Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất: Quốc hội làm việc lớn, việc chi tiết giao lại Chính phủ

Hương Giang

Thứ bảy, 25/05/2024 - 16:24

(Thanh tra) - Từ xây dựng, thực hiện Nghị quyết 43 gói phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh nhiều bài học quý. Ông đề xuất, Quốc hội tập trung làm những vấn đề lớn, quyết sách, thể chế, giám sát. Còn những vấn đề chi tiết trong điều hành nên giao lại Chính phủ thì việc sẽ nhanh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh P.Thắng

Chiều ngày 26/5, Quốc hội tiếp tục dành thời gian thảo luận giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Gói phục hồi kinh tế: Chưa bao giờ làm quyết liệt như vậy

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị quyết số 43 được xây dựng trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tăng trưởng kinh tế giảm mạnh, doanh nghiệp gặp nhiều thách thức, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.

Vì vậy, đòi hỏi phải có giải pháp cấp bách, nguồn lực đủ lớn để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ổn định được đời sống, giữ ổn định và phục hồi tăng trưởng trở lại.

“Việc thực hiện gói chính sách cũng phải nhanh, đảm bảo hiệu quả, mục tiêu và đúng quy định pháp luật, không để trục lợi, tránh thất thoát và lãng phí”, ông Dũng nêu.

Đòi hỏi cao như vậy, nhưng thời gian xây dựng và thực hiện chương trình lại rất ngắn.

Trong khi, chương trình lần đầu thực hiện, quy mô lớn, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, đối tượng, song thủ tục phức tạp, rườm rà, nên cứ “vướng mãi, vướng mãi” mà kỳ họp nào cũng nói.

Kinh nghiệm và năng lực còn hạn chế; sự phối hợp các cơ quan năng lực chưa tốt. Cạnh đó, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Những điều trên là nguyên nhân làm cho kết quả một số chính sách chậm, chưa đạt được hiệu quả.

Dù vậy, ông Dũng đánh giá gói hỗ trợ đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp kinh tế tăng trưởng, giữ được các chuỗi sản xuất, thúc đẩy đầu tư xây dựng hạ tầng… tạo việc làm cho người dân.

Kết quả lớn hơn qua xây dựng và thực hiện Nghị quyết 43 là rút ra được kinh nghiệm phản ứng chính sách phải nhanh, tiếp cận và cách xây dựng chính sách phải tốt, hiệu quả, đi vào cuộc sống, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ông Dũng cho biết thêm, Chính phủ đã ban hành khoảng 20 nghị định, 1 chỉ thị, 7 công điện, 5 tổ công tác và 26 đoàn công tác phân công các thành viên Chính phủ xuống từng địa phương để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của từng dự án đầu tư.

“Chưa bao giờ làm quyết liệt như vậy”, Bộ trưởng nhấn mạnh, chính tinh thần như vậy, chương trình đã đem lại kết quả.

Trước ý kiến đại biểu về các dự án giải ngân chậm, ông Dũng giải trình, chúng ta xây dựng từ chủ trương, nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án đều “làm rất bài bản”.

Có điều, danh mục trình ban đầu xin chủ trương của Quốc hội là danh mục dự kiến, xác định số vốn cần thiết, nên đến khi Quốc hội cho chủ trương mới xây dựng chi tiết, rà lại, xem lại nên có sự thay đổi. Vì vậy, Chính phủ phải trình lại nên mất thêm thời gian.

Thêm nữa, tư tưởng của chúng ta là muốn tập trung trọng tâm, trọng điểm vào các dự án lớn, nên việc chuẩn bị càng kéo dài, thời gian mất từ 1-2 năm, trong khi tổng thời gian chương trình là 2 năm nên không thể kịp, chắc chắn là chậm.

Toàn cảnh phiên thảo luận giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội ở Quốc hội. Ảnh: P.Thắng

Tiếp thu các ý kiến, ông Dũng cho hay, sẽ đôn đốc các dự án chưa hoàn thành thủ tục (8 dự án chưa hoàn thành thủ tục và 35 dự án chưa triển khai). Với những dự án đang thực hiện sẽ đẩy nhanh tiến độ, triển khai thi công và khai thác hiệu quả.

Chính sách đặc biệt thì thủ tục phải đặc biệt, nếu không “hết giờ”

Trở lại bài học kinh nghiệm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nói, phương thức hỗ trợ sau này có lẽ phải xem lại.

Ông cho hay, ở các nước, người ta hỗ trợ ngay bằng tiền mặt cho người dân, có thể 1.500 - 2.000 USD/dân, nên đưa ngay được vào nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng.

Còn Việt Nam tiếp cận qua các chính sách, nên phải văn bản hướng dẫn, giám sát, quy trình, thủ tục nên “hết giờ, không còn hiệu quả”. “Khi chúng ta làm xong (thủ tục) thì vấn đề có khi không còn thời sự nữa”, ông Dũng nhấn mạnh.

Bài học thứ hai, ông Dũng cho rằng, nếu giữ thời gian như chương trình thì không nên đưa dự án lớn vào. Còn nếu đưa dự án lớn vào thì phải cho kéo dài thời gian thực hiện.

Các chính sách phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thống nhất, dễ làm, dễ thực hiện và giám sát. Thể chế phải hoàn thiện, căn cơ, đồng bộ, thống nhất, chứ không thể để “một rừng vướng mắc”.

“Sáng nay có nhiều đại biểu nói, tôi thấy rất thấm thía: Đã là đặc biệt phải có chính sách đặc biệt, thủ tục đặc biệt, quy trình đặc biệt. Nếu cứ làm thông thường thì hết giờ, cái gì cũng phải xin cơ chế”, ông Dũng nói.

Bài học thứ ba, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xây dựng chính sách pháp luật phải dựa trên niềm tin giữa Trung ương, địa phương; cấp dưới, cấp trên phải tin.

Cạnh đó, phân cấp, phân quyền triệt phải để hơn, giữa Trung ương và địa phương, kể cả giữa Quốc hội với Chính phủ.

Ông ví dụ tất cả danh mục đầu tư trong chương trình phục hồi trình Quốc hội thông qua, nhiều vòng rất kỹ rồi. Khi Quốc hội đã duyệt thì giao lại Chính phủ quy định chi tiết, chịu trách nhiệm và báo cáo lại.

Bây giờ Quốc hội vẫn quy định mỗi một lần xong thủ tục lại phải trình lại, nếu giữa 2 kỳ họp phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nên phải trình lại nhiều lần, mất nhiều thời gian không cần thiết.

“Quốc hội tập trung làm những vấn đề lớn, quyết sách, thể chế, giám sát. Còn những vấn đề chi tiết trong điều hành nên giao lại cho Chính phủ thì vấn đề sẽ nhanh mà Quốc hội vẫn quản lý được mục tiêu”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.

Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cần phải trách nhiệm của cơ quan người đứng đầu trong tổ chức xây dựng chương trình,  thực hiện và phối hợp với nhau.

Với trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, theo ông Dũng, bộ này đang nghiên cứu sửa lại Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật PPP để đáp ứng yêu cầu làm sao rút ngắn thời gian thực hiện hơn.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm