Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Cầu cứu” Chủ tịch UBND tỉnh vì bị “ép” đóng thêm phí?

Văn Thanh

Thứ tư, 07/08/2024 - 08:00

(Thanh tra) - Cho rằng việc thay chủ thể cung cấp nước nhằm mục đích “ép” các doanh nghiệp ký lại hợp đồng cấp nước để thu thêm khoản khoản phí quản lý hạ tầng, nếu không sẽ cắt nước vĩnh viễn, hàng chục doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp Tây Bắc Ga giai đoạn 2 làm đơn “cầu cứu” gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh và các ban, ngành chức năng…

Hiện nay, tại các doanh nghiệp, đang tồn tại công tơ nước của Công ty Cổ phần Cấp nước Thanh Hóa (công tơ nước cũ) và công tơ nước của Công ty Phục Hưng (công tơ nước mới). Ảnh: VT

Thay chủ thể cấp nước khi chưa thanh lý hợp đồng

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh tại Khu Công nghiệp Tây Bắc Ga giai đoạn 2, TP Thanh Hóa: Hiện các doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng thuê đất gắn với cơ sở hạ tầng tại Khu Công nghiệp Tây Bắc Ga giai đoạn 2 với Công ty Cổ phần FUHUCORP (nay là Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Phục Hưng (gọi tắt là Công ty Phục Hưng) với hình thức thu tiền một lần trong suốt thời gian 50 năm thuê.

Nội dung hợp đồng thể hiện cơ sở hạ tầng bao gồm đường, mạng lưới cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc, hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh.

Công ty Phục Hưng có trách nhiệm hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục cần thiết để được cấp điện, nước, thông tin liên lạc phục vụ sản xuất, đồng thời có nghĩa vụ phải sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng ngoài phạm vi, địa điểm của bên thuê, đảm bảo cơ sở hạ tầng luôn trong tình trạng sử dụng bình thường.

"

Ông Nguyễn Công Lịch, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thảo Hà, Khu Công nghiệp Tây Bắc Ga giai đoạn 2, TP Thanh Hóa, phản ánh những bức xúc của doanh nghiệp. Video: Văn Thanh

Trước khi ký kết hợp đồng thuê đất gắn với cơ sở hạ tầng, hai bên đã thỏa thuận như nêu ở trên, từ năm 2014 đến nay, các doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp Tây Bắc Ga giai đoạn 2 ký hợp đồng mua nước với bên thứ ba là Công ty Cổ phần Cấp nước Thanh Hóa. Trong quá trình ký kết hợp đồng cung cấp nước, những năm qua, các doanh nghiệp ở đây đều đóng tiền đầy đủ, không vi phạm hợp đồng cấp nước. Thế nhưng, bất ngờ ngày 20/4/2024, Công ty Cổ phần Cấp nước Thanh Hóa có thông báo về việc chuyển đổi đơn vị cấp nước đối với khách hàng sang cho Công ty Phục Hưng.

Từ khi chuyển giao cho chủ thể đơn vị cấp nước, các doanh nghiệp không biết đóng tiền nước cho đơn vị nào. Ảnh: VT

Sau đó, ngày 25/4/2024, Công ty Phục Hưng đã gửi Công văn số 114/CV-TPH cho các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Tây Bắc Ga giai đoạn 2 về việc ký hết hợp đồng dịch vụ cấp nước mới. Trong đó có nội dung “Hiện Nhà máy Nước Thanh Hóa đã bàn giao trả lại hệ thống cấp nước cho Công ty Phục Hưng, do đó đã thay đổi chủ thể cấp cấp nước và yêu cầu các doanh nghiệp đến Công ty Phục Hưng để ký hợp đồng cấp nước từ ngày 2/5/2024 đến ngày 8/5/2024”.

Đến nay, chỉ một số doanh nghiệp ký kết hợp đồng cung cấp nước với Công ty Phục Hưng, còn lại đa số phản đối và chưa ký hợp đồng cấp nước vì cho rằng việc chuyển giao sang cho chủ thể mới cung cấp nước, lẽ ra hợp đồng cũ giữa Công ty Cổ phần Cấp nước Thanh Hóa phải được thanh lý với các doanh nghiệp trước khi bàn giao sang cho chủ thể mới.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cho rằng, Công ty Phục Hưng đã “lợi dụng” hợp đồng cung cấp nước, đưa thêm điều khoản “ép” các doanh nghiệp phải đóng thêm khoản phí “quản lý hạ tầng”, nếu không sẽ cắt nước vĩnh viễn, là không hợp lý, không đúng quy định của pháp luật.

“Ép” các doanh nghiệp đóng phí, nếu không sẽ cắt nước vĩnh viễn

Theo quan sát của phóng viên Báo Thanh tra tại hiện trường khu công nghiệp, mặc dù nhiều doanh nghiệp chưa ký lại hợp đồng cung cấp nước với Công ty Phục Hưng. Hiện nay, công ty này đang cho người tiến hành đào vỉa hè, lắp đặt các công tơ đo đếm nước phía ngoài trụ sở doanh nghiệp, nên đã gặp sự phản ứng gay gắt. Do đó, đang tồn tại hai công tơ đo đếm nước và các doanh nghiệp không biết phải thanh toán tiền nước cho bên nào. Hiện đã gần 3 tháng các doanh nghiệp chưa biết đóng tiền nước cho ai, kể từ khi Công ty Cổ phần cấp nước Thanh Hóa chuyển giao cho đến nay.

Tìm hiểu thông tin trên hợp đồng dịch vụ cấp nước của Công ty Phục Hưng đã ký với một doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Tây Bắc Ga giai đoạn 2, thì tại điều 5 hợp đồng liên quan đến “quyền và nghĩa vụ của mỗi bên” trong đó có đoạn ghi “Bên A (Công ty Phục Hưng) được phép yêu cầu khách hàng ký hợp đồng thu phí quản lý hạ tầng, phải thanh toán phí quản lý hạ tầng khu công nghiệp. Bên A sẽ dừng dịch vụ cấp nước “vĩnh viễn” đối với bên B khi không chấp hành đầy đủ các quy định này".

"

Ông Nhữ Mai Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Đức Dũng Chi, Khu Công nghiệp Tây Bắc Ga giai đoạn 2, TP Thanh Hóa. Video: Văn Thanh

Trước những bức xúc này, cộng đồng doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp Tây Bắc Ga giai đoạn 2, gồm hơn 60 doanh nghiệp đã đóng dấu gửi đơn kiến nghị “cầu cứu” khẩn cấp đến Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan chức năng, đề nghị vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng chuyển giao việc cung cấp nước không đúng quy định, có dấu hiệu “ép” các doanh nghiệp ký các hợp đồng mua nước mới, trong đó có kèm thêm điều khoản thu phí quản lý hạ tầng...

Các địa điểm vỉa hè bên ngoài trụ sở các doanh nghiệp đang được Công ty Phục Hưng lắp đặp hệ thống công tơ đo đếm nước khác. Ảnh: VT

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Lê Sỹ Len, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Thanh Hóa cho biết: Năm 2014, Công ty Phục Hưng là đơn vị chủ đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp Tây Bắc Ga giai đoạn 2, trong đó có hệ thống cấp nước và bàn giao cho Công ty Cổ phần Cấp nước Thanh Hóa sử dụng, ký hợp đồng cung cấp nước cho các doanh nghiệp. Gần 10 năm qua, mọi việc mua bán diễn ra bình thường, mối quan hệ giữa các đơn vị tốt, tiền nước thanh toán đầy đủ.

Năm 2023, cơ quan chức năng kiểm tra phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở Khu Công nghiệp Tây Bắc Ga giai đoạn 2 không đảm bảo, Công ty Phục Hưng yêu cầu Công ty Cổ phần Cấp nước Thanh Hóa phải hoàn trả lại hệ thống cấp nước để sửa chữa PCCC. Công ty Cổ phần cấp nước Thanh Hóa không dừng cấp nước cho các doanh nghiệp ở đây mà chỉ bàn giao lại cơ sở hạ tầng cấp nước cho Công ty Phục Hưng và thay đổi chủ thể ký hợp đồng cung cấp nước.

Từ trước đến nay, giá nước, hợp đồng cung cấp nước ký với khách hàng đều theo mẫu đã được Sở Công thương quy định, chứ không thể tự ý thêm bớt các điều khoản khác vào hợp đồng được. Phản ánh của các doanh nghiệp về việc Công ty Phục Hưng cho thêm điều khoản thu phí bảo dưỡng hạ tầng vào hợp đồng cấp nước là không đúng quy định của pháp luật. Còn việc các doanh nghiệp phản ánh về việc đã ký hợp đồng thuê đất gắn với cơ sở hạ tầng và đã đóng tiền 50 năm cho Công ty Phục Hưng, trong đó có cả hệ thống cấp nước, thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị mà cơ quan chức năng phải vào cuộc thanh tra, kiểm tra để phán xét.

“Nếu Công ty Phục Hưng đồng ý cho đơn vị tiếp tục quay lại cấp nước thì đơn vị sẵn sàng thực hiện, chứ Công ty Cổ phần Cấp nước Thanh Hóa không có “thỏa thuận ngầm” nào như trong đơn các doanh nghiệp đã kiến nghị lên Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa”, ông Len nói.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thương mại Nhật Anh: Có thời điểm hơn 73% tài sản nằm ngoài công ty, doanh thu vài trăm tỷ, lãi vài trăm triệu đồng

Thương mại Nhật Anh: Có thời điểm hơn 73% tài sản nằm ngoài công ty, doanh thu vài trăm tỷ, lãi vài trăm triệu đồng

(Thanh tra) - Với số lao động đăng ký vỏn vẹn có 5 người, tuy nhiên ít ai biết rằng, trong khoảng 2 năm qua, Thương mại Nhật Anh là nhà thầu quen mặt tại Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, khi doanh nghiệp chỉ tham gia các gói thầu do Ban Duy ty mời thầu.

Thanh Giang

08:00 15/01/2025

Tin mới nhất

Xem thêm