Thừa nhận cung cấp, lắp đặt sản phẩm cũ

Ngày 26/6/2018, Công ty Nam Phương (Bên A - có địa chỉ tại số 2, B2, ngõ 40 đường Xuân La, p. Xuân Tào, Q. Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội do ông Nguyễn Đình Tuấn làm Tổng Giám đốc) và Công ty Đức Thành (Bên B - có địa chỉ tại Phòng 2304, Tòa nhà Licogi 13, đường Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP Hà Nội do ông Hoàng Ngọc Thanh làm Tổng Giám đốc) kí kết Hợp đồng kinh tế số 08/2018/HĐKT/NP-ĐT mua bán dây chuyền sản xuất gạch không nung DET 500 với tổng số tiền là 7.649.104.000 đồng (đã bao gồm VAT).

Thực hiện Điều 3 của Hợp đồng, Công ty Nam Phương đã tạm ứng cho Công ty Đức Thành 40% giá trị Hợp đồng, với số tiền 3.059.600.000đ.

leftcenterrightdel
 Hợp đồng kinh tế giữa Công ty TNHH Nam Phương và Công ty cổ phần đầu tư và công nghệ Đức Thành

Thế nhưng, Công ty Đức Thành không thực hiện đúng cam kết, lắp đặt dây chuyền sản xuất chậm 45 ngày so với giao kết giữa 2 bên; dây truyền không đảm bảo chất lượng và thiết bị không đúng tiêu chuẩn như nội dung 2 bên đã ký kết, thỏa thuận.

Khi Công ty Nam Phương cho chạy thử thì dây truyền DET 500 không vận hành được, thiết bị cung cấp không đúng tiêu chuẩn như Hợp đồng đã ký kết, cụ thể như sau: “Trực quan quan sát cho thấy, thiết bị sơn cũ, nhiều chỗ sơn lại, vỏ máy sứt mẻ, không nguyên hình cơ học, khuôn máy nhiều cát, đá nhỏ dính chặt”.

Ngày 25/12/2018, Công ty Nam Phương đã lập Biên bản hiện trạng và yêu cầu Công ty Đức Thành xem xét xử lý, nhưng thay vì thừa nhận đúng hiện trạng, Công ty Đức Thành trả lời là dây chuyền đồng bộ, đảm bảo mới.

Để làm rõ vấn đề này, Công ty Nam Phương đã đề nghị Công ty cổ phần xây lắp và ứng dụng công nghệ (Bên thẩm định) tiến hành thẩm định dây chuyền do Công ty Đức Thành cung cấp.

Căn cứ vào hồ sơ thiết kế chế tạo máy và giấy tờ hải quan do Công ty Đức Thành cung cấp, đối chiếu với thực tế tại hiện trường lắp đặt thiết bị, tại Báo cáo khảo sát đánh giá thực trạng dây chuyển sản xuất gạch không nung của Bên thẩm định đã thể hiện: Quan sát bằng mắt thường thấy Pittong thủy lực bị xước (điều này không cho phép trong hệ thống thủy lực); Các cột dẫn hướng không được cung cấp chất bôi trơn bằng dầu hoặc vú mỡ; Bộ phận đẩy bàn máy lên, phát hiện ¼ xy lanh không bôi trơn nên tạo tiếng rít trong quá trình vận hành; Một số bộ phận kết cấu không hợp lý, không đúng theo bản vẽ; Đầu máy khung ép chính có gia công chỉnh sửa lại; Cụm xiết ty đai đốc không đảm bảo yêu cầu kĩ thuật; Bản vẽ phần tạo lỗ khuôn 50 viên, trong khi đó chày ép chỉ có 32 viên, không đồng bộ; Hệ thống dầu bị rò rỉ. Hệ thống điện - tự động hóa chưa được hoàn thiện hết; Hoạt động của hệ thống điện - điều khiển chưa được tối ưu hóa, nếu hoạt động lâu dài hệ thống sẽ không đáp ứng được; cần xem lại chi phí điện năng khi hoạt động hệ thống, sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản xuất trên mỗi đơn vị gạch.

Sau khi thẩm định, ngày 04/3/2019, Tổng giám đốc Công ty Đức Thành Hoàng Ngọc Thanh đã ký biên bản làm việc với Công ty Nam Phương, thừa nhận dây chuyền DET 500 cung cấp cho Công ty Nam Phương tại xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội là dây chuyền cũ, không đồng bộ, không mới 100%. Hồ sơ thiết kế máy không đúng với thực tế như dây chuyền đã sản xuất, lắp đặt tại nhà máy cho Công ty Nam Phương.

Có “dấu hiệu” lừa đảo chiếm đoạt tài sản (!?)

Theo khoản 6.2 Điều 6 của Hợp đồng, Công ty Đức Thành phải có tránh nhiệm “cung cấp đầy đủ, đúng số lượng, chủng loại, chất lượng, đúng tiến độ máy móc thiết bị và vật tư theo những cam kết đã nêu trong Hợp đồng”. Ngoài ra, tại Khoản 7.1 Điều 7 của Hợp đồng cũng nêu rõ: “Bên B cam kết cung cấp cho bên A thiết bị của Hợp đồng mới 100%, chất lượng thiết bị và các linh phụ kiện thay thế tốt, đúng theo các tiêu chuẩn đã quy định. Nếu Bên A phát hiện các thiết bị của Bên B cung cấp có kém chất lượng, không đúng tiêu chuẩn đã nêu, Bên B phải chịu trách nhiệm thay thế thiết bị mới đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật và chất lượng”.

Tuy nhiên thực tế thì Công ty Đức Thành đã lắp đặt dây chuyền cũ, không đúng với thỏa thuận trong Hợp đồng.

leftcenterrightdel
 Tổng giám đốc Công ty Đức Thành đã ký biên bản thừa nhận dây chuyền DET 500 cung cấp cho Công ty Nam Phương là dây chuyền cũ, không đồng bộ 

Do đó, căn cứ Khoản 6.1 Điều 6 của Hợp đồng, Công ty Nam Phương yêu cầu Công ty Đức Thành đình chỉ, thanh lý Hợp đồng số 08/2018/HĐKTVNP-ĐT và đề nghị Tổng giám đốc Công ty Đức Thành trả lại số tiền đã tạm ứng là 3.059.600.000đ, đồng thời, tháo dỡ hệ thống dây chuyền lỗi và tính toán bồi thường thiệt hại cho Công ty Nam Phương.

Thế nhưng, Công ty Đức Thành đã cố tình trì hoãn, bất hợp tác, không phối hợp với Công ty Nam Phương khắc phục, giải quyết hậu quả mình gây ra cũng như không hoàn lại tiền tạm ứng mà Công ty Đức Thành đã nhận.

Trong đơn tố cáo gửi Báo Thanh tra, Công ty Nam Phương cung cấp thông tin về "nguồn gốc" của Dây chuyền DET 500 mà Công ty Đức Thành lắp đặt cho Công ty Nam Phương không phải là dây chuyền nhập khẩu mới, chính là Dây chuyền cũ mà Công ty Đức Thành đã lắp đặt cho doanh nghiệp khác (Công ty Hưng Long, xã Trung Minh,  TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) nhưng do không vận hành được nên đã phải tháo ra và "đắp chiếu" tại Nhà máy gạch của Công ty Hưng Long (Công ty Hưng Long đã buộc Công ty Đức Thành nhập dây chuyền về lắp đặt cho Công ty Hưng Long để vận hành, đưa vào sử dụng).

Tháng 6/2018, từ mối quan hệ thân quen, ông Luân - cán bộ kinh doanh của Công ty Đức Thành đã sắp xếp để Công ty Nam Phương tham quan Nhà máy gạch của Công ty Hưng Long. Tại đây, ông Luân đã cho đại diện Công ty Nam Phương gặp một người tên là Khoa và  giới thiệu là chủ của nhà máy gạch Hưng Long (thực chất ông Khoa là công nhân kỹ thuật của Công ty Đức Thành) đang có mặt tại Công ty Hưng Long để sửa chữa máy. Với tư cách "giả danh" là chủ của Công ty Hưng Long, ông Khoa cung cấp thông tin "máy DET 500 lắp đặt tại đây, hôm nay không chạy do đang thay khuôn, thời gian vừa qua máy chạy rất tốt và rất hiệu quả".

Sau khi được tham quan, giới thiệu như trên, Công ty Nam Phương đã tin tưởng theo "màn kịch" mà Công ty Đức Thành sắp đặt, nên đã ký Hợp đồng đặt mua, lắp đặt dây chuyền sản xuất gạch nung DET 500 với Công ty Đức Thành. 

Sau khi ký Hợp đồng, Công ty Đức Thành đã vận chuyển máy DET 500 cũ không sử dụng được đã nói ở trên về nhà máy của mình tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh để gia cố lại và đưa ra Hà Nội lắp đặt cho Công ty Nam Phương.

Ngoài ra, các phụ kiện khác kèm theo được ghi nhận tại Hợp đồng như máy Palets tự động, máy xếp gạch lên Palet tự động, Công ty Đức Thành cung cấp, lắp đặt là máy nhập khẩu nhưng thực tế là máy do Công ty Đức Thành lấy máy cũ "mông má" lại tại Việt Nam.

Công ty Nam Phương cho rằng toàn bộ chứng từ, hóa đơn đầu vào của dây chuyển DET 500 mà Công ty Đức Thành cung cấp cho Công ty Nam Phương là không đúng sự thật, hồ sơ giả mạo và có dấu hiệu lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của Công ty Nam Phương.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Công ty Nam Phương Nguyễn Đình Tuấn cho rằng Công ty Đức Thành đã có sự tính toán lừa đảo ngay từ đầu giao dịch với âm mưu thủ đoạn có kế hoạch, có tổ chức. Chính vì sự lừa đảo của Công ty Đức Thành mà trong 3 năm qua Công ty Nam Phương rơi vào tình cảnh khốn đốn, không chỉ thiệt hại về kinh tế khi phải tạm ứng cho Công ty Đức Thành hơn 3 tỷ đồng và nhiều khoản chi phí liên quan (tiền thuê mặt bằng mỗi năm 200 triệu đồng, tiền thuê nhân công, đàu tư xây dựng nhà xưởng trên 8 tỷ đồng...) mà còn mất đi những cơ hội kinh doanh và còn ảnh hưởng đến uy tín với các bạn hàng. Thiệt hại của Công ty Nam Phương do Công ty Đức Thành gây ra là rất lớn.  

Thiết nghĩ, đây là vụ việc xuất phát từ 01 hợp đồng kinh tế, thông thường, nếu xảy ra tranh chấp thì sẽ do Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là Công ty Đức Thành mặc dù biết là dây chuyền DET 500 cũ, không vận hành được và đang bị "đắp chiếu", nhưng vẫn tìm cách để cung cấp, lắp đặt dây chuyền cũ này cho Công ty Nam Phương thông qua Hợp đồng đã ký kết là dây chuyền mới, gây thiệt hại về kinh tế nhiều tỷ đồng của Công ty Nam Phương, trong đó có hơn 3 tỷ đồng mà Công ty Đức Thành đã nhận tạm ứng.

Do đó, đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành điều tra, xác minh làm rõ nội dung tố cáo của Công ty Nam Phương để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Báo Thanh tra sẽ theo dõi và thông tin đến bạn đọc.

 Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm...

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.


Nhóm PV