Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thanh Hoa - Đông Hà
Thứ bảy, 25/01/2025 - 14:40
(Thanh tra) - Tình trạng xây dựng trái phép tại Nhà máy ô tô 1-5 kéo dài nhiều năm, nhưng chưa được giải quyết triệt để, gây bức xúc dư luận. Dù cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhưng vì sao vi phạm vẫn tồn tại? Trách nhiệm thuộc về ai?.
Tổng diện tích vi phạm trật tự xây dựng tại Nhà máy ô tô 1-5 cần dỡ bỏ lên đến hơn 14.701m2. Ảnh: H.L
Nếu không có biện pháp mạnh mẽ hơn, vụ việc này có thể trở thành một tiền lệ xấu trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng, tạo kẽ hở cho các sai phạm tương tự trong tương lai.
“Thay tên đổi họ” chủ đầu tư
Ngày 24/1/2025, trao đổi với Báo Thanh tra, đại diện UBND huyện Đông Anh (TP Hà Nội) cho biết, chủ đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất ô tô 1-5 tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh (Dự án) ban đầu là Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải, nay đổi tên thành Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam.
Đến ngày 17/3/2005, Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam ban hành văn bản phê duyệt điều chỉnh Dự án, theo đó, chủ đầu tư được chuyển giao cho Công ty Cơ khí ô tô 1-5, trong khi Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn giữ vai trò chủ quản đầu tư.
Tiếp đó, ngày 31/5/2010, Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam tiếp tục ra văn bản về việc chuyển đổi Nhà máy sản xuất ô tô 1-5 thành Công ty TNHH Một thành viên ô tô 1-5. Công ty này có trách nhiệm tiếp nhận và sử dụng hiệu quả vốn, tài sản do Nhà nước giao nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, đơn vị này cũng kế thừa toàn bộ quyền lợi, nghĩa vụ và các thỏa thuận hợp tác trước đó của Nhà máy sản xuất ô tô 1-5.
Hàng loạt quyết định xử phạt, vi phạm vẫn tồn tại
Theo đại diện UBND huyện Đông Anh, trong quá trình đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất ô tô 1-5, chủ đầu tư đã xây dựng công trình không đúng với tổng mặt bằng được Kiến trúc sư trưởng Thành phố (nay là Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội) chấp thuận, cũng như trái với nội dung dự án đầu tư được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt và giấy phép xây dựng do UBND huyện Đông Anh cấp.
Trước những vi phạm này, UBND huyện Đông Anh đã ban hành nhiều quyết định xử phạt hành chính và quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, bao gồm: Quyết định số 699/QĐ-XPVPHC ngày 30/3/2016, số 8042/QĐ-CCXP ngày 25/10/2019, số 7827/QĐ-KPHQ ngày 22/10/2019 và số 8786/QĐ-CCXP ngày 18/11/2019.
Ngoài ra, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã có các báo cáo gửi UBND thành phố về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại Nhà máy ô tô 1-5, gồm: Văn bản số 53/BC-SXD(TTr) ngày 17/3/2020, số 147/BC-SXD(TTr) ngày 2/7/2020 và số 9056/SXD-TTr ngày 1/10/2020.
Trên cơ sở báo cáo của các sở, ngành, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản thông báo chỉ đạo của UBND thành phố, điển hình như: Thông báo số 195/TB-UBND ngày 27/2/2020 và số 365/TB-UBND ngày 23/4/2020. Các thông báo này ghi nhận kết luận của tập thể lãnh đạo UBND thành phố tại cuộc họp về xử lý vi phạm trật tự xây dựng và giải quyết đơn đề nghị của 13 doanh nghiệp tại Nhà máy ô tô 1-5.
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, ngày 31/12/2021, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn tiếp tục có chỉ đạo tại Thông báo số 697/TB-VP, yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn Công ty Cổ phần ô tô 1-5 lập bản vẽ tổng thể xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại Nhà máy ô tô 1-5 để xin ý kiến Bộ Xây dựng.
Trước yêu cầu này, Công ty Cổ phần ô tô 1-5 đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc và Quy hoạch đô thị, nông thôn - Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội tổ chức lập hồ sơ, bản vẽ mặt bằng tổng thể khắc phục vi phạm trật tự xây dựng. Các sở, ngành liên quan cũng đã có văn bản tham gia ý kiến, trong đó cơ bản thống nhất và hướng dẫn bổ sung một số nội dung, gồm: Văn bản số 5066/SXD-TTr ngày 2/7/2022 của Sở Xây dựng; Văn bản số 2652/CAHN-PC07 ngày 10/4/2023 của Công an thành phố Hà Nội; Văn bản số 4268/SCT-QLCN ngày 16/9/2022 của Sở Công Thương; Văn bản số 2629/UBND-QLĐT ngày 9/11/2022 của UBND huyện Đông Anh.
Tiếp đó, ngày 5/9/2023, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có Văn bản số 4277/QHKT-BSH báo cáo UBND thành phố về việc lập bản vẽ tổng thể xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại Nhà máy ô tô 1-5. Ngày 3/10/2023, Văn phòng UBND thành phố ban hành Văn bản số 11384/VP-ĐT, giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Công Thương và UBND huyện Đông Anh rà soát hồ sơ, đảm bảo tuân thủ quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế, các quy định về phòng cháy chữa cháy… và xin ý kiến Bộ Xây dựng.
Trên cơ sở bản vẽ mặt bằng tổng thể đã được thống nhất, Sở Xây dựng tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để đề xuất phương án xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại khu đất Nhà máy ô tô 1-5, báo cáo UBND Thành phố để có hướng giải quyết dứt điểm.
Thực hiện chỉ đạo này, ngày 10/1/2024, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có Văn bản số 141/QHKT-BSH xin ý kiến tham vấn Bộ Xây dựng. Đến ngày 7/3/2024, Bộ Xây dựng có Văn bản số 964/BXD-TTr về việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại Dự án Nhà máy ô tô 1-5.
Ai chịu trách nhiệm?
Dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc, ban hành hàng loạt quyết định xử phạt hành chính và áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế, nhưng đến nay, vi phạm tại Dự án Nhà máy ô tô 1-5 vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Là đơn vị trực tiếp thực hiện dự án, Công ty Cổ phần ô tô 1-5 có trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật về xây dựng. Tuy nhiên, việc xây dựng sai so với tổng mặt bằng được phê duyệt, kéo dài sai phạm dù đã có nhiều quyết định xử phạt cho thấy sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư. Dù công ty đã phối hợp với cơ quan chuyên môn để lập phương án khắc phục, nhưng việc chậm trễ thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đặt ra nghi vấn: Liệu chủ đầu tư có đang trì hoãn để “hợp thức hóa” sai phạm?
Bên cạnh đó, UBND huyện Đông Anh đã ban hành nhiều quyết định xử phạt và cưỡng chế, nhưng vi phạm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Điều này cho thấy hiệu quả thực thi chưa cao. Việc ban hành quyết định xử phạt chỉ là bước đầu, quan trọng hơn là phải đảm bảo thực thi triệt để các biện pháp khắc phục.
Ngoài ra, vụ việc cũng phản ánh sự lỏng lẻo trong công tác giám sát. Nếu ngay từ đầu, cơ quan quản lý địa phương kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng, liệu sai phạm có thể kéo dài đến mức này?
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tình trạng xây dựng trái phép tại Nhà máy ô tô 1-5 kéo dài nhiều năm, nhưng chưa được giải quyết triệt để, gây bức xúc dư luận. Dù cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhưng vì sao vi phạm vẫn tồn tại? Trách nhiệm thuộc về ai?.
Thanh Hoa - Đông Hà
(Thanh tra) - Trong vòng hơn 2 năm, gần 30.000 tấn phân bón giả đã được hai vợ chồng “trùm” phân bón Nguyễn Thị Cẩm My và Bùi Minh Chánh tuồn ra thị trường để đến tay nông dân ở 12 tỉnh, thành phố.
Nam Dũng
Văn Thanh
Trần Quý
Nhật Minh
Trần Quý
Nhật Minh
Văn Thanh
Giang Sơn
Trần Quý
Hương Trà
Văn Thanh
Trần Kiên
Bài và ảnh: Lý Nam