Theo dõi Báo Thanh tra trên
Nguyên Dũng - Chí Cường
Thứ bảy, 02/07/2022 - 07:00
(Thanh tra) - Để giao hơn 1,8ha đất tại quận 7, TP HCM, cho Công ty TNHH Vận tải Bình Thuận làm Dự án “Xây dựng cơ sở dịch vụ sửa chữa phương tiện vận tải xăng dầu”, chính quyền đã cưỡng chế, buộc 23 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu phải tháo dỡ nhà cửa, di dời đi nơi khác ở. Hơn 2 thập kỷ qua, dự án vẫn "treo" ngổn ngang, dang dở, đặc biệt có dấu hiệu của việc sử dụng đất sai mục đích.
Khu đất của gia đình ông Trần Văn Thân bị thu hồi làm dự án nay đã biến thành bãi giữ xe cho thuê, sử dụng sai mục đích. Ảnh: Nguyên Dũng
“Không thấy hình hài dự án”?
Ngày 22/8/2001, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn ký Quyết định số 1115/QĐ-TTg “về việc cho Công ty TNHH Vận tải Bình Thuận thuê đất để xây dựng cơ sở dịch vụ sửa chữa phương tiện vận tải xăng dầu phường Phú Thuận, quận 7, TP HCM”.
Nội dung của quyết định nêu rõ: Thu hồi hơn 18.505m2 đất tại phường Phú Thuận, quận 7 cho Công ty TNHH Vận tải Bình Thuận thuê 11.383m2 đất (trong tổng số đất bị thu hồi) để làm Dự án “Xây dựng cơ sở dịch vụ sửa chữa phương tiện vận tải xăng dầu”. Thời hạn thuê đất 50 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê. Riêng 7.122m2 đất còn lại (đất đã thu hồi) thuộc đất lộ giới đường khu vực và hành lang bảo vệ sông rạch thì giao cho UBND TP HCM quản lý.
Quyết định 1115/QĐ-TTg yêu cầu cơ quan chức năng TP HCM phải xác định cụ thể vị trí, ranh giới khu đất bị thu hồi để giao cho doanh nghiệp làm dự án và phải có phương án đền bù thiệt hại cho các chủ sử dụng đất có đất bị thu hồi. Đặc biệt “phải giải tỏa mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công công trình”, chỉ đạo việc thu tiền thuê đất nộp ngân sách Nhà nước.
Chỉ đạo là vậy, nhưng trước đó, tại Công văn số 03/CV-UB-QLĐT ngày 2/1/2001 của UBND quận 7 (do ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND quận 7 ký) cho rằng, toàn bộ khu đất hơn 1,8ha nêu trên (khu đất bị thu hồi theo Quyết định 1115/QĐ-TTg) là đất công, do Nhà nước quản lý. Trong thời gian Nhà nước chưa khai thác, sử dụng thì hộ gia đình ông Trần Văn Thân (ngụ khu phố 4, phường Phú Thuận, quận 7) và 22 hộ dân khác (đang ở sinh sống ổn định trên đất) đã lấn chiếm đất công, cất nhà tạm trú trên đất Nhà nước.
Theo hồ sơ, mảnh đất rộng 2.880m2 của gia đình ông Trần Văn Thân (nằm trong tổng số hơn 1,8ha đất bị thu hồi) được gia đình nhận chuyển nhượng lại từ ông Trần Tô (ngụ tại địa phương) từ ngày 26/1/1975 bằng giấy tờ viết tay. Từ năm 1975 đến trước thời điểm đất bị thu hồi (năm 2001), gia đình ông Thân đã làm nhà, sử dụng ổn định, có đăng ký kê khai nhà đất, có đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước và đất gia đình không bị tranh chấp.
7 năm sau (tính từ khi có Quyết định 1115/QĐ-TTg ngày 22/8/2001 của Phó Thủ tướng Chính phủ), ngày 13/11/2007, tại Quyết định số 175/QĐ-UBND của UBND quận 7 (do ông Trương Văn Thủ, Phó Chủ tịch UBND quận ký) mới có quyết định về việc “hỗ trợ thiệt hại về đất, hoa màu, vật kiến trúc khác” đối với hộ ông Trần Văn Thân.
Nội dung quyết định này cũng cho rằng, khu đất rộng 2.880m2 của gia đình ông Trần Văn Thân (đã xây nhà ở ổn định từ năm 1975 - PV) là đất công do chiếm dụng, chưa được cơ quan chức năng công nhận quyền sử dụng đất nên không được đền bù theo quy định.
Quyết định 175/QĐ-UBND và một số quyết định liên quan sau đó của UBND quận 7 chỉ cho gia đình ông Thân nhận tiền “hỗ trợ” thiệt hại về đất, hoa màu, vật kiến trúc với giá… “rẻ mạt”.
Theo tìm hiểu của PV Báo Thanh tra, năm 2008, để giao hơn 1,8ha đất tại khu phố 4, phường Phú Thuận, quận 7 cho Công ty TNHH Vận tải Bình Thuận thuê làm Dự án “Xây dựng cơ sở dịch vụ sửa chữa phương tiện vận tải xăng dầu”, chính quyền quận đã cưỡng chế, buộc 23 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu đang ở, sinh sống trên đất buộc phải tháo dỡ nhà cửa, di dời đi nơi khác ở.
Nhiều cặp vợ chồng, con cái mất nhà cửa, không có nơi trú thân, buộc phải bồng bế nhau ly tán khắp nơi mà không được nhận tiền đền bù, hỗ trợ thỏa đáng từ chính quyền địa phương.
Trong số 23 hộ dân này, phần lớn là những người lao động đến khu đất trên làm nhà, sinh sống từ sau năm 1990 và một số hộ gia đình đã làm nhà, ở ổn định từ năm 1975, có đăng ký hộ, kê khai đất, đóng thuế nhà đất đầy đủ cho Nhà nước.
Điều đặc biệt, đến thời điểm hiện tại đã 21 năm trôi qua, Dự án “Xây dựng cơ sở dịch vụ sửa chữa phương tiện vận tải xăng dầu” của Công ty TNHH Vận tải Bình Thuận vẫn "treo" ngổn ngang, dang dở, có dấu hiệu của việc sử dụng đất sai mục đích.
Trao đổi với PV Báo Thanh tra, bà Nguyễn Thị Ngụ (65 tuổi, ngụ khu phố 4, phường Phú Thuận, quận 7) cho biết, khoảng mấy năm sau khi được Nhà nước giao đất thì chủ đầu tư đã đưa một số tàu, xà lan, xe bồn… về trên đất để kinh doanh. “Làm được một thời gian ngắn thì công việc ngưng trệ, rồi toàn bộ tàu, xà lan, xe bồn được chuyển đi đâu không ai biết cả. Hình như là doanh nghiệp thua lỗ. Toàn bộ khu đất dự án vẫn chưa thấy hình hài của dự án được triển khai xây dựng kể từ đó cho đến nay đã hơn 2 thập kỷ ”, bà Ngụ nói.
“Băm nát” đất dự án cho thuê sai mục đích
Theo quan sát của PV, toàn bộ khu đất rộng hơn 1,8ha tại phường Phú Thuận, quận 7 được Nhà nước cho Công ty TNHH Vận tải Bình Thuận thuê trong thời hạn 50 năm để triển khai Dự án “Xây dựng cơ sở dịch vụ sửa chữa phương tiện vận tải xăng dầu” đã bị “băm nát”.
Tại hiện trường, Dự án “Xây dựng cơ sở dịch vụ sửa chữa phương tiện vận tải xăng dầu” đang bị treo, chưa thành “hình hài” nhưng hàng loạt bãi rửa xe, giữ xe, kho chứa phế liệu ve chai, thiết bị vệ sinh, quán cà phê… đã mọc lên như nấm. Chủ đầu tư đã “tự ý” băm nát đất dự án để cho thuê sai mục đích, kiếm lợi bất hợp pháp trong nhiều năm qua.
Hiện 1.000m2 đất kho bãi tại “khu đất dự án” trên được chủ cho thuê với giá từ 100 - 120 triệu đồng/tháng.
Trong quá trình điều tra, chúng tôi được một người tên Thanh cho biết, ông là người trực tiếp thuê lại đất của Công ty TNHH Vận tải Bình Thuận rồi sau đó cho xây dựng kho, bãi để tiếp tục cho người khác thuê lại nhằm mục đích kiếm lời. “Giá thuê 10m2 tại đây khoảng 1 triệu/tháng. Nếu kho rộng 600 - 700 m2 thì giá 60 - 70 triệu/tháng; kho rộng 1.000m2 thì giá 100 triệu/tháng. Cứ thế mà tính”, ông Thanh nói.
Vì sao một dự án rộng hơn 1,8ha được cơ quan chức năng thu hồi đất, buộc 23 hộ gia đình với hàng trăm nhân khẩu phải tháo dỡ nhà cửa, di dời, ly tán khắp nơi nhưng hơn 2 thập kỷ qua vẫn chưa thành “hình hài”, chưa được triển khai trên thực địa? Vì sao đất được Nhà nước cho thuê làm dự án lại bị “băm nát” thành hàng chục bãi giữ, rửa xe, kho chứa phế liệu ve chai, chứa thiết bị vệ sinh, quán cà phê…. trái mục đích sử dụng đất?
Câu trả lời xin dành lại cho các cơ quan chức năng liên quan của TP HCM, cơ quan chức năng quận 7 và chủ đầu tư dự án.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Từ một doanh nghiệp địa phương, chỉ sau 8 năm, Công ty CP Xây dựng hạ tầng Đại Phong đã phát triển thần tốc thành một trong những nhà thầu lớn trong lĩnh vực xây lắp. Nhưng quá trình phát triển thần tốc của doanh nghiệp này đặt ra không ít câu hỏi về năng lực.
Công Thắng - Thành Nam
07:48 22/11/2024(Thanh tra) - Theo đại diện quán nhậu Tự Do, hiện trạng bàn nhậu lấn chiếm vỉa hè có thể do khách kê ra. Còn chính quyền thường xuyên nhắc nhở, có những thời điểm đã bị phạt hành chính. Ở khía cạnh khác, nếu nhìn vào con số tăng trưởng về nguồn vốn, tài sản, doanh thu của chủ sở hữu hệ thống quán nhậu Tự Do, có thể lý giải được phần nào việc đơn vị này thường xuyên vi phạm.
Thanh Giang - Trang Nhung
08:00 21/11/2024Thành Nam
18:43 20/11/2024Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh
08:00 20/11/2024Nam Dũng
07:30 20/11/2024Công Thắng - Bạch Vân
07:30 20/11/2024Thái Hải
Công Thắng - Thành Nam
Thái Hải
LA
Phương Anh
Công Thắng - Bạch Vân
Kim Thành
Phương Anh