Kết luận điều tra vụ án hình sự số 40/KLĐT-CSĐT ngày 8/11/2021 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Ninh Bình đề nghị truy tố các bị can: Đặng Văn Quang, Trần Xuân Thành, Đinh Minh Tiến, Nguyễn Ngọc Việt, Nguyễn Văn Quyền và Lê Hồng Phong về tội ““thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Khoản 3, Điều 360, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.

Các ông Đặng Văn Quang, Trần Xuân Thành, Đinh Minh Tiến, Nguyễn Ngọc Việt, Nguyễn Văn Quyền và Lê Hồng Phong đều là cán bộ, nhân viên của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam - Chi nhánh Ninh Bình (viết tắt là Ngân hàng HTX Ninh Bình), tiền thân là Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) Trung ương - Chi nhánh Ninh Bình.

Ngân hàng HTX Ninh Bình là đại diện ủy quyền của Ngân hàng HTX Việt Nam trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có chức năng hoạt động với mục tiêu chủ yếu là liên kết, bảo đảm an toàn hệ thống thông qua việc hồ trợ tài chính; thực hiện điều hòa vốn và các hoạt động ngân hàng đối với thành viên là các QTDND.

Đầu năm 2019, QTDND thị trấn Me thuộc huyện Gia Viễn bị Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Ninh Bình kiểm soát đặc biệt. Tổng số dư nợ QTDND thị trấn Me vay điều hòa vốn tại Ngân hàng HTX Ninh Bình đến khi xảy ra sự việc là trên 47,8 tỷ đồng với 32 bộ hồ sơ cho vay. Nhiều lãnh đạo và cán bộ nhân viên của QTDND thị trấn Me bị khởi tố và điều tra về tội tham ô, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm hoạt động kế toán và đã bị đưa ra xét xử trong 02 vụ án tại Bản án số 30/2020/HS-ST ngày 18/11/2020 và Bản án số 02/2022/HS-ST ngày 14/01/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình.

Ngày 13/11/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Ninh Bình khởi tố các ông Đặng Văn Quang, Trần Xuân Thành, Đinh Minh Tiến, Nguyễn Ngọc Việt, Nguyễn Văn Quyền và Lê Hồng Phong về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Khoản 3, Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cáo trạng của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình số 01/CT-VKS-P1 ngày 13/12/2021; Hồ sơ vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 45/2021/TL-ST-HS ngày 15/12/2021 và các văn bản, quyết định của các cơ quan tố tụng liên quan cùng truy tố các ông Quang, Thành, Tiến, Việt, Quyền và Phong về tội danh trên.

leftcenterrightdel
 Trụ sở QTDND thị trấn Me. Ảnh: PV

Theo Kết luận điều tra số 40 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ khi QTDND thị trấn Me thành lập và đi vào hoạt động đến tháng 4/2019, Ngân hàng HTX Ninh Bình đã cho quỹ vay 154 món vay theo các nguồn vốn gồm nguồn vốn thỏa thuận, nguồn vốn cho vay hỗ trợ khả năng thanh khoản và nguồn vốn dự án quốc tế với số tiền trên 261 tỷ đồng.

Đến nay, QTDND thị trấn Me còn vay Ngân hàng HTX Ninh Bình 32 hợp đồng tín dụng với số tiền 58,2 tỷ đồng, tổng dư nợ là trên 47,8 tỷ đồng.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra khẳng định, về định mức chi thì Ngân hàng HTX Ninh Bình cho QTDND thị trấn Me vay các khoản vay nói trên là đúng qui định. Ngân hàng HTX không “cấp tín dụng vượt giới hạn so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp có chấp thuận của người có thẩm quyền theo qui định của pháp luật” theo qui định tại điểm 2, khoản 1, Điều 206, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về “tội vi phạm qui định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Quá trình thẩm định, đề xuất cho vay, kiểm tra sử dụng vốn vay sau giải ngân, các ông Đặng Văn Quang, Trần Xuân Thành, Đinh Minh Tiến, Nguyễn Ngọc Việt, Nguyễn Văn Quyền và Lê Hồng Phong đã không làm hết trách nhiệm, thực hiện không đúng nghiệp vụ kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của QTDND thị trấn Me đối với các khoản tiền đã cho vay dẫn đến việc không phát hiện việc lập “khống” hồ sơ cho khách hàng vay, tất toán “khống” trước hạn sổ tiết kiệm của khách hàng để che giấy việc rút tiền vay Ngân hàng HTX Ninh Bình sử dụng sai mục đích, chiếm đoạt cá nhân. Hậu quả, QTDND thị trấn Me mất khả năng thanh toán Ngân hàng HTX Ninh Bình số tiền vay là trên 47,8 tỷ đồng.

Cụ thể: Đối với nguồn vốn vay quốc tế, từ ngày 1/1/2017 đến 18/4/2019, QTDND thị trấn Me đã lập danh sách cho 60 khách hàng vay vốn từ nguồn dự án của Ngân hàng HTX Ninh Bình. Trong số đó có 27 hồ sơ đã tất toán là 11,43 tỷ đồng, 16 hồ sơ còn dư nợ 10,353 tỷ đồng và 17 khách hàng không tìm thấy hồ sơ vay do lập khống để đối phó với cơ quan chức năng.

Kiểm tra số hồ sơ này, toàn bộ đều không có đơn xin vay vốn của dự án theo mẫu và không được đóng dấu dự án theo qui định.

3 hồ sơ có hợp đồng thế chấp tài sản bảo đảm có công chứng; 40 hồ sơ có hợp đồng thế chấp tài sản bảo đảm nhưng không có công chứng.

Các hồ sơ vay vốn dự án ADB không có danh sách các hộ gia đình có mức chi tiêu bình quân đầu người thấp hơn 128 USD/năm có xác nhận của UBND xã.

Theo lời khai của các bị can trong kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra, đến khi đoàn Kiểm toán Nhà nước làm việc tại Ngân hàng HTX, ông Đặng Văn Quang mới biết các hồ sơ vay vốn ADB không có danh sách các hộ gia đình theo qui định nói trên.

Cơ quan Điều tra xác định “lời khai của các bị can phù hợp với tài liệu thu giữ là các hợp đồng vay vốn dự án quốc tế của QTDND thị trấn Me tại Ngân hàng HTX Ninh Bình. Đây là các chứng cứ trực tiếp xác định hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm định, đề xuất, xét duyệt cho vay của Đặng Văn Quang, Đinh Minh Tiến, Trần Xuân Thành, Nguyễn Ngọc Việt, Lê Hồng Phong và Nguyễn Văn Quyền”.

Đối với nguồn vốn vay thông thường để mở rộng tín dụng và nguồn vốn hỗ trợ khả năng chi trả, kết quả điều tra tính đến tháng 4/2019, QTDND thị trấn Me còn vay của Ngân hàng HTX Ninh Bình 32 hợp đồng còn dư nợ, ngoài 6 hợp đồng vay vốn quốc tế còn lại 20 hợp đồng vay vốn thông thường để mở rộng tín dụng và 6 hợp đồng vay vốn để hỗ trợ khả năng chi trả.

Trong số này, Lê Hồng Phong tiếp nhận, thẩm định 1 hồ sơ vay trị giá 2 tỷ đồng; Nguyễn Văn Quyền tiếp nhận, thẩm định 16 hợp đồng trị giá 23,58 tỷ đồng; Nguyễn Ngọc Việt tiếp nhận, thẩm định 4 hợp đồng trị giá trên 2,24 tỷ đồng và Trần Xuân Thành ký thẩm định, đề xuất cho vay đối với 26 hợp đồng do Lê Hồng Phong, Nguyễn Ngọc Việt và Nguyễn Văn Quyền thẩm định với tổng dư nợ là trên 36,6 tỷ đồng.

Quá trình lấy lời khai, các ông Phong, Quyền và Việt đều khai nhận chỉ kiểm tra tài liệu trong hồ sơ của QTDND thị trấn Me cho có vì trước khi vay, các hồ sơ này đã được xin chủ trương của lãnh đạo ngân hàng và quỹ.

leftcenterrightdel
 Trụ sở Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam - Chi nhánh Ninh Bình. Ảnh: PV

Về công tác kiểm tra sử dụng vốn vay, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, việc kiểm tra sử dụng vốn vay đối với 32 hợp đồng còn dư nợ của QTDND thị trấn Me tại Ngân hàng HTX Ninh Bình không đầy đủ hoặc có kiểm tra nhưng mang tính chiếu lệ. Thậm chí, đoàn kiểm tra phát hiện những dấu hiệu sai phạm có nguy cơ dẫn đến việc thất thoát nguồn vốn nhưng bỏ qua mà không có giải pháp xử lý theo qui định. Có thể kể đến là cuộc kiểm tra ngày 16/10/2018 và 20/12/2018 của bị can Nguyễn Ngọc Việt.

Tương tự, việc kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay định kỳ theo chức năng, tài liệu điểu tra xác định, mặc dù từ năm 2013 đến 2019, QTDND thị trấn Me thường xuyên gặp khó khăn về khả năng thanh toán, phải lập nhiều hồ sơ để vay tiền từ các nguồn vay khác nhau của Ngân hàng HTX nhưng Ngân hàng HTX Ninh Bình không kịp thời thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đối với QTDND thị trấn Me.

Trong số 3 cuộc kiểm tra định kỳ theo chức năng vào các năm 2013, 2016, 2019 đã phát hiện ra sai phạm của quỹ trong công tác cho vay, sử dụng vốn vay liên quan đến hồ sơ thế chấp, tài sản thế chấp, đảm bảo khoản vay… nhưng đã bỏ qua, không có biện pháp xử lý đối với nguồn vốn cho QTDND thị trấn Me.

Kết luận điều tra nêu rõ: Các cán bộ của Ngân hàng HTX Ninh Bình đã không làm hết chức trách nhiệm vụ được giao trong công tác thẩm định cho vay đối với hợp đồng vay vốn, trong công tác kiểm tra sử dụng vốn vay đối với QTDND thị trấn Me sau khi giải ngân. Do đó không phát hiện được sai phạm hoặc phát hiện nhưng không xử lý triệt để theo các văn bản qui định, là một trong những nguyên nhân dẫn tới QTDND thị trấn Me sử dụng vốn vay không đúng mục đích, mất khả năng thanh toán Ngân hàng HTX số tiền trên 47,8 tỷ đồng.

Các bị can đã tự nguyên giao nộp 400 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định đây là vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Vụ án đã được tiến hành khởi tố, điều tra theo đúng trình tự của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Các bị can Đặng Văn Quang, Trần Xuân Thành, Đinh Minh Tiến, Nguyễn Ngọc Việt, Nguyễn Văn Quyền và Lê Hồng Phong đều bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Khoản 3, Điều 360, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.

Vì sao đến tháng 3/2023, các bị can nói trên lại nhận được quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can và bị truy tố về tội “vi phạm qui định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” qui định tại Khoản 4, Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017?

Bài 2: Lời kêu cứu trước dấu hiệu cơ quan tố tụng áp dụng sai các quy định

Thúy Nhài - Lê Hiếu