Lời cảnh báo trên được các chuyên gia về khoa học thủy lợi đưa ra vào ngày 31/7/2013, tại cuộc họp của UBND TP Hồ Chí Minh với các sở, ngành liên quan về kế hoạch ứng phó khẩn cấp khi hồ thủy lợi Dầu Tiếng gặp sự cố vỡ đập hoặc xả lũ theo thiết kế.

Ngày 2/6/2020, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã giao Chủ tịch UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương chỉ đạo các sở, ngành chức năng kiểm tra làm rõ nội dung phản ánh của báo chí về việc nước hồ Dầu Tiếng chuyển đục, để có biện pháp kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/8/2020.

Có thể thấy, sự an toàn của công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động kinh tế mà còn là vấn đề an ninh, chính trị, liên quan đến sự an nguy của hàng triệu người dân ở khu vực hạ du. Công trình thủy lợi này được đưa vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, theo Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 7/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Khoản 5 Điều 9 Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia số 32/2007/PL-UBNTQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì các hành vi xâm phạm đến an ninh, an toàn của công trình và hành lang công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia là những hành vi bị nghiêm cấm.

leftcenterrightdel

Dưới sức nặng của xe chở cát, mặt đập hồ dầu tiếng có dấu hiệu bị nứt, lún, không đảm bảo mặt cắt thiết kế. Ảnh: NT 

Thực trạng khai thác, vận chuyển cát đang diễn ra tại khu vực hồ Dầu Tiếng như Báo Thanh tra phản ánh, đã trực tiếp gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nguồn nước và sự an toàn của công trình. Trong đó, nhiều phương tiện chở cát cỡ lớn, có dấu hiệu quá tải vẫn thường xuyên lưu thông qua thân đập, mặc dù cơ quan chức năng đã lắp đặt biển hạn chế tải trọng. Bên cạnh đó, nhiều barie (rào chắn) bảo vệ thân đập đã bị phá dỡ.

Thân đập hồ Dầu Tiếng được thiết kế và xây dựng bằng đất đồng chất với chiều dài hơn 27km. Trải qua gần 40 năm, nhiều vị trí mái đập bị sạt lở, xói mòn, lớp cỏ ở mái hạ lưu bị bong tróc và rãnh thoát nước nhiều đoạn bị ứ đọng.

Dưới tác động của những chiếc xe tải chở cát khối lượng lớn, thân đập đang phải đối mặt với nguy cơ hư hại, mất an toàn. Nhiều đoạn mặt đập có dấu hiệu nứt, lún, không đảm bảo mặt cắt thiết kế. Trong thời điểm hiện tại, các hạng mục của hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng vẫn hoạt động bình thường. Nhưng nếu tình trạng xâm hại hồ, đập không được ngăn chặn thì sự an toàn của công trình này sẽ bị đe dọa.

Nhiều năm qua, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cùng các địa phương như Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước đã đưa ra những giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng xâm hại công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng. Tuy nhiên, hiệu quả của các giải pháp này chưa thực sự tốt. Tình trạng khai thác, vận chuyển cát không đúng quy định, gây ảnh hưởng đến an toàn hồ đập ở đây vẫn còn phổ biến.

leftcenterrightdel
 Xe chở cát vượt qua thân đập, vượt luôn đèn đỏ khi lưu thông vào đường ĐT 781. Ảnh: NT

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Tây Ninh tại Biên bản họp số 214/BB-UBND ngày 2/7/2018, mỗi giấy phép khai thác cát tại khu vực hồ Dầu Tiếng chỉ có 1 bến bãi. Bến bãi phải có hồ sơ pháp lý đầy đủ theo quy định, trong đó trạm cân được kết nối dữ liệu với máy tính, truy xuất được dữ liệu khi cần thiết; phải bảo đảm đường vận chuyển cát từ bến bãi qua trạm cân là đường duy nhất.

Các phương tiện vận chuyển cát khi ra, vào hồ Dầu Tiếng phải được đăng ký và kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Các tàu khai thác cát phải có trong kế hoạch đăng ký khai thác và phải gắn định vị, camera hành trình.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, mỗi ngày có tới hàng trăm lượt xe chở cát băng qua thân đập, ra vào khu vực hồ Dầu Tiếng. Trong đó, nhiều xe có dấu hiệu quá tải, cơi nới thành thùng, nhưng không có bất kỳ sự kiểm tra, xử lý nào từ các cơ quan chức năng. Hàng loạt biển cấm, bảng nội quy được cắm dọc chân đập không thể ngăn chặn những hành vi đe dọa sự an toàn hồ đập.

Để làm rõ trách nhiệm trong quá trình cấp phép, quản lý việc khai thác và vận chuyển cát tại khu vực hồ Dầu Tiếng thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh, phóng viên Báo Thanh tra đã liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tây Ninh và Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa. Nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời từ các đơn vị này.

Báo Thanh tra sẽ thông tin về vấn đề này trong các bài viết theo.

Nhật Tường