Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tình trạng ô nhiễm vẫn còn tiếp diễn

Nhật Tường

Chủ nhật, 04/04/2021 - 21:10

(Thanh tra) - Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã vào cuộc, các doanh nghiệp vi phạm đã bị xử phạt hành chính do những vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, mùi hôi, khét nồng nặc phát tán từ các nhà máy trong khu công nghiệp (KCN) Giang Điền vẫn chưa được khắc phục.

Làm việc với ngành chức năng, đại diện các doanh nghiệp cho rằng đã thực hiện biện pháp nhằm giảm thiểu mùi hôi, nhưng người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm vẫn còn. Ảnh: NT

Mùi hôi, khét chưa được khắc phục

Báo Thanh tra đã có loạt bài viết phản ánh về tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tại KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Trong quá trình hoạt động, các nhà máy của Công ty Cao su Kenda Việt Nam (sản xuất vỏ, ruột xe ô tô, xe máy, xe đạp) và Công ty TNHH Quốc tế Kim Bảo Sơn (sản xuất bao tay y tế) đã có nhiều vi phạm, bị cơ quan chức năng lập biên bản xử lý. Tại các khu dân cư xung quanh những cơ sở sản xuất này thường xuyên xuất hiện mùi hôi, khét, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân.

Ngày 11/12/2020, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cao su Kenda Việt Nam số tiền 360 triệu đồng về các hành vi: Không thực hiện một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định; không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành (từng giai đoạn hoặc toàn bộ dự án) theo quy định.

Trước đó, ngày 26/8/2020, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Quốc tế Kim Bảo Sơn số tiền 280 triệu đồng, do đã có hành vi “không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành theo quy định”.

Tại buổi làm việc với các cơ quan chức năng vào ngày 25/11/2020, đại diện Công ty Cao su Kenda Việt Nam khẳng định đã thực hiện một số biện pháp nhằm xử lý và giảm thiểu việc phát tán mùi hôi ra môi trường. Tại xưởng cán luyện, công ty đã đóng toàn bộ cửa sổ và tăng cường sử dụng quạt hút để hút toàn bộ lượng khí thải phát sinh trong xưởng, dẫn về hệ thống xử lý khí thải. Công ty đang lắp đặt hệ thống thu gom, xử lý khí thải khu vực lưu hóa cao su, dự kiến hoàn thành lắp đặt trong quý I/2021.

Công ty TNHH Quốc tế Kim Bảo Sơn và Công ty Cao su Kenda Việt Nam chỉ bị phạt tiền, không phải chịu hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động. Ảnh: NT

Đối với Công ty TNHH Quốc tế Kim Bảo Sơn, tại buổi làm việc ngày 28/10/2020 với cơ quan chức năng và người dân, đại diện công ty cho biết đã tiến hành trồng thêm một số cây xanh quanh khu vực xử lý nước thải; rà soát, bổ sung thêm thông tin trong nhật ký vận hành của các hệ thống xử lý chất thải.

Công ty đã nhập thêm 2 hệ thống xử lý khí thải tĩnh điện để chuẩn bị lắp đặt bổ sung nhằm đảm bảo việc xử lý khí thải từ khu vực xưởng sản xuất găng tay PVC; đồng thời đã ký hợp đồng về việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với hệ thống xử lý khí thải lò hơi…

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân ấp 5 và 6 xã An Viễn (huyện Trảng Bom), tình trạng mùi hôi, khét phát tán ra từ các nhà máy trong KCN Giang Điền đến nay vẫn chưa được khắc phục, mặc dù các doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã bị xử phạt hành chính.

Hình thức xử phạt chưa đủ sức răn đe?

Cơ quan chức năng xác định Công ty TNHH Quốc tế Kim Bảo Sơn và Công ty Cao su Kenda Việt Nam đều có hành vi “không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành theo quy định”. Việc xử lý đối với hành vi này được quy định tại Điểm n, Khoản 1, Điều 9 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 9, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ, với hành vi trên, ngoài bị phạt tiền thì tổ chức vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 3 - 6 tháng để khắc phục vi phạm.

Tại Tờ trình số 55/TTr-KCNĐN ngày 13/11/2020, Ban Quản lý các KCN cũng đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Cao su Kenda Việt Nam, với mức phạt tiền 360 triệu đồng (áp dụng tình tiết giảm nhẹ). Đồng thời, kiến nghị hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động trong 3 tháng để doanh nghiệp có thời gian khắc phục vi phạm (phù hợp với cam kết của doanh nghiệp về dự kiến thời gian hoàn thành lắp đặt hệ thống thu gom, xử lý khí thải khu vực lưu hóa cao su, xưởng cán luyện keo trước tháng 1/2021).

Báo Thanh tra chưa nhận được thông tin phản hồi từ Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai. Ảnh: NT

Tuy nhiên, tại các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Công ty TNHH Quốc tế Kim Bảo Sơn và Công ty Cao su Kenda Việt Nam chỉ bị phạt tiền đối với các hành vi vi phạm mà không phải chịu hình thức xử phạt bổ sung theo quy định là “đình chỉ hoạt động”.

Liên quan đến nội dung này, phóng viên Báo Thanh tra đã liên hệ UBND tỉnh Đồng Nai để tìm hiểu lý do vì sao không áp dụng hình thức xử phạt bổ sung “đình chỉ hoạt động” đối với các doanh nghiệp vi phạm theo quy định của pháp luật; việc xử lý đối với trường hợp đã hết thời hạn nhưng doanh nghiệp chưa thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả (hoàn tất thủ tục đề nghị xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt).

Ngày 12/1/2021, UBND tỉnh Đồng Nai có Văn bản số 458/UBND-KTN do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi ký, “giao Ban Quản lý các KCN chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, thống nhất ý kiến, có văn bản cung cấp thông tin và trả lời câu hỏi của Báo Thanh tra liên quan đến việc xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom”.

Đến nay đã hơn 2 tháng, Báo Thanh tra vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Doanh nghiệp có vốn 1,5 tỷ, 4 lao động, tham gia loạt thầu trăm tỷ tại UBND huyện Hương Khê

Doanh nghiệp có vốn 1,5 tỷ, 4 lao động, tham gia loạt thầu trăm tỷ tại UBND huyện Hương Khê

(Thanh tra) - Với số vốn khá khiêm tốn 1,5 tỷ đồng cùng số lao động đăng ký là 4 người, thế nhưng, Công ty Sông Ba đã tham gia và trúng 9/9 gói thầu tại huyện Hương Khê, với tổng giá trị trúng thầu hơn 300 tỷ đồng. Đáng nói, đa số các gói thầu doanh nghiệp này góp mặt có tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách rất thấp. Đi kèm với đó, công ty này có cách xoay vòng vốn thú vị.

Quang Dân

11:03 23/11/2024
Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm