Âm ỉ khai thác cát trái phép
Chỉ cần dọc theo những con đường dẫn vào các cánh rừng tràm thuộc địa bàn những xã Triệu Trạch, Triệu Vân, Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị là có thể bắt gặp những con đường hằn in vết bánh xe chở cát từ các điểm khai thác trái phép.
Từ điểm chỉ vài chục khối đã bị lấy đi đến những điểm khai thác rầm rộ trong suốt thời gian dài trước đó. Trong khi đó, toàn bộ khu vực này đều là đất lâm nghiệp trồng rừng sản xuất của người dân và có cả những diện tích thuộc khu vực đất rừng phòng hộ.
Nhiều điểm khai thác đã cũ để lại những hố hầm, nhưng cũng có rất nhiều điểm mới vẫn ngang nhiên khai thác theo hình thức nhỏ, lẻ. Theo thông tin phản ánh của người dân, trước đây, lợi dụng việc đào, cải tạo hồ nuôi tôm, các đối tượng múc cát mang đi bán cho một số đối tượng chuyên thu mua cát lậu. Sau khi “hình thức” này bị xử lý thì các đối tượng tổ chức khai thác lén lút vào ban đêm hoặc rạng sáng.
Chỉ cách UBND xã Triệu Trạch khoảng hơn 1km, quanh khu vực nghĩa địa là hàng loạt dấu vết của các loại bánh xe vào điểm khai thác cát trái phép. Những vết bánh xe để lại có thể thấy các đối tượng chỉ vừa mới khai thác trộm cát vào đêm trước và việc này đã diễn ra trong nhiều ngày qua. Xung quanh khu vực này là những hố, hầm cũ có, mới có, hậu quả để lại từ việc khai thác cát trái phép.
|
|
Những hố nước mà các đối tượng khai thác cát trái phép để lại. Ảnh: Minh Tân |
Không chỉ xung quanh các đường nhánh khu vực xã Triệu Trạch, dọc theo tuyến đường trung tâm Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị trải dài từ huyện Triệu Phong qua huyện Hải Lăng cũng xuất hiện những điểm khai thác cát trái phép. Nơi đây, các đối tượng khai thác với quy mô lớn và sử dụng máy múc. Việc chở cát ồ ạt, vương vãi cả ra tuyến đường trung tâm Khu Kinh tế Đông Nam.
Theo phản ánh của người dân, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, trong đó có cát trắng trên địa bàn huyện Triệu Phong diễn ra âm ỉ nhiều năm qua. Bởi, ngoài nhu cầu tăng cao thì các đối tượng khai thác trái phép thu một nguồn lợi lớn từ đây. Với mỗi xe (loại 8 tấn) có giá 200-300.000 đồng/xe tại khu vực khai thác, sau khi vận chuyển giá tăng lên nhiều lần. Vì thế, mỗi ngày khai thác trái phép, các đối tượng thu về hàng triệu đồng.
Điều đó, khiến các đồi cát, các khoảnh rừng tràm chi chít các hố hầm do các đối tượng khai thác cát trái phép để lại. Dù UBND huyện Triệu Phong đã ban hành nhiều văn bản nhằm chấn chỉnh, xử lý tình trạng này nhưng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.
Chính quyền xã ngó lơ?
Cách đó không xa, tại địa bàn xã Gio Mai, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra trong suốt thời gian dài nhưng chính quyền địa phương xử lý chậm trễ cũng như sự bức xúc của người dân.
Tháng 6/2024, người dân ở thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, phát hiện máy múc và xe ben khai thác cát trái phép ở vùng Trẹc tại đội 4, thôn Lâm Xuân.
Ông Nguyễn Tài Ánh (trú tại thôn Lâm Xuân) cho biết, các đối tượng đã ngang nhiên khai thác cát ở gần khu vực lăng mộ của dòng họ ông. Vị trí cát bị múc thành con mương dài khoảng 50m, rộng 4,7m và sâu 1,5m. Việc khai thác cát đã làm bật gốc, hư hại một số cây tràm do dòng họ Nguyễn Tài trồng từ nhiều năm trước, khiến nhiều người bức xúc.
Búc xúc trước sự việc trên, ông Ánh đã phản ánh đến chính quyền UBND xã Gio Mai. Thế nhưng, các đối tượng chỉ dừng lại việc khai thác ở khu vực gần lăng mộ của gia đình, tiếp tục đưa máy móc đến khai thác cách đó vài trăm mét.
“Đại diện hòng họ Nguyễn Tài, tôi gửi đơn kiến nghị lên UBND xã Gio Mai, chỉ rõ đối tượng và địa điểm khai thác cát trái phép vào ngày 21/6/2024, nhưng phải đến ngày 3/7/2024 UBND xã mới thành lập đoàn đi kiểm tra thực địa, và lập biên bản”, ông Ánh bức xúc.
|
|
Việc khai thác cát trái phép tại xã Gio Mai nhưng chính quyền xã xử lý chậm trễ và theo kiểu... ngó lơ. Ảnh: Minh Tân |
Trong khi đó, ông Hoàng Thanh Lương, Chủ tịch UBND xã Gio Mai cho biết, tại địa phương lâu nay có xảy ra trình trạng khai thác cát trắng trái phép, xã đã chỉ đạo lực lượng công an và các đơn vị phối hợp ngăn chặn. Để đối phó, các đối tượng khai thác vào thời điểm rạng sáng nên việc ngăn chặn, xử lý gặp khó khăn. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, UBND xã Gio Mai phát hiện khoảng 5 vụ khai thác cát trái phép nhưng chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở.
Về việc phản ánh của công dân Nguyễn Tài Ánh, ông Lương khẳng định đã kịp thời xử lý. Cụ thể, xã đã làm rõ ông Võ Quốc Khánh có hành vi khai thác cát trái phép thuộc thửa đất số 270, tờ bản đồ số 12 là đất hoang bằng chưa sử dụng do UBND xã quản lý. Vào ngày 12/7, chính quyền địa phương đã lập biên bản, đình chỉ và yêu cầu chủ phương tiện dừng mọi hoạt động khai thác cát, đưa các phương tiện ra khỏi vị trí trên. Đồng thời, buộc phải hoàn trả hiện trạng ban đầu mặt bằng tại khu vực đã lấy cát trước ngày 20/7.
Dù ông Chủ tịch UBND xã Gio Mai khẳng định là vậy, thế nhưng qua thực tế ghi nhận của phóng viên, các đối tượng khai thác cát trái phép không hề thực hiện việc hoàn trả hiện trạng ở khu vực khai thác cát trái phép mà còn tiếp tục khai thác cát trái phép công khai giữa ban ngày ở vùng Trẹc từ ngày 22/7 đến 25/7.
Sau đó, từ ngày 26/7 đến 27/7, các đối tượng chuyển sang khai thác đất cát trái phép ở khu vực ruộng cũng ở đội 4, thôn Lâm Xuân.
Có lẽ, với việc xử lý theo kiểu… ngó lơ cũng như chưa triệt để khiến tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra âm ỉ ở các huyện phía Đông của tỉnh Quảng Trị. Trong khi đó, vào tháng 5/2024, UBND tỉnh Quảng Trị có Văn bản số 2283/UBND-KT về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường công tác đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản.
Bài cuối: Giải pháp bảo vệ nguồn cát trắng trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia