3 công ty gồm: Công ty Dragon Technologies, Công ty Cổ phần Công nghệ Vietnam New Life (trụ sở tại số 32A, Khe Sanh, tổ 3, phường 10, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) và Công ty TNHH QTV Diamond Solution tại (địa chỉ số 97D đường Á, khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, xã Vĩnh Hiệp, Nha Trang, Khánh Hòa) bị Công ty Cổ phần Tâm Đạt tố đã sao chép các phần mềm DiHotel, DiPOS, DiACC, DiHRM… của Công ty Tâm Đạt đã được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

Điều đáng nói là những giám đốc đứng ra thành lập các công ty này đều là nhân viên cũ của Công ty Cổ phần Tâm Đạt. Có trường hợp chưa chấm dứt hợp đồng nhưng vẫn âm thầm lập công ty, sao chép phần mềm, dữ liệu khách hàng, khai thác các công nghệ, kỹ thuật và cung cách quản lý, kinh doanh các phần mềm…

Không chứng minh được phần mềm do mình sản xuất vẫn ngang nhiên sử dụng kinh doanh thu lợi?

Sự việc đến nay đã được thanh tra và Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vào cuộc xử lý, tạm ngưng xem xét cấp bản quyền cho Công ty Cổ phần Dragon Technologies, yêu cầu cung cấp các văn bản chứng minh phần mềm bị tố sao chép do mình sáng tạo, phát triển.

Cụ thể, từ ngày 23/9/2022, Cục Bản quyền tác giả đã có Thông báo số 13/TB-ĐKQTGQLQ yêu cầu ông Hoàng Quang Vinh và Hoàng Anh Tuấn thuộc Công ty Dragon Technologies cung cấp các thông tin chứng minh quá trình độc lập sáng tạo, không sao chép từ tác phẩm của cá nhân hay tổ chức khác, không vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, tại văn bản trả lời Cục Bản quyền tác giả, Công ty Dragon Technologies vẫn chưa thể hiện được các bằng chứng chứng minh phần mềm trên là do đơn vị của mình đầu tư sáng tạo. 

leftcenterrightdel
 Hình ảnh quảng bá phần mềm Công ty Dragon Technologies. Ảnh: Bằng An

Đại diện Công ty Cổ phần Tâm Đạt bức xúc: Trong khi Cục Bản quyền tác giả đang làm rõ, để xử lý dứt điểm thì các công ty trên vẫn ngang nhiên sử dụng các phần mềm bị tố đạo nhái, sao chép trái phép, mở rộng hoạt động kinh doanh, bất chấp qui định pháp luật về sở hữu trí tuệ. Đơn vị Tâm Đạt sản xuất, sáng tạo các phần mềm mất hàng chục năm, tốn chi phí hàng tỷ đồng, đã đăng ký bản quyền tác giả trong nhiều năm nhưng hiện đang bị thiệt hại nặng nề do các công ty trên ăn cắp phần mềm rồi tổ chức bán, kinh doanh rầm rộ. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Sở hữu trí tuệ. Chúng tôi đã có các đơn kiến nghị, yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý rốt ráo vụ việc, ngăn chặn hành vi của 3 công ty trên.

Trước đó, thông tin trên báo chí, ông Hoàng Quang Vinh, Giám đốc Công ty Dragon Technologies khẳng định: “Những nội dung phản ánh của Công ty Cổ phần Tâm Đạt là hoàn toàn sai sự thật bởi toàn bộ sản phẩm PMSPROUD là do Công ty Dragon Technologies phát triển từ những trang giấy trắng lên cho đến khi hình thành sản phẩm. Hơn nữa Công ty Dragon Technologies phát triển phần mềm trên tảng nền webpack chạy trên nền web ví dụ Safari hay Google Chrome bật lên là sử dụng được”.

Bên cạnh đó, ông Vinh còn cho rằng, phía Công ty Cổ phần Tâm Đạt tố cáo Công ty Dragon Technologies thì phải có bằng chứng. “Bên Dragon Technologies sẵn sàng mời Công ty Tâm Đạt thuê đơn vị thứ 3, trung gian là cơ quan thẩm định, phân tích về dữ liệu, giao diện xem có gì giống nhau không. Vì vậy, tôi khẳng định phản ánh của bên Công ty Cổ phần Tâm Đạt là sai sự thật, không có bằng chứng hay chứng cứ gì hết...”.

Cần ngăn chặn hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Sở hữu trí tuệ

Theo phản ánh, việc làm vi phạm pháp luật của Công ty Dragon Technologies đã bị một số doanh nghiệp phát hiện và hủy ngay hợp đồng. Tuy nhiên việc làm này đã bôi nhọ danh dự, uy tín và gây thiệt hại nghiêm trọng cho Công ty Cổ phần Tâm Đạt. 

Theo Công ty Cổ phần Tâm Đạt, mặc dù Công ty Dragon Technologies không được cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả, nhưng vẫn ngang nhiên in và phát tán các tờ rơi quảng bá ở nhiều khách sạn, giới thiệu, quảng bá phần mềm của Công ty Cổ phần Tâm Đạt để thu lợi ở nhiều địa phương như Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).

Mặt khác, theo tìm hiểu của Công ty Cổ phần Tâm Đạt, nhằm qua mặt cơ quan chức năng, các cá nhân của 3 công ty trên đã tiếp tục sử dụng một số pháp nhân công ty khác khai trương, mở rộng kinh doanh phần mềm thuộc quyền sở hữu của Công tyCổ phần Tâm Đạt. Đây là hoạt động tinh vi, nhằm tiếp tục sử dụng trái phép phần mềm. Vì vậy, các hành vi này cần được cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc ngăn chặn và xử lý dứt điểm.

Theo luật sư Nguyễn Mạnh Linh, Công ty Luật Tân Đại Thịnh và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP HCM, kiến nghị khẩn cấp cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, ngăn chặn 3 công ty: Công ty Dragon Technologies, Công ty Cổ phần Công nghệ Vietnam New Life và Công ty TNHH QTV Diamond Solution là hoàn toàn chính đáng, nhằm kịp thời bảo vệ quyền lợi về sở hữu trí tuệ đối với tài sản của mình.

Cục Bản quyền tác giả đã có văn bản tạm ngưng cấp bản quyền đối với Công ty Dragon Technologies cũng rất kịp thời. Tuy nhiên, từ tháng 9/2022 (thời điểm Cục Bản quyền tác giả và Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu Công ty Dragon Technologies chứng minh, các bằng chứng thể hiện các phần mềm do công ty này sản xuất), Công ty Dragon Technologies có văn bản trả lời vẫn chỉ dừng lại ở khẳng định chung chung là không sao chép, phân phối các sản phẩm của người khác, không đưa ra các bằng chứng cụ thể, thuyết phục, nhưng đến nay chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý là quá chậm trễ.

Mặt khác, nếu đúng theo phản ánh của Công ty Cổ phần Tâm Đạt là các công ty trên vẫn ngang nhiên quảng bá, kinh doanh phần mềm bị tố sao chép trong thời gian Cục Bản quyền tác giả vào cuộc xử lý, làm rõ thì thể hiện sự coi thường pháp luật, tiếp tục vi phạm ở mức độ cao hơn. Điều này, cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý kịp thời để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bên doanh nghiệp có sản phẩm phần mềm bị ăn cắp.

Không dừng lại ở đó, nếu cơ quan chức năng làm rõ những phản ánh, bằng chứng của Công ty Cổ phần Tâm Đạt đưa ra về hành vi ăn cắp, đạo nhái là đúng thực tế, thì các hành vi của những cá nhân trên đã cấu thành các dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đã đủ dấu hiệu cấu thành tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhất là đối với các bằng chứng tố cáo hành vi ký hợp đồng để phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm phần mềm phục vụ kinh doanh, thu lợi là yếu tố quan trọng để cấu thành tội phạm hình sự về xâm phạm bản quyền, quyền sở hữu. 

Cũng theo luật sư Nguyễn Mạnh Linh, ở khía cạnh chứng minh phần mềm bị sao chép, ăn cắp, theo quy định tại Khoản 3, Điều 49 của Luật Sở hữu trí tuệ thì phía doanh nghiệp có sản phẩm phần mềm đã được đăng ký bản quyền, sử dụng ổn định nhiều năm thì khi phát sinh tranh chấp, bị sao chép thì không có trách nhiệm phải chứng minh quá trình sản xuất, sáng tạo phần mềm bị đạo nhái. Trách nhiệm xác minh, làm rõ, xử lý cá nhân, tổ chức kinh doanh đạo nhái phần mềm thuộc về của Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và các cá nhân, công ty bị tố cáo có hành vi sao chép, ăn cắp phải chứng minh cụ thể, đầy đủ để quá trình sáng tạo, sản xuất sản phẩm đó.

Bằng An