Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lập biên bản vi phạm, kiến nghị xử phạt Công ty Cao su Kenda Việt Nam

Nhật Tường

Thứ bảy, 21/11/2020 - 17:29

(Thanh tra) - Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai đề xuất UBND tỉnh xử phạt Công ty Cao su Kenda (Việt Nam) với mức phạt tiền 360 triệu đồng do hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đồng thời, kiến nghị đình chỉ hoạt động trong 3 tháng để doanh nghiệp có thời gian khắc phục vi phạm.

Ban Quản lý các KCN Đồng Nai kiến nghị UBND tỉnh xử phạt hành chính đối với Công ty Cao su Kenda (Việt Nam). Ảnh: NT

Ngày 13/11/2020, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai có Tờ trình số 55/TTr-KCNĐN gửi UBND tỉnh Đồng Nai, về việc kiến nghị ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Cao su Kenda (Việt Nam) tại KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom.

Trước đó, ngày 11/11/2020, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đã phối hợp với đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan (Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh Đồng Nai; Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bom) tiến hành làm việc với Công ty Cao su Kenda (Việt Nam) để thống nhất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp này.

Tại buổi làm việc, các cơ quan, đơn vị tham dự đã thống nhất tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (Biên bản số 12/BB-VPHC ngày 11/11/2020) đối với Công ty Cao su Kenda (Việt Nam), dưới sự chứng kiến của ông Nguyễn Đức Trung, Trưởng phòng Tổng vụ Công ty Cao su Kenda (Việt Nam) theo Giấy ủy quyền số 08/KV/QĐUQ ngày 10/11/2020 của Tổng Giám đốc.

Theo nội dung Biên bản số 12/BB-VPHC, Công ty Cao su Kenda (Việt Nam) đã có 2 hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Thứ nhất, hành vi “không thực hiện một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định”.

Công ty Cao su Kenda (Việt Nam) chưa xây dựng, lắp đặt hệ thống thu gom, xử lý khí thải tại khu vực xưởng lưu hóa cao su; công ty đã tự ý thay đổi công nghệ xử lý khí thải tại khu vực xưởng cán luyện (thực tế khí thải được cho qua hệ thống xử lý dùng hệ thống lọc bụi, phát tán ra đường nội bộ của công ty được đặt ở tầm thấp, cách mặt đất khoảng 2 - 3m có thể gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh).

Bên cạnh đó, công nghệ xử lý khí thải tại khu vực xưởng cán luyện (có tầng lầu) còn thô sơ, chưa đảm bảo thu gom, xử lý mùi, khí thải đạt hiệu quả, dẫn đến mùi khí thải gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Thứ hai là hành vi “không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành (từng giai đoạn hoặc toàn bộ dự án) theo quy định”.

Công ty Cao su Kenda (Việt Nam) đã đi vào hoạt động sản xuất từ cuối năm 2018 nhưng chưa có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành theo quy định của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP và yêu cầu tại Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường số 232/QĐ-KCNĐN ngày 16/10/2018 của Ban Quản lý các KCN Đồng Nai.

Chế tài xử lý đối với các hành vi nói trên được quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Trình bày tại buổi làm việc, đại diện Công ty Cao su Kenda (Việt Nam) cho rằng, đang trong giai đoạn lắp đặt máy móc, thiết bị sản xuất, đang thiết lập và điều chỉnh các thông số kỹ thuật của dây chuyền sản xuất nên một số công đoạn chưa được hoàn thiện. Bên cạnh đó, công nhân mới được tuyển dụng đang trong quá trình đào tạo vận hành nên chưa thuần thục, có thể xảy ra sai sót, bất cẩn khi vận hành các dây chuyền sản xuất cũng như các hệ thống xử lý khí thải, nước thải; do ngành nghề của công ty nên việc có phát sinh mùi đặc trưng của cao su là khó tránh khỏi.

Trong Tờ trình số 55/TTr-KCNĐN, Ban Quản lý các KCN đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Cao su Kenda (Việt Nam), với mức phạt tiền 360 triệu đồng (áp dụng tình tiết giảm nhẹ). Đồng thời, kiến nghị hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động trong 3 tháng để doanh nghiệp có thời gian khắc phục vi phạm, theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ.

Đối với biện pháp khắc phục hậu quả, Ban Quản lý các KCN đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu Công ty Cao su Kenda (Việt Nam) rà soát thực tế, lập hồ sơ vận hành thử nghiệm công trình bảo vệ môi trường (từ 3 đến 6 tháng) gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để xem xét và lập hồ sơ báo cáo xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, gửi về Ban Quản lý các KCN trước ngày 1/5/2021 để xử lý theo quy định.

Tháng 8/2020, Công ty TNHH Quốc tế Kim Bảo Sơn bị UBND tỉnh Đồng Nai phạt hành chính do vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Ảnh: NT

Cũng tại KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom, vào tháng 8/2020, Công ty TNHH Quốc tế Kim Bảo Sơn đã bị UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định xử phạt hành chính do hành vi không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành theo quy định.

Ngày 26/10/2020, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đã có công văn mời các cơ quan, tổ chức liên quan, tiến hành kiểm tra, rà soát việc thực hiện yêu cầu của đoàn kiểm tra ngày 13/8/2020 về tình trạng xả mùi hôi khét khó chịu ra môi trường đối với Công ty TNHH Quốc tế Kim Bảo Sơn.

Theo phản ánh của các hộ dân sống tại ấp 5 và ấp 6 xã An Viễn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, những khu dân cư xung quanh xưởng sản xuất của Công ty TNHH Quốc tế Kim Bảo Sơn (sản xuất bao tay y tế) và Công ty Cao su Kenda Việt Nam (sản xuất vỏ, ruột xe ô tô, xe máy, xe đạp) tại KCN Giang Điền thường xuyên xuất hiện mùi hôi, khét nồng nặc. Tình trạng này đã kéo dài trong suốt nhiều năm, gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống và sức khỏe của người dân địa phương.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024
Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

(Thanh tra) - Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, năm 2017, Công ty Dương Minh được độc quyền nhập khẩu, phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ. Tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam.

Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh

08:00 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm