Sau khi nhận thấy phần đất của mình bị giao cho một số hộ dân sử dụng trái quy định, cụ Đường và con cháu đã liên tục khiếu nại trong suốt 40 năm qua.

Nguồn gốc đất rõ ràng

Theo phản ánh của ông Tạ Phương Nam (con trai cụ Tạ Minh Đường, người được các đồng thừa kế ủy quyền toàn quyền giải quyết phần đất của cha ông để lại): Cụ Tạ Minh Đường tham gia cách mạng và được kết nạp Đảng từ năm 1947. Do có thành tích trong công tác, cụ đã được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương và Kỷ niệm chương Chiến sỹ cách mạng bị giặc bắt tù đầy. Ngoài ra, cụ còn có con rể là liệt sỹ, nhiều con cháu tham gia công tác tại các cơ quan Nhà nước của tỉnh.

Vậy nhưng, sau nhiều năm đi đòi lại quyền lợi, cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, cụ Đường vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng từ các cấp chính quyền.

Ông Tạ Phương Nam thay cha và anh em, con cháu trong nhà tiếp tục hành trình đi đòi đất, nhưng chỉ nhận được những kết quả giải quyết “tiền hậu bất nhất” của chính quyền địa phương.

Theo tài liệu thu thập được, ngày 5/3/2021, ông Lâm Văn Bi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ký Văn bản số 952 thông báo các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau chấm dứt việc nhận đơn và thụ lý giải quyết đối với yêu cầu đòi lại đất của ông Tạ Phương Nam (các văn bản dùng làm căn cứ muộn nhất là ngày 11/1/2013).

Trong khi đó, thực hiện Thông báo Kết luận số 04 của ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ngày 18/5/2017, Thanh tra tỉnh Cà Mau đã có Quyết định số 44 thanh tra, rà soát một số nội dung đối với khiếu nại của ông Tạ Phương Nam. Thời kỳ thanh tra là quá trình quản lý, sử dụng đất từ khi hình thành của ông Tạ Minh Đường và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến năm 2017.

Tại Báo cáo số 135, ngày 11/9/2017, Thanh tra tỉnh Cà Mau có nhận xét, kết luận: Nguồn gốc đất mà ông Tạ Phương Nam đang yêu cầu có nguồn gốc từ khai phá của ông nội ông là ông Tạ Văn Mười, có vị trí, diện tích đất khoảng 45.360m2, có ranh giới: Phần đất dùng làm lộ giao thông 12.635m2; phần đất diện tích 13.840m2 do bà Tạ Thị Đỉnh đang quản lý, sử dụng; phần đất diện tích 9.045m2, UBND huyện đã quy hoạch khu dân cư nhà ở liền kề hiện có 5 hộ đang quản lý, sử dụng; phần đất diện tích 9.840m2 ngoài quy hoạch, hiện ông Trần Văn Hòa đang quản lý, sử dụng.

Hiện nay, ông Tạ Phương Nam chỉ yêu cầu đòi lại phần đất nằm ngoài quy hoạch mà UBND huyện Đầm Dơi giao cho ông Hoà đang quản lý, sử dụng.

leftcenterrightdel
Ông Tạ Phương Nam tâm tư lật giở từng tờ huân chương, huy chương và kỷ niệm chương mà cụ Tạ Minh Đường vinh dự được trao tặng. Ảnh: TH 

Sai thẩm quyền?

Quá trình yêu cầu đòi lại đất cũ của gia đình ông Nam theo hồ sơ thể hiện từ trước 1993 đến nay. Đây là yêu cầu đòi lại đất cũ trước đây, từ khi được UBND huyện huyện Đầm Dơi ban hành Quyết định số 85/QĐ-UBND ngày 31/7/2002 giải quyết đơn yêu cầu của ông Tạ Minh Đường. Các cấp huyện, tỉnh và Trung ương đều có sự quan tâm phối hợp trong việc giải quyết yêu cầu của các hộ dân đòi lại đất cũ tại thị trấn Đầm Dơi, trong đó có trường hợp của ông Tạ Phương Nam.

Qua Báo cáo số 05/BC-TNMT ngày 4/1/2017 của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Đầm Dơi và kiểm tra hồ sơ cho thấy, Quyết định số 85/QĐ-UBND ngày 31/7/2002 của UBND huyện Đầm Dơi, thì ông Nam không khiếu nại, chỉ yêu cầu cấp cao hơn giải quyết…

Theo ông Nam: Điều cần làm rõ ở Quyết định số 85 là có được ban hành đúng thẩm quyền, bởi theo Khoản 4, Điều 21 Luật Đất đai năm 1987 đã quy định: “UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính tương đương giải quyết các tranh chấp giữa cá nhân với tổ chức, giữa tổ chức với nhau, nếu tổ chức đó thuộc quyền quản lý của mình hoặc trực thuộc Trung ương”. Trong khi cha tôi (cụ Đường) có khiếu nại đòi đất với UBND huyện Đầm Dơi thì thẩm quyền giải quyết phải là UBND tỉnh Cà Mau. UBND huyện Đầm Dơi là “bị đơn” lại ban hành quyết định giải quyết tranh chấp, liệu có khách quan và phù hợp với quy định pháp luật?

Ngoài ra, Báo cáo số 135 cũng nêu rõ: Hiện nay, ông Tạ Phương Nam chỉ đòi phần đất của ông Trần Văn Hòa đang quản lý, sử dụng và ông Trần Văn Hòa cũng thừa nhận phần đất trên có nguồn gốc của gia đình ông Tạ Phương Nam, đồng thời cũng có thiện chỉ thỏa thuận với ông Tạ Phương Nam để trả một phần thành quả lao động cho gia đình ông Nam có công khai phá phần đất này. Vấn đề này đã được UBND huyện Đầm Dơi (năm 2015) tổ chức hòa giải, thương lượng để các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa thống nhất được, dẫn đến ông Tạ Phương Nam liên tục yêu cầu, còn ông Trần Văn Hòa thì không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì lý do đất còn tranh chấp…

Từ đó, Chánh Thanh tra tỉnh kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có văn bản chỉ đạo UBND huyện Đầm Dơi: Tổ chức vận động, thuyết phục ông Trần Văn Hòa và ông Tạ Phương Nam tự thỏa thuận để chấm dứt vụ việc yêu cầu trên. Trường hợp hai bên không thương lượng, thỏa thuận được thì giải quyết theo quy định về tranh chấp đất đai theo Luật Đất đai hiện hành.

Vậy nhưng 4 năm sau, không biết tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo như thế nào, quá trình giải quyết theo quy định về tranh chấp đất đai theo Luật Đất đai hiện hành của huyện Đầm Dơi ra sao, mà Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi lại ký văn bản thông báo không nhận, thụ lý đơn đòi hỏi quyền lợi của công dân!

Lạ ở chỗ là, trong Văn bản số 952 không thấy nhắc đến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải và Báo cáo kết luận thanh số 135 của Thanh tra tỉnh Cà Mau.

Để đảm bảo quyền lợi của gia đình chính sách, tránh khiếu nại kéo dài tạo điểm nóng ở địa phương, UBND tỉnh Cà Mau cần xem xét một cách toàn diện, khách quan vụ việc. Đặc biệt, cần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, sai đâu sửa đó, vướng chỗ nào thì gỡ chỗ đó, tránh tư duy bao che, lấp liếm, “lập lờ đánh lận con đen”.

Về phía gia đình ông Tạ Phương Nam cho biết, gia đình sẽ tiếp tục có đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thẩm quyền khác.

Trung Hà