Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đẩy người dân vào chốn đường cùng?

Nguyên Dũng-Chí Cường

Thứ tư, 15/06/2022 - 22:13

(Thanh tra) - Bản án phúc thẩm số 422/2010/HC-PT ngày 12/4/2010 của TAND TP Hồ Chí Minh có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 12 năm qua, UBND quận 7 không thi hành án. Điều này đã gây ảnh nghiêm trọng đến quyền và lợi hợp pháp của gia đình ông Trần Văn Thân.

Bản án 422/2010/HC-PT ngày 12/4/2010 của TAND TP Hồ Chí Minh đã có hiệu lực nhưng 12 năm qua, gia đình bà Nguyễn Thị Biền (vợ của ông Trần Văn Thân) vẫn mòn mỏi chờ đợi cơ quan chức năng quận 7 thi hành án. Ảnh: Nguyên Dũng

Đất hợp pháp của gia đình nhưng bị cho là đất…lấn chiếm

Bà Nguyễn Thị Biền (90 tuổi) cho biết, chồng bà là ông Trần Văn Thân nguyên là cán bộ của Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh).

Sau ngày 30/4/1975, được cơ quan giới thiệu, vợ chồng bà cùng các con chuyển đến xây nhà, ở ổn định tại khu đất có địa chỉ 61/1, ấp 2, xã Phú Mỹ Tây, huyện Nhà Bè (nay là 68/1A, khu phố 4, phường Phú Thuận, quận 7, TP Hồ Chí Minh). Đây là khu đất rộng 2.880m2, do vợ chồng ông Thân nhận chuyển nhượng lại từ ông Trần Tô (ngụ tại địa phương) từ ngày 26/1/1975 bằng giấy tờ viết tay.

Tháng 12/1975, Ban An ninh và UBND xã Phú Mỹ Tây ký hồ sơ xác nhận cho gia đình ông Thân cư ngụ tại địa điểm trên.

Năm 1977, gia đình ông Thân đăng ký đất đai lần 1 và năm 1999 tiếp tục đăng ký nhà ở, đất với diện tích 2.430m2 (trong tổng số 2.880m2 đang sử dụng).

Trong quá trình sử dụng đất từ năm 1975 đến trước thời điểm nhà đất bị thu hồi (năm 2007), gia đình ông Thân sinh sống ổn định, thực hiện tốt nghĩa vụ tài chính, hàng năm đều đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước.

Những ngôi nhà của gia đình Trần Văn Thân trước thời điểm bị cưỡng chế, tháo dỡ. Ảnh chụp năm 2008. Ảnh: Gia đình cung cấp

Năm 2001 (trước khi đất bị thu hồi), vì nhu cầu bức thiết (các con lập gia thất, cần nơi ở riêng) nên ông Thân đã xây thêm 3 căn nhà khác cho 3 người con trên khu đất của gia đình. Tổng cộng 4 căn nhà đứng tên 4 người với 4 hộ khẩu khác nhau gồm: Hộ ông Trần Văn Thân, Trần Thị Bích Dung, Trần Thị Bích Phượng, Trần Thị Bích Lệ.

Năm 2001 và thời gian sau, trong quá trình sinh sống ổn định tại khu đất trên, ông Thân cùng các con đã nhiều lần làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đều bị cơ quan chức năng quận 7 từ chối với lý do khu đất trên đã nằm trong diện bị thu hồi cho Công ty TNHH Vận tải Bình Thuận thuê làm dự án theo Quyết định số 1115/QĐ-TTg ngày 22/8/2001 của Thủ tướng Chính phủ.

Khu đất gia đình ông Thân và các con ông ở ổn định hơn 26 năm qua (từ năm 1975 đến trước thời điểm bị thu hồi đất, năm 2001) có đầy đủ tính pháp lý rõ ràng như trên nhưng tại Công văn số 03/CV-UB-QLĐT ngày 2/1/2001 của UBND quận 7 lại cho rằng toàn bộ khu đất trên là đất công, do Nhà nước quản lý. Trong thời gian Nhà nước chưa khai thác, sử dụng, ông Thân đã lấn chiếm đất công, cất nhà tạm trú trên đất của Nhà nước.

Cơ quan chức năng quận 7 đưa nhân lực, máy móc vào cưỡng chế tháo dỡ 4 căn nhà của ông Thân và các con ông. Ảnh (chụp năm 2008): Gia đình cung cấp

Công văn 03/CV-UB-QLĐT cũng nêu rõ, khu đất Nhà nước thu hồi bàn giao lại cho doanh nghiệp làm dự án là đất công nên yêu cầu gia đình ông Thân phải di dời, trả lại đất đã lấn chiếm.

Tiếp đó, tại Quyết định số 175/QĐ-UBND ngày 13/11/2007 của UBND quận 7 cho rằng, khu đất trên là đất công do gia đình ông Thân chiếm dụng, chưa được cơ quan chức năng công nhận quyền sử dụng đất nên không được đền bù theo quy định. UBND quận 7 chỉ cho nhận tiền “hỗ trợ” thiệt hại về đất, hoa màu, vật kiến trúc trên diện tích 450m2 đất và căn nhà ông Thân đứng tên chủ hộ. Phần diện tích đất còn lại 2.430m2 và 3 căn nhà kiên cố (do 3 người con đứng tên chủ hộ) vì bị cho là đất lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất công nên không được nhận đền bù, hỗ trợ theo quy định.

Không thi hành án

Không đồng tình với Quyết định số 175/QĐ-UBND ngày 13/11/2007 của UBND quận 7, ông Trần Văn Thân làm đơn khởi kiện ra tòa.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 12/4/2010, TAND TP Hồ Chí Minh chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn Thân.

Tòa xác định, đối với trường hợp 450m2 đất (có xây nhà trên đất) của gia đình ông Thân đã được UBND xã Phú Mỹ Tây (huyện Nhà Bè cũ) xác nhận là đất ở ổn định từ trước năm 1988, không có tranh chấp, có đăng ký kê khai từ năm 1977 nên là đất ở hợp lệ, được bồi thường theo quy định pháp luật.

Việc UBND quận 7 ra Quyết định 175/QĐ-UBND về việc “hỗ trợ giải phóng mặt bằng” đối với gia đình ông Thân mà không áp dụng bồi thường theo quy định là không phù hợp.

Mặt khác, tại thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thu hồi đất (năm 2001) thì UBND quận 7 không tiến hành thống kê, xác định tổng diện tích đất thực tế sử dụng ổn định là bao nhiêu, mà lại “áp đặt” gia đình ông Thân sử dụng diện tích đất “bất hợp pháp” là 450m2, từ đó “hỗ trợ” phần diện tích này mà không tiến hành bồi thường theo quy định là không phù hợp vì căn cứ vào hồ sơ, năm 1999, UBND phường Phú Thuận đã xác nhận gia đình sử dụng diện tích 2.430m2, có đóng thuế nhà đất theo các biên lai thu thuế.

Sau khi cưỡng chế thu hồi đất giao cho Công ty TNHH Vận tải Bình Thuận làm dự án “cơ sở dịch vụ sửa chữa phương tiện vận tải xăng dầu” , đơn vị này sử dụng sai mục đích, biến thành bãi cho thuê đỗ xe, giữ xe, rửa xe, sửa chữa ô tô, xưởng sản xuất cửa kính, cửa kéo. Ảnh: Nguyên Dũng.

Ngoài ra, Quyết định 175/QĐ-UBND của UBND quận 7 đã “tính gộp” số tiền hỗ trợ của 4 hộ với 4 căn nhà (gồm hộ ông Thân và 3 hộ các con của ông) rồi giao cho ông Thân mà không tách riêng để giao cho từng hộ là không đúng.

Bên cạnh đó, tòa cũng xác định việc đền bù, hỗ trợ dự án chậm thực hiện đối với gia đình ông Thân là lỗi của cơ quan Nhà nước nên việc áp giá bồi thường, hỗ trợ giá đất cho ông là phải tại thời điểm bồi thường. Việc UBND quận 7 áp giá dựa theo Quyết định 05/QĐ-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh để tính giá đất 50.000 đồng/m2 (đối với đất nông nghiệp) mà không áp dụng giá đất tại thời điểm ban hành Quyết định 175/QĐ-UBND (ngày 13/11/2007) với giá 2.100.000 đồng/m2 là không phù hợp.

Từ những cơ sở pháp lý trên, Bản án phúc thẩm số 422/2010/HC-PT ngày 12/4/2010, TAND TP Hồ Chí Minh quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn Thân, hủy Quyết định 175/QĐ-UBND ngày 13/11/2007 của UBND quận 7.

Liên quan đến vụ việc, ngày 14/6/2022, trao đổi với PV Báo Thanh tra, bà Trần Thị Bích Lệ (51 tuổi, con gái của ông Thân) nói: “Năm 2008, trong lúc gia đình tôi đang làm đơn khiếu nại Quyết định 175/QĐ-UBND của UBND quận 7 thì đơn vị này tiếp tục ra quyết định cưỡng chế, rồi tiếp đó đưa người, máy móc đến tháo dỡ toàn bộ 4 căn nhà trên đất của gia đình. Bị phá nhà, thu đất, 4 hộ gia đình tôi gồm tổng cộng hơn 20 nhân khẩu lâm vào hoàn cảnh khó khăn, cùng đường, phải làm đủ nghề để kiếm sống và trả tiền thuê mướn nơi ở mới”.

Vì sao Bản án 422/2010/HC-PT ngày 12/4/2010 của TAND TP Hồ Chí Minh đã có hiệu lực nhưng 12 năm qua, mặc gia đình ông Trần Văn Thân gửi đơn khắp nơi nhưng UBND quận 7 vẫn không thi hành án?  Câu trả lời xin dành lại cho các cơ quan chức năng liên quan của TP Hồ Chí Minh.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lấn chiếm vỉa hè để bàn nhậu, quán nhậu Tự Do nói do khách tự kê bàn

Lấn chiếm vỉa hè để bàn nhậu, quán nhậu Tự Do nói do khách tự kê bàn

(Thanh tra) - Theo đại diện quán nhậu Tự Do, hiện trạng bàn nhậu lấn chiếm vỉa hè có thể do khách kê ra. Còn chính quyền thường xuyên nhắc nhở, có những thời điểm đã bị phạt hành chính. Ở khía cạnh khác, nếu nhìn vào con số tăng trưởng về nguồn vốn, tài sản, doanh thu của chủ sở hữu hệ thống quán nhậu Tự Do, có thể lý giải được phần nào việc đơn vị này thường xuyên vi phạm.

Thanh Giang - Trang Nhung

08:00 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm