Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không doanh nghiệp nào không muốn lớn, rất cần “cú hích” từ Nhà nước

Hương Giang

Thứ năm, 10/10/2024 - 10:06

(Thanh tra) - Cộng đồng doanh nghiệp Việt sẽ “chung lưng, đấu cật” xây dựng, phát triển đất nước. Để thực hiện sứ mệnh của mình, doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ, những cú hích, đòn bẩy từ Nhà nước, theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Ảnh: Đ.X

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nói, với doanh nghiệp cần phân ra từng loại và có các cơ chế nuôi dưỡng phát triển tương ứng.

Gỡ vướng, hành động thực sự vì doanh nghiệp

+ Việt Nam hiện có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vô cùng lớn. Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động. Song theo đánh giá, doanh nghiệp Việt vẫn chưa phát huy hết tiềm lực. Theo ông, doanh nghiệp Việt đang gặp khó khăn, thách thức gì?

- Bên cạnh chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gãy các chuỗi cung ứng... tôi cho rằng, khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp là cơ chế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội luôn yêu cầu “cởi trói”, tháo gỡ vướng mắc, hành động thực sự vì doanh nghiệp, nhưng xuống cấp dưới là tắc ngay, không chạy được. Bao nhiêu dự án không chạy được chỉ vì những thủ tục hành chính lằng nhằng, doanh nghiệp kêu rất nhiều.

Là Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, tôi thấy, cứ thay đổi được giấy phép con này thì một giấy phép con khác lại được “đẻ” ra.

Để cải cách thủ tục hành chính đòi hỏi phải có sự tham gia của người tài và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Khi các thủ tục hành chính thực hiện trên môi trường mạng, người dân, doanh nghiệp không phải gặp cán bộ, giấy tờ đủ rồi thì người có thẩm quyền phải ký.

Đi cùng với cải cách thủ tục, cần tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, ít nhất bảo đảm mức sống bình thường cho họ. Làm trong cơ quan Nhà nước, lương đủ sống, đủ để nuôi con thì họ sẽ chú tâm cống hiến. Lương không đủ sống, buộc họ phải “chạy chỗ nọ, chạy chỗ kia”, rồi sinh ra tham nhũng “vặt”.

Tôi từng nói, tại sao đầu tư hàng triệu tỷ cho hạ tầng, đường xá, mà sao không đầu tư hàng triệu tỷ cho con người. Đầu tư cho con người là đầu tư cho tương lai.

“Tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế đất nước, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển, tinh thần là vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh. 

+ Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cứ mãi “không chịu lớn”?

- Không doanh nghiệp nào không muốn lớn cả. Doanh nghiệp đều muốn lớn, nhưng khả năng có lớn được không, hay ngành nghề có cho phép doanh nghiệp lớn hay không.

Doanh nghiệp vừa đóng góp cho GDP lớn nhất, họ chịu khó đầu tư, học học, muốn trở thành doanh nghiệp lớn, muốn thương hiệu nổi tiếng chứ. Bên cạnh quyết tâm của doanh nghiệp, Nhà nước cần có các chính sách chiến lược mang tính bền vững để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và lớn lên.

Ngày 21/9,  lần đầu tiên Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ảnh: Nhật Bắc

Tôi rất mừng là vừa qua Chính phủ đã cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào, luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn, vướng mắc với tinh thần “tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển”.

+ Gặp doanh nghiệp, Thủ tướng luôn nhấn mạnh Chính phủ cam kết đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp là điều được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói nhiều lần.

Cam kết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chấn an các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hiện nay nhiều quy định của pháp luật còn chồng chéo, chưa thống nhất, rõ ràng, vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau.

Tôi đang có ý tưởng sẽ kiến nghị với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an có hướng dẫn cụ thể xác định hành vi nào là vi phạm hành chính, không hình sự hóa quan hệ kinh tế trong trường hợp nào. Khi có ranh giới rành mạch, sẽ tạo hành lang pháp lý để người thi hành công vụ yên tâm, mà doanh nghiệp cũng yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Còn doanh nghiệp lợi dụng chính sách pháp luật của Nhà nước để lũng đoạn thị trường chứng khoán, đưa hối lộ… thì phải xử hình sự, đó là điều đương nhiên.

Đầu tư công nghệ, chuyển đổi số để đất nước không thụt lùi

+ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam “là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”; đến năm 2045, trở thành “nước phát triển, thu nhập cao”. Để đạt được mục tiêu này, đội ngũ doanh nhân và khu vực kinh tế tư nhân đã đủ sức gánh vác chưa, thưa ông?

Đảng, Nhà nước ta đã khẳng định rõ vai trò, vị trí rất quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong tiến trình phát triển đất nước. Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đều nhấn mạnh kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Nghị quyết 41/2023 của Bộ Chính trị về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới cũng khẳng định quan điểm: “Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các đại diện doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam vào ngày 4/10. Ảnh: N.Bắc

Để đạt được mục tiêu Đại hội XIII đề ra, cần thực hiện đồng bộ rất nhiều biện pháp, trong đó phải có những đột phá, bứt phá trong giai đoạn tới. Và với sự mệnh của mình, tôi tin cộng đồng doanh nghiệp Việt sẽ “chung lưng, đấu cật” để xây dựng, phát triển đất nước. Nhưng tôi đã nói, cộng đồng doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ, những cú hích, đòn bẩy từ Nhà nước để thực hiện sứ mệnh của mình.

+ Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những cú hích này là gì?

Tôi cho rằng, với doanh nghiệp phải phân ra từng loại và có các cơ chế nuôi dưỡng phát triển tương ứng.

Cụ thể, doanh nghiệp lớn đã lớn rồi, nhưng để phát triển vững trãi, không bị “chông chênh” thì rất cần Nhà nước có định nghĩa nhóm “ông lớn” này, từ đó có chính sách tạo “cú hích” hỗ trợ đầu tư vào sản xuất, để nâng thương hiệu Việt đạt tầm khu vực và thế giới. Ví dụ, Hòa Phát chuyên về sản xuất sắt, thép; “ông lớn” khác lại tập trung vào ngành ô tô…

Như kinh nghiệm của Trung Quốc, họ hỗ trợ, thậm chí bù giá cho doanh nghiệp, người dân để phát triển ngành xe ô tô điện hiện đại mà giá rẻ.

Bên cạnh các “ông lớn”, là các doanh nghiệp vừa - đây là lực lượng vô cùng quan trọng, quan trọng hơn cả “ông lớn”. Doanh nghiệp vừa hiện diện ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Rất nhiều doanh nghiệp không phát triển “nóng”, thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số rất chuẩn, nhưng họ làm theo kênh của họ, nên chỉ dừng lại ở phát triển vừa vừa chứ không thể lớn thêm được.

Khi bàn về chính sách, tôi đề nghị rất nhiều phải hỗ trợ, giảm thuế cho “ông vừa”, bởi đây là những doanh nghiệp làm ra tiền của thực sự để đẩy nền kinh tế lên.

Còn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì yêu thương, động viên, chấp cánh, bồi dưỡng để họ lớn lên thành những “ông vừa”.

“Quỹ thu hút nhân tài như quỹ tư nhân, không có “vốn mồi ngân sách”. Quỹ chi theo mục đích, hoạt động theo điều lệ trên cơ sở pháp luật. Nhà nước chỉ kiểm tra xem điều lệ có đúng không. 

Khi hình thành được quỹ này sẽ kéo được một phần nhân tài về Việt Nam cống hiến. Ví dụ, một người giỏi về Việt Nam cống hiến, lương trả cho họ có thể 10.000 USD/tháng thì không thể lấy từ ngân sách, mà từ nguồn tiền của quỹ này.

Tôi nghĩ nếu, Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng đứng ra kêu gọi để gây quỹ thì chắc chắn sẽ được sự ủng hộ, doanh nghiệp sẵn sàng đóng góp”, theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. 

+ Ngoài các cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, theo ông trong bối cảnh hiện nay, cần quan tâm đến những vấn đề gì?

Vấn đề hết sức quan trọng mà theo tôi nếu không làm, không tập trung đầu tư thì đất nước sẽ thụt lùi, đó là công nghệ và chuyển đổi số.

Tôi rất mừng khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều quan tâm đến vấn đề này. Đặc biệt, mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu rõ “chuyển đổi số là động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.

Rất nhiều chính sách để thu hút đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số đã được ban hành, nhưng đội ngũ thực sự làm vẫn rất lẻ tẻ. Cho nên, tôi nghĩ cần phải có Quỹ thu hút nhân tài để phục vụ phát phát triển đất nước. Quỹ này do doanh nghiệp đóng, không có sự tham gia của ngân sách Nhà nước. Còn người tài do những người quan trọng đánh giá thế nào là tài để sẵn sàng đầu tư thu hút họ.

Cạnh đó, cần có cơ chế để thu hút nguồn vốn trong dân đưa vào đầu tư phát triển. Để làm việc này, Chính phủ có thể bán trái phiếu như của doanh nghiệp thì người dân sẵn sàng gửi vào Chính phủ ngay. Nếu Chính phủ vay của nước ngoài trả bao nhiêu % thì vay của người dân trả bấy nhiêu % thì người dân sẽ bỏ tiền ra ngay. Khoản tiền này có thể đầu tư cho đất nước phát triển, lúc đó người dân lại được hưởng.

Chính phủ cũng cần nghiên cứu phát triển đồng tiền số. Không đưa vào sàn giao dịch tiền số thì hiện nay mỗi năm mình mất khoảng hơn 3 tỷ USD. Nếu Việt Nam có sàn đề thu thuế thì mỗi năm có thêm 3 tỷ USD.

Việc này, Chính phủ đã yêu cầu từ 2021-2025, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp phải nghiên cứu về đồng tiền số. Đến thời điểm này, nước ta vẫn không công nhận đồng tiền số. Điều nguy hiểm là dù không công nhận nhưng sàn giao dịch tiền số vẫn tồn tại và hoạt động, người dân Việt Nam chơi đồng tiền số đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ.

Chuyển đổi số dứt khoát phải thành lập sàn tiền số. Nếu chúng ta không lập sẽ rất phí, vì đây là kênh đầu tư, thu hút vốn, đừng sợ rửa tiền. Thời kỳ phát triển rồi, không thể không chấp nhận, Nhà nước mình tập trung thì sẽ làm được.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm