Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ tư, 30/10/2024 - 16:13
(Thang tra) - Ở Dubai xây 500 tòa nhà với tổng vốn đầu tư 20 tỷ USD chỉ trong 5 năm, còn ở Việt Nam với các quy định như hiện nay phải mất 1.500 năm, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Thông tin Dubai xây 500 tòa nhà chỉ 5 năm, ở Việt Nam có thể phải mất 1.500 năm được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết khi thảo luận tổ ở Quốc hội.
Sau khi nghe tờ trình, thẩm dự, Quốc hội thảo luận tại tổ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật (Quy hoạch, Đầu tư, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Đấu thầu), ngày 30/10.
Dự án thực hiện 1 năm, nhưng làm thủ tục mất 2 năm
Nêu ý kiến tại tổ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh tinh thần xây dựng pháp luật này để vừa quản lý tốt vừa thông thoáng, tạo hành lang cho kiến tạo, phát triển, “chứ không phải cái gì không quản được thì cấm”.
Cho hay thực tiễn cuộc sống rất nhanh, nếu không đáp ứng được sẽ mất cơ hội, ông Bình nhấn mạnh tinh thần của luật là sẽ trao quyền nhiều hơn cho cơ sở, Chính phủ giao cho tỉnh, Quốc hội giao cho Chính phủ.
Đi cùng đó là thủ tục rất đơn giản, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. “Khi công khai trình tự thủ tục cũng đảm bảo xây dựng Chính phủ liêm chính. Doanh nghiệp không phải xách hồ sơ chạy lòng vòng, có nghĩa xin-cho bị hạn chế”, theo lời Phó Thủ tướng.
Ông nói thêm, thủ tục đơn giản, cũng loại trừ phiền hà, nhũng nhiễu, góp phần phòng ngừa tham nhũng, lãng phí. Bởi có dự án thực hiện 1 năm nhưng làm thủ tục mất 2 năm.
Đề cập đến Luật Đầu tư, Phó Thủ tướng cho biết, những vấn đề rất khó, rất vướng được Chính phủ lựa chọn đưa vào luật. Trong đó, có quy định chấm dứt hoạt động với các dự án chậm tiến độ, dự án không được triển khai thực hiện trong nhiều năm, gây lãng phí đất đai.
“Có những anh bằng quan hệ kiếm được dự án, nhưng năng lực thực thi không có sau đó chuyển nhượng, tạo nên lãng phí rất lớn”, Phó Thủ tướng nói, luật sửa đổi quy định chặt chẽ để giúp địa phương chấm dứt những dự án không thực hiện được.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trước đây xây dựng pháp luật chủ yếu để quản lý, nhưng hiện nay phải vừa quản lý được, vừa phải kiến tạo cho phát triển, thúc đẩy sáng tạo, mở rộng không gian, giải phóng các nguồn lực cho phát triển đất nước.
Để hiện thực yêu cầu này, theo ông Dũng, cần phải bỏ tư duy “không quản được thì cấm” và "cơ chế xin cho".
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, ranh giới và mối quan hệ giữa quy định khung, nguyên tắc với quy định chi tiết, hay giữa quản lý Nhà nước với kiến tạo cho phát triển cần nghiên cứu thấu đáo, chặt chẽ.
“Khung, nguyên tắc, chung chung quá thì thành nghị quyết, chi tiết quá lại thành nghị định. Quản lý chặt chẽ quá thì bó cứng lại cản trở phát triển, nhưng mở quá kiến tạo cho phát triển lại thả gà ra đuổi, phát sinh bất cập, sau này lại phải xử lý hậu quả”, ông Dũng nói.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư dẫn ví dụ loại hợp đồng đổi đất lấy hạ tầng (BT), trước đây Chính phủ, Quốc hội thống nhất bỏ, giờ cho khôi phục lại nhưng phải đưa ra các quy định để quản lý, giám sát, không để thất thoát, đảm bảo các quyền lợi của Nhà nước.
“Thả ra mà không kiểm soát được thì lại quay lại thực tế trước đây mà chính vì nó, chúng ta đã phải bỏ loại hợp đồng BT”, ông Dũng nhấn mạnh.
“Thế giới phát triển như vũ bão, chúng ta không thể chậm trễ hơn”
Về chính sách cụ thể đề xuất tại dự án luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã thiết kế thủ tục đặc biệt trong đầu tư để rút ngắn thời gian cho các nhà đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh thu hút.
Ông Nguyễn Chí Dũng cho hay, hiện các nước không ngừng đổi mới, nếu ta không đổi mới, cạnh tranh thì nhà đầu tư sẽ đi mất.
“Nhà nước có rất nhiều quyền, cho ai làm, làm ở đâu, làm thế nào, ra sao. Còn nhà đầu tư chỉ có 1 quyền thôi, đấy là không làm. Mà nhà đầu tư không làm thì không có gì xảy ra. Vì vậy phải hài hòa, quản lý Nhà nước, nhưng cũng thu hút, khuyến khích đầu tư để nhà đầu tư mạnh dạn bỏ tiền”, ông Nguyễn Chí Dũng lưu ý.
Ông dẫn chứng, ở Trung Quốc, một nhà máy ô tô hàng tỷ USD từ khi khởi công đến lúc khánh thành chỉ 11 tháng. Một trung tâm thương mại hàng triệu USD cũng chỉ mất 68 ngày. Một TP ở Dubai diện tích 260 ha, với 500 tòa nhà, tổng vốn đầu tư 20 tỷ USD người ta cũng chỉ làm đúng 5 năm, không sai một ngày.
Còn ở Việt Nam, theo ông Dũng, làm khách sạn 5 sao mất 3 năm, hội đồng kiến trúc sửa đi, sửa lại. “Nếu làm 500 tòa nhà thì chúng ta phải mất 1.500 năm”,Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích.
“Thế giới phát triển như vũ bão, chúng ta không thể chậm trễ hơn được", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, cải cách trong xây dựng pháp luật lần này hết sức mạnh mẽ, là một cuộc cách mạng lớn, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội nhận xét Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hình thức BT đang là điểm nghẽn ở nhiều địa phương. Việt Nam dành nguồn lực lớn cho hạ tầng, nhưng khi Luật PPP có hiệu lực, ông Thường nói "gần như tất cả ngưng trệ".
Ông dẫn chứng lĩnh vực hạ tầng giao thông, nhu cầu vốn lớn nhưng vốn ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 30%, còn lại huy động từ các nguồn lực khác.
“Lúc này cần xem xét mở rộng các lĩnh vực đầu tư dùng vốn PPP để huy động nguồn lực xã hội cho các dự án kết cấu hạ tầng, nếu không sẽ khó đáp ứng hạ tầng, cạnh tranh quốc gia”, ông Thường nói.
Ông Thường cho rằng khi sửa cần tổng thể, mở toàn diện. Chẳng hạn, hiện có nhiều phương thức đầu tư ngoài PPP, như EPC+F - tức hợp đồng chìa khóa trao tay, hỗ trợ tài chính. Địa phương làm việc trực tiếp với nhà thầu cung cấp hợp đồng EPC và vốn cho dự án. Cách này được Trung Quốc áp dụng phổ biến.
Ông cũng cho hay nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam muốn đầu tư theo phương thức EPC+F nhưng Việt Nam chưa có quy định áp dụng thế nào. “Cần mở toàn diện để phát triển kết cấu hạ tầng và các cấp địa phương không phải sợ hãi, rụt rè khi triển khai dự án loại này", ông Thường góp ý.
Các dự án đầu tư mới theo hình thức BT dừng thực hiện từ ngày Luật PPP có hiệu lực (1/1/2021). Tại dự thảo luật, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện hợp đồng BT thanh toán và bổ sung loại không yêu cầu thanh toán. Loại hợp đồng này áp dụng với các công trình hạ tầng, dịch vụ công do nhà đầu tư tự đề xuất làm và chuyển giao cho Nhà nước mà không yêu cầu thanh toán chi phí đầu tư xây dựng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết so với đầu tư công, đầu tư theo hợp đồng BT có lợi thế, như tận dụng vốn từ khu vực tư nhân, nhà đầu tư chủ động được nguồn vốn để đẩy nhanh xây dựng công trình. Một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An được Quốc hội cho áp dụng loại hợp đồng BT, trong khi nhiều địa phương khác kiến nghị được tiếp tục thực hiện loại hợp đồng này.
Do đó, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc mở rộng áp dụng là cần thiết để khai thác tối đa lợi thế của loại hợp đồng này.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thang tra) - Ở Dubai xây 500 tòa nhà với tổng vốn đầu tư 20 tỷ USD chỉ trong 5 năm, còn ở Việt Nam với các quy định như hiện nay phải mất 1.500 năm, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Hương Giang
16:13 30/10/2024(Thanh tra) - Từ sau Phiên họp thứ 26 của Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngày 14/8 đến nay, đã kỷ luật 6 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; khởi tố thêm 3 cán bộ cấp cao.
Hương Giang
16:12 30/10/2024Hương Giang
13:16 30/10/2024Hương Giang
11:10 30/10/2024Nam Dũng
20:26 29/10/2024Hương Giang
18:08 29/10/2024Hải Hà
Thái Hải
Phạm Hưng
Hoàng Nam
Minh Quân
Kim Thành
Hương Giang
T.Thanh
Hương Giang
Hương Trà