Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Coi thường pháp luật, vô cảm với nhân dân đến bao giờ?

Nguyên Dũng

Thứ hai, 17/10/2022 - 14:44

(Thanh tra)- Hơn 12 năm qua, Bản án phúc thẩm số 422/2010/HC-PT ngày 12/4/2010 của TAND TP Hồ Chí Minh vẫn chưa được thi hành. Thậm chí sau khi Báo Thanh tra đăng nhiều bài viết về vụ việc và ngày 17/8/2022 Chủ tịch UBND TP có văn bản chỉ đạo đề nghị UBND quận 7 phối hợp giải quyết, mọi việc vẫn không chuyển biến.

Bản án phúc thẩm số 422/2010/HC-PT ngày 12/4/2010 của TAND TP Hồ Chí Minh có hiệu lực pháp luật nhưng 12 năm nay gia đình ông Trần Văn Thân vẫn chờ cơ quan chức năng quận 7 thi hành án. Ảnh: Nguyên Dũng

Bất chấp chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh

Không đồng tình với Quyết định số 175/QĐ-UBND ngày 13/11/2007 của UBND quận 7 cho rằng, khu đất rộng 2.880m2 của gia đình đang ở ổn định từ năm 1975 đến nay là “đất công” nên ông Trần Văn Thân, ngụ khu phố 4, phường Phú Thuận (đã mất - PV) đã làm đơn khởi kiện ra tòa.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 12/4/2010, TAND TP Hồ Chí Minh chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn Thân.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật, Cơ quan Thi hành án dân sự quận 7 cùng các cơ quan chức năng có liên quan của quận phải thực hiện, tự nguyện thi hành ngay sau đó nhưng đến nay đã 12 năm trôi qua, bản án vẫn nằm… trên giấy!

Khu đất của gia đình ông Trần Văn Thân bị thu hồi làm dự án nay đã biến thành bãi giữ xe cho thuê, sử dụng sai mục đích. Ảnh: Nguyên Dũng

Thậm chí sau khi Báo Thanh tra đăng tải nhiều bài viết về “Chuyện lạ tại quận 7: Án có hiệu lực nhiều năm không được thi hành” và ngày 17/8/2022, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh có Văn bản số 6756/VP-ĐT đề nghị UBND quận 7 phối hợp cùng các cơ quan chức năng giải quyết sự việc theo quy định pháp luật, báo cáo về UBND TP Hồ Chí Minh trước ngày 20/8/2022 nhưng đến nay đã gần 2 tháng trôi qua UBND quận này vẫn vô cảm, bất chấp cả chỉ đạo của cấp trên, không thực hiện.

“Thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm”

Theo điều tra của PV Báo Thanh tra, vào năm 2008, để giao hơn 1,8ha đất tại khu phố 4, phường Phú Thuận, quận 7 cho Công ty TNHH Vận tải Bình Thuận thuê làm Dự án “Xây dựng cơ sở dịch vụ sửa chữa phương tiện vận tải xăng dầu”, chính quyền quận đã cưỡng chế, buộc 23 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu đang ở, sinh sống trên đất buộc phải tháo dỡ nhà cửa, di dời đi nơi khác ở.

Nhiều cặp vợ chồng, con cái mất nhà cửa, không có nơi trú thân, buộc phải bồng bế nhau ly tán khắp nơi mà không được nhận tiền đền bù, hỗ trợ thỏa đáng từ chính quyền địa phương.

Trong số 23 hộ dân này, phần lớn là những người lao động đến khu đất trên làm nhà, sinh sống từ sau năm 1990 và một số hộ gia đình đã làm nhà, ở ổn định từ năm 1975, có đăng ký hộ, kê khai đất, đóng thuế nhà đất đầy đủ cho Nhà nước.

Đến thời điểm hiện tại đã 21 năm trôi qua, Dự án “Xây dựng cơ sở dịch vụ sửa chữa phương tiện vận tải xăng dầu” của Công ty TNHH Vận tải Bình Thuận vẫn “treo” ngổn ngang, dang dở, chưa thành “hình hài”dự án và có dấu hiệu của việc sử dụng đất sai mục đích. Chủ đầu tư thì “tự ý” băm nát đất dự án để cho thuê sai mục đích, kiếm lợi bất hợp pháp trong nhiều năm qua.

Theo quan sát của PV tại hiện trường dự án có hàng loạt bãi rửa xe, giữ xe, kho chứa phế liệu ve chai, thiết bị vệ sinh, quán cà phê… mọc lên như nấm sau mưa. Hiện 1.000m 2 đất kho bãi tại “khu đất dự án” trên được chủ cho thuê với giá từ 100 - 120 triệu đồng/tháng.

Hơn 3 tháng nay, PV Báo Thanh tra đã nhiều đến trụ sở và liên lạc qua điện thoại với lãnh đạo  UBND quận 7, Sở Tài nguyên Môi trường nhằm đăng ký lịch làm việc nhưng không có kết quả.

Lãnh đạo 2 đơn vị này tiếp tục thờ ơ, tìm cách né tránh, thiếu trách nhiệm trả lời những câu hỏi liên quan đến phạm vi quản lý Nhà nước của mình.

Hơn 2 thập kỷ qua “hình hài” dự án chưa hình thành nhưng chủ đầu tư đã băm nát, cho thuê đất kinh doanh sai mục đích. Ảnh: Nguyên Dũng

Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân tại địa phương gọi gia đình ông Thân là gia đình “khốn khổ” vì số phận của hơn 20 nhân khẩu bị “treo” bởi sự khốn khổ từ nhiều năm nay.

Bà Trần Thị Bích Lệ (51 tuổi, con gái của ông Thân) cho biết, vào năm  2008, trong lúc gia đình đang làm đơn khiếu nại Quyết định 175/QĐ-UBND thì UBND quận tiếp tục ra quyết định cưỡng chế, rồi tiếp đó đưa người, máy móc đến tháo dỡ toàn bộ 4 căn nhà trên đất của gia đình.

Bị phá nhà, thu đất, 4 hộ trong gia đình ông Thân gồm tổng cộng hơn 20 nhân khẩu lâm vào hoàn cảnh khó khăn, cùng đường, phải làm đủ nghề để kiếm sống và trả tiền thuê mướn nơi ở mới.

“Sau nhiều năm đội đơn đi đòi công lý, đòi thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa nhưng không thành, bố tôi đã qua đời. Nay mẹ tôi là bà Nguyễn Thị Biền đã ngoài 90 tuổi nhưng hàng ngày vẫn đau đáu mong tiếp tục gửi đơn yêu cầu thi hành án trong tuyệt vọng”, bà Trần Thị Bích Lệ nói trong nước mắt.

Tại sao, Bản án 422/2010/HC-PT ngày 12/4/2010 của TAND TP Hồ Chí Minh đã có hiệu lực pháp luật nhưng 12 năm qua, mặc gia đình ông Trần Văn Thân gửi đơn khắp nơi, UBND quận 7 vẫn không thi hành án?

Tại sao sự thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm của những cán bộ quận 7 và các cơ quan chức năng liên quan của TP Hồ Chí Minh trước nỗi đau, thân phận của 20 nhân khẩu trong gia đình ông Thân vẫn tiếp tục kéo dài?

Đề nghị lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh vào cuộc một cách quyết liệt, làm rõ nguyên nhân, động cơ vì sao để xảy ra tình trạng coi thường công luận, vi phạm pháp luật của chính quyền cơ sở, qua đó xử lý dứt điểm vụ việc, không để “cái nhọt trở thành cái ung”.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lấn chiếm vỉa hè để bàn nhậu, quán nhậu Tự Do nói do khách tự kê bàn

Lấn chiếm vỉa hè để bàn nhậu, quán nhậu Tự Do nói do khách tự kê bàn

(Thanh tra) - Theo đại diện quán nhậu Tự Do, hiện trạng bàn nhậu lấn chiếm vỉa hè có thể do khách kê ra. Còn chính quyền thường xuyên nhắc nhở, có những thời điểm đã bị phạt hành chính. Ở khía cạnh khác, nếu nhìn vào con số tăng trưởng về nguồn vốn, tài sản, doanh thu của chủ sở hữu hệ thống quán nhậu Tự Do, có thể lý giải được phần nào việc đơn vị này thường xuyên vi phạm.

Thanh Giang - Trang Nhung

08:00 21/11/2024
Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm