Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Vừa nợ thuế vừa vi phạm Luật Đất đai

Trung Hiếu

Thứ bảy, 19/03/2022 - 17:16

(Thanh tra) - Nợ thuế tiền thuê đất gần 10 tỷ đồng, để hộ gia đình công nhân xây nhà ở trên đất nông nghiệp (vườn chè); mua bán, chuyển nhượng đất nhận khoán… Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp (ĐT&PTNN) Hà Nội đã vi phạm pháp luật thuế và pháp luật về đất đai.

Nhà xây kiên cố trên đất nhận khoán và lô đất vườn chè đã bị chủ hộ nhận khoán bán với giá hơn 1 tỷ đồng. Ảnh: Trung Hiếu

Con nợ lớn của ngành Thuế Hòa Bình

Căn cứ Quyết định số 817/QĐ-UB, ngày 26/6/2014 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Công ty TNHH MTV ĐT&PTNN Hà Nội (đợt 1), ngày 21/9/2016, UBND tỉnh Hòa Bình (bên A) do ông Đinh Văn Hòa, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm đại diện và Công ty TNHH MTV ĐT&PTNN Hà Nội (bên B) do ông Lê Văn Tuấn, Tổng Giám đốc làm đại diện đã thỏa thuận ký Hợp đồng thuê đất số 88/HĐTĐ.

Theo đó, bên A cho bên B thuê khu đất có tổng diện tích 324,94 ha. Trong đó tại các xã: Cao Dương 15,06 ha; Trung Sơn 68,4 ha; Tân Thành 235,03 ha; Hợp Châu 6,45 ha thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Thời hạn thuê đất từ ngày 26/6/2014 đến 15/10/2043. Mục đích sử dụng đất thuê: Sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp.

Bên B sẽ thực hiện trả tiền thuê đất hàng năm và sử dụng đất trên khu đất thuê phải phù hợp với mục đích sử dụng đất (sản xuất nông nghiệp).

Ông Hoàng Huy  Toán, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế Lương Sơn cho biết, đơn giá thuế đối với 324,94 ha đất Cty ĐT&PTNN Hà Nội thuê được tính theo từng vùng. Đối với các xã thuộc vùng 1 (Cao Dương, Trung Sơn), đơn giá  là 300 đồng/m2/năm; xã vùng 2 (Tân Thành) là 275 đồng/m2/năm; xã vùng 3 (Hợp Châu) đơn giá 125 đồng/m2/năm. Với đơn giá trên, nếu doanh nghiệp quản lý sử dụng đất hiệu quả thì việc thực hiện nghĩa vụ tài chính Nhà nước về thuê đất là không có gì khó khăn.

Tuy nhiên, trong thời gian 8 năm sau khi nhận đất, Công ty Cty ĐT&PTNN Hà Nội mới trả tiền thuê đất một lần với số tiền là 248,5 triệu đồng. Đến thời điểm đầu tháng 3/2021, số nợ tiền thuê đất và tiền chậm trả của Cty là trên 7,5 tỷ đồng và đến cuối tháng 3/2022, số tiền nợ đã lên tới con số gần 10 tỷ đồng. Theo quy định, doanh nghiệp phải nộp tiền chậm trả là 0,03%/ngày, bằng 0,9%/tháng. Nếu hàng năm doanh nghiệp không thực hiện nộp tiền thuê đất thì số tiền nợ sẽ tăng rất nhanh. Hiện nay Cty ĐT&PTNN Hà Nội là "con nợ" lớn nhất và khó thu nhất trong số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lương Sơn còn nợ tiền thuê đất.

Theo ông Hoàng Huy Toán, đối với Cty ĐT&PTNN Hà Nội, Chi cục Thuế Lương Sơn đã thực hiện các biện pháp đôn đốc nợ và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp, trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng và lệnh thu ngân sách Nhà nước gửi đến Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Đông Anh; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Từ Liêm; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV - Chi nhánh Từ Liêm. Đồng thời ban hành công văn về việc phối hợp cưỡng chế thu tiền thuế nợ gửi Cục Thuế Hà Nội.

Với những biện pháp quyết liệt như vậy, nhưng đến nay Cty ĐT&PTNN Hà Nội vẫn không nộp tiền vào ngân sách theo quy định.

Ngày 19/05/2020, Chi cục Thuế huyện Lương Sơn đã ban hành Công văn số 2760/CCT-KTT “v/v đề nghị thu hồi đất của Công ty TNHH MTV ĐT&PTNN Hà Nội” đề xuất Cục Thuế Hòa Bình đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh Hòa Bình thu hồi đất đối với dự án của Công ty TNHH MTV ĐT&PTNN Hà Nội do không thực hiện nộp tiền thuê đất và các nghĩa vụ về tài chính khác theo quy định của pháp luật.

Vi phạm pháp luật về đất đai..

Nghe nói về tình trạng làm nhà kiên cố trên đất vườn chè, mua bán đất nhận khoán ở xã Tân Thành, nơi có nhiều diện tích đất nhất của Cty ĐT&PTNN Hà Nội thuê trên địa bàn huyện Lương Sơn. Đóng vai người đi mua đất, chúng tôi đến Đội Tân Thành (xã Tân Thành).

Đúng như lời đồn. Chúng tôi ghé vào bất cứ quán hàng, nhà dân nào ở đây cũng nghe lời chào hỏi: Các anh muốn mua đất phải không? Mua đất mặt đường có vườn chè hay đất trong khu vườn chè?Đất ở đây rẻ lắm, chỉ bằng 1/3, 1/4 giá đất các xã lân cận thôi.

Chúng tôi hỏi về giấy tờ đất, thủ tục mua bán, chị chủ quán cười, hạ giọng: Đất nông trường chè, gia đình công nhân nhận khoán mấy chục năm nay rồi, bây giờ chả ai quản lý. Người thì xây nhà, người thì bán đất.

Trao đổi với ông Nguyễn Anh Toàn, Đội trưởng Đội Tân Thành được biết, đội có 208 hộ nhận khoán, tổng diện tích vườn chè là hơn 200 ha. Trước khi UBND tỉnh Hòa Bình giao đất cho Cty ĐT&PTNN Hà Nội thuê, toàn bộ khu đất vườn chè của Đội thuộc Nông trường chè Lương Mỹ (Hà Tây) quản lý.

Năm 1991, 1992, Nông trường Lương Mỹ thực hiện hợp đồng giao khoán vườn chè cho hộ công nhân. Mỗi hộ nhận khoán được nông trường giao 200 m2 đất/trên diện tích nhận khoán để làm nhà ở và lán trại, nhà kho. Theo quy định, các hộ chỉ được làm nhà cấp 4, không được xây nhà kiên cố. Trước năm 2010, các hộ công nhân chấp hành tốt quy định của nông trường, công tác quản lý đất đai khá chặt chẽ.

Từ năm 2010 trở lại đây, lác đác một số hộ đã tự ý xây dựng nhà ở kiên cố trên đất nhận khoán, cắt đất vườn chè làm nhà ở cho con cái.

Đặc biệt từ khi UBND tỉnh Hòa Bình giao đất vườn chè Nông trường Cửu Long cho Cty ĐT&PTNN Hà Nội thuê đất thì công tác quản lý đất đai gần như bị buông lỏng, tình trạng xây nhà trên đất vườn chè ngày càng phổ biến, lãnh đạo đội nhắc nhở nhưng không được, thậm chí còn bị chủ nhà gây sự vì cán bộ đội không có chế tài để quản lý hộ do công ty chỉ quản lý về đất đai, vườn chè. Còn con người thì hộ gia đình công nhân sinh sống trên địa bàn xã nào thì do chính quyền xã đấy quản lý.

Ông Toàn khẳng định, tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất và mua bán đất vườn chè trái quy định pháp luật về đất đai diễn ra ở Đội Tân Thành là có. Tuy nhiên, việc mua bán đều do người mua, người bán tự thỏa thuận, giao dịch với nhau, đội và công ty không nắm được cụ thể. Đây là vấn đề “nóng” rất cần sự vào cuộc của chính quyền huyện Lương Sơn và các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình - ông Toàn kiến nghị.

Từ những vụ việc nêu trên cho thấy, Công ty TNHH MTV ĐT&PTNN Hà Nội đã vi phạm Hợp đồng thuê đất số 88/HĐTĐ ngày 21/9/2016; vi phạm Điều 15a Luật Đất đai năm 2013: Thu hồi đất đối với trường hợp không thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất. “Người sử dụng đất không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật mà đã bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng không chấp hành”.

Như vậy, Chi cục Thuế huyện Lương Sơn báo cáo đề xuất Cục Thuế Hòa Bình đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh Hòa Bình thu hồi đất đối với dự án của Công ty TNHH MTV ĐT&PTNN Hà Nội là có cơ sở.

Theo thông tin của chúng tôi, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình đã vào cuộc thanh tra việc quản lý sử dụng đất trên toàn bộ diện tích đất của Cty ĐT&PTNN Hà Nội thuê theo Hợp đồng thuê đất số 88/HĐTĐ ngày 21/9/2016.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm