bị thiếu nguồn lực để tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025 trình Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, chính sách có tính tổng thể, toàn diện để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trong nước.
Trong đó nhấn mạnh tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Dũng, Chính phủ tiếp tục xác định thể chế là “đột phá của đột phá”, tập trung cao độ, ưu tiên tối đa thời gian và nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm.
Thủ tục hành chính sẽ được cải cách triệt để, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Giải pháp nữa được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu là tiếp tục thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp, chính sách về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA mới, mở ra thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng cho doanh nghiệp.
Cơ quan chức năng sẽ kịp thời cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ việc điều tra, áp thuế chống bán phá giá từ các thị trường xuất khẩu, theo ông Nguyễn Chí Dũng.
Cùng với đó là phát triển và khai thác hiệu quả thị trường trong nước; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường bộ cao tốc, ven biển, liên vùng, hạ tầng năng lượng... để góp giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ phát triển trong các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao, tạo động lực cho tăng trưởng.
Các dự án bị ách tắc, tồn đọng nhiều năm sẽ được tập trung rà soát, xử lý theo hướng không hợp pháp hóa sai phạm; phân nhóm, phân loại để giải quyết theo từng nhóm vấn đề một cách bài bản.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thương hiệu sữa có giá trị thứ 6 toàn cầu – Vinamilk - tiếp tục được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024, viết tiếp một hành trình đặc biệt và khác biệt của doanh nghiệp sữa Việt duy nhất giữ vững danh vị này trong 16 năm liên tiếp.
Uyên Phương
16:48 05/11/2024(Thanh tra) - EU hiện là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Trong 9 tháng của năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang EU một lượng hàng hóa trị giá 38,1 tỷ USD (tăng 17% so với cùng kỳ năm trước) và dự kiến cả năm 2024 có thể đạt gần 50 tỷ USD.
Uyên Uyên
13:43 05/11/2024Uyên Uyên
09:00 05/11/2024Thu Nga
15:54 04/11/2024Uyên Uyên
10:45 04/11/2024Thu Huyền
Lâm Ánh
Thu Nga
Uyên Phương
Thanh Hoa
Nam Dũng
N. P
Chu Tuấn
Nhật Minh