Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

“Cái gì doanh nghiệp Nhà nước cũng phải đi xin thì làm sao chịu trách nhiệm toàn diện được”

Hương Giang

Thứ hai, 07/10/2024 - 10:55

(Thanh tra) - “Vốn Nhà nước sau khi đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của doanh nghiệp. Thế mà cái gì cũng phải đi xin, doanh nghiệp phải làm thủ tục thì mất thời cơ, cơ hội kinh doanh”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng, cái gì doanh nghiệp Nhà nước cũng phải đi xin thì làm sao chịu trách nhiệm toàn diện được”

“Cái gì doanh nghiệp Nhà nước cũng phải đi xin thì làm sao chịu trách nhiệm toàn diện được”, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: P.Thắng

Nhận định "cái gì doanh nghiệp Nhà nước cũng phải đi xin thì làm sao chịu trách nhiệm toàn diện được” được Phó Chủ tịch Quốc hội đưa ra khi góp ý vào Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 7/10.

Dự thảo luật này có 8 chương, 62 điều. Đối tượng áp dụng là: Doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên; cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn và tổ chức tín dụng có vốn đầu tư của Nhà nước.

Một trong những nội dung lớn được quy định tại dự thảo luật là hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, từ Điều 25 đến Điều 32.

Vẫn can thiệp hành chính vào công việc quản trị của doanh nghiệp

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, tại Điều 25, dự thảo luật quy định các dự án đầu tư của doanh nghiệp phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư theo pháp luật đầu tư công được thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền của pháp luật đầu tư hoặc pháp luật đầu tư công.

“Các dự án đầu tư của doanh nghiệp phải phê duyệt chủ trương đầu tư không thuộc đối tượng theo quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật đầu tư công được thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của luật này.

Sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư theo quy định về pháp luật đầu tư, pháp luật xây dựng và pháp luật khác có liên quan”, theo tờ trình của Chính phủ.

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến thường trực ủy ban cho rằng, nguyên tắc quản lý, thẩm quyền quyết định về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nêu tại dự thảo luật là “chưa thực sự phù hợp với tinh thần phân cấp, phân quyền cho doanh nghiệp, vẫn can thiệp hành chính vào công việc quản trị của doanh nghiệp”.

Một số quy định về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp được quy định tại dự thảo luật cũng chưa thống nhất với quy định pháp luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát các quy định để tránh chồng chéo về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.

Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, trường hợp đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh thông thường bằng vốn của doanh nghiệp thì nên xem xét, phân cấp cho hội đồng thành viên quyết định và chịu trách nhiệm. Trình tự thủ tục cụ thể có thể giao Chính phủ quy định chi tiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: P.Thắng

“Trường hợp đầu tư dự án sản xuất kinh doanh bằng vốn ngân sách cấp thì giao doanh nghiệp làm chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công”, ông Mạnh nói.

Cái gì cũng phải đi xin, doanh nghiệp có vốn Nhà nước mất cơ hội kinh doanh

Nêu ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị rà soát toàn bộ dự thảo luật để thể hiện nhất quán tư tưởng của Nghị quyết 12 của Trung ương Đảng khóa XII.

Theo ông Định, tư tưởng nhất quán là Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp.

“Vốn Nhà nước sau khi đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của doanh nghiệp. Thế mà cái gì cũng phải đi xin, doanh nghiệp phải làm thủ tục thì mất thời cơ, cơ hội kinh doanh”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Nhận định quy định như Điều 25 của dự thảo luật thì doanh nghiệp “không thể làm được gì”, ông Định nêu, doanh nghiệp tư nhân làm hiệu quả vì họ tiết kiệm thời gian, đơn giản thủ tục, giảm được chi phí xin chỗ nọ, chỗ kia.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhắc lại yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, hạn chế cơ chế xin - cho, tăng cường phân cấp, phân quyền. Từ đó, ông cho rằng, dự thảo luật chưa cắt giảm được nhiều thủ tục, chưa phân cấp, phân quyền nhiều.

“Nếu không phân cấp, phân quyền, cái gì cũng phải trình cấp trên thì không làm được”, ông Định nhấn mạnh và nhắc lại, với quy định của Điều 25 thì doanh nghiệp phải trình, xin nhiều việc, từ chiến lược, phương hướng, đến kế hoạch.

Đáng nói, theo ông Định, rất nhiều vấn đề phải trình, phải đi xin, nhưng doanh nghiệp lại phải chịu trách nhiệm toàn diện.

“Cái gì cũng phải đi xin thì làm sao chịu trách nhiệm toàn diện được? Rồi phải đáp ứng mục tiêu, yêu cầu, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, bảo đảm phù hợp với chiến lược, kế hoạch kinh doanh…”, ông Định nói.

Vấn đề nữa, việc xây dựng dự thảo luật nhằm xử lý triệt để các vướng mắc hiện nay. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, dự thảo luật, vẫn chưa giải quyết được nhiều các cướng mắc mà các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước đã thống kê.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: P.Thắng

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặt vấn đề quy định tại dự thảo luật đã đảm bảo đồng bộ với các luật khác chưa như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, cũng như xử lý dứt điểm những vướng mắc trong thực tế được các doanh nghiệp Nhà nước nêu ra hay chưa.

Ông cho rằng sửa luật lần này cần tách bạch rõ chức năng của các bộ, ngành quản lý doanh nghiệp Nhà nước, tránh việc “chỗ này tưởng chỗ kia quản”, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Đề xuất cấm doanh nghiệp Nhà nước đầu tư vốn vào bất động sản Dự thảo luật cũng quy định các trường hợp doanh nghiệp không được đầu tư vốn (Điều 27).  Trong đó, doanh nghiệp không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Quy định này không áp dụng với doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản. Doanh nghiệp cũng không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, trừ doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán. Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đồng tình nên cấm doanh nghiệp Nhà nước đầu tư, “rót vốn” vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản.   Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: P.Thắng Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng dự thảo luật đang quy định chưa phù hợp thực tế. Ông dẫn chứng, trường hợp doanh nghiệp Nhà nước sau khi cơ cấu, sắp xếp lại dư ra các văn phòng, trụ sở nhưng lại không được cho thuê.  Doanh nghiệp muốn cho thuê số văn phòng, trụ sở dư thừa sẽ phải có trong dự án đầu tư, cơ quan thẩm quyền phê duyệt, quyết định. Việc này dẫn tới sự lãng phí, theo ông Thanh. Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát lại.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm