Tại hiện trường xảy ra nhiều điểm sạt lở đất, đá mà theo thống kê của cơ quan chức năng, có 6 điểm sạt lở với diện tích hơn 2,2ha; riêng khu vực có mộ khối lượng đất, đá là 6.100m3, chủ yếu là đá mồ côi, vùi lấp làm hư hỏng hơn 600 ngôi mộ.

Do địa hình phức tạp nên việc khắc phục hậu quả cũng chưa thể thực hiện nhanh vì trở ngại giao thông, khối lượng đất, đá tràn xuống quá nhiều và không thể dùng sức người làm việc được.

Bí Thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Quang Nam đã đến Nghĩa trang Hoà Sơn để kiểm tra thực tế và chỉ đạo phương án khắc phục nhanh, hiệu quả.

UBND TP Đà Nẵng cũng đã lập Ban Chỉ đạo xử lý sự cố sạt lở tại Nghĩa trang Hoà Sơn, do một phó chủ tịch UBND TP phụ trách.

leftcenterrightdel
 Đất, đá sạt lở nghiêm trọng cuốn phăng nhiều mồ mả trong sự xót xa của người dân. Ảnh: PV

Từ ngày 21/10 đến nay, hơn 1.000 cán bộ, chiến sỹ của Sư đoàn 315 (Quân khu 5) và Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng đã có mặt tại hiện trường sạt lở thu dọn đất, đá vùi lấp mộ.

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng sạt lở nghiêm trọng nêu trên, không chỉ do thiên tai mà còn có cả “nhân họa” .

Theo thống kê sơ bộ, có 6 điểm sạt lở quanh khu vực Nghĩa trang Hòa Sơn. Trong đó, phân nửa số này đã vùi lấp đất, đá tại các ngôi mộ. Đặc biệt, ở một số điểm sạt lở lớn đều có dấu hiệu khai thác, san ủi mặt bằng đất hoặc tự ý mở đường lên đồi gây nên sự mất cân bằng sinh thái, mất rừng, ảnh hưởng kết cấu đất; khi mưa lớn đổ xuống đã cuốn phăng đất, đá trôi nhanh theo dòng nước xuống vùi lấp mộ.

leftcenterrightdel
 Lực lượng Công an huyện Hòa Vang có mặt tại hiện trường nắm bắt thông tin. Ảnh: PV

Trong đó, tại 1 trong những điểm sạt lở lớn nhất ở Nghĩa trang Hòa Sơn trùng khớp với vị trí từng xảy ra tình trạng khai thác đất đồi trước đây. Vụ việc này được Báo Thanh tra phản ánh cách đây 1 năm qua bài viết “Đà Nẵng: Xe chở đất tàn phá đường nội bộ Nghĩa trang Hòa Sơn”.

Thời điểm này, núp bóng cải tạo vườn cây, những đoàn xe tải trọng lớn nối đuôi nhau vận chuyển đất đồi tại một khu vực khai thác ngay sát mép nghĩa trang đưa ra ngoài tiêu thụ. Hàng chục xe tải lớn băng qua các tuyến đường nội bộ Nghĩa trang Hoà Sơn bụi bay mịt mù, phủ đầy bụi đất lên những nấm mồ.

Lãnh đạo Ban Quản lý Nghĩa trang TP Đà Nẵng cho biết, việc khai thác, vận chuyển đất đồi là do ông Trương Nhật Hoàng (trú xã Hòa Sơn) cùng một số cá nhân khác thực hiện.

Sau khi Báo Thanh tra phản ánh, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã đình chỉ việc lấy đất đồi và vận chuyển qua nghĩa trang này.

leftcenterrightdel
 Bộ đội Quân khu 5 đang nỗ lực thu dọn đất, đá vùi lấp mộ tại Nghĩa trang Hoà Sơn. Ảnh: PV

Ở một số vị trí sạt lở khác, chúng tôi ghi nhận tình trạng san ủi đất rừng, đất hành lang cây xanh nghĩa trang để lấy mặt bằng xây dựng khu viên chôn mồ mả. Sau khi đào khoét được chân đồi lấy mặt bằng, các đối tượng tiến hành gia cố vách ngăn bằng kè rọ đá hộc để giữ đất nhưng vẫn bị sạt lở.

Cơn mưa lịch sử vừa rồi đã gây nên sự cố sạt lở nghiêm trọng ở Nghĩa trang Hòa Sơn. Một trong những nguyên nhân gây sự cố này còn là do con người.

Ai đã san ủi chân đồi lấy mặt bằng bán đất chôn mộ? Ai đã đào bới núi đồi nham nhở để lấy đất đi san lấp mặt bằng, để rồi khi cơn mưa ập đến gây nên sạt lở, cuốn phăng tất cả?

Cần phải tìm câu trả lời thoả đáng để xử lý nghiêm.

Ngọc Phó