Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tiếp tục hé lộ những động thái kỳ lạ

Đan Quế

Thứ năm, 21/07/2022 - 18:53

(Thanh tra) - Báo Thanh tra ngày 1/5/2022 đã có bài viết “Lô hàng của Công ty TNHH PBS Việt Nam bị “om giữ” đến bao giờ"? phản ánh việc Công ty TNHH PBS Việt Nam trong một thời gian dài kêu cứu vì bị thu giữ một lô hàng với nhiều dấu hiệu bất thường. Phân tích về pháp lý câu chuyện này càng cho thấy hàng loạt tình tiết thiếu minh bạch cần làm rõ.

Số hàng của Công ty TNHH PBS Việt Nam và tài sản cá nhân của ông Thắng bị thu giữ. Ảnh: Đan Quế

Như Báo Thanh tra đã phản ánh, ngày 06/02/2021, Công an khu vực phường 12, quận 3, TP Hồ Chí Minh đến kiểm tra nơi ở của ông Nguyễn Xuân Thắng tại địa chỉ Phòng 10.06 lô B Chung cư Screc, số 974A Trường Sa, phường 12, quận 3, TP Hồ Chí Minh với lý do kiểm tra tạm trú, tạm vắng. Phát hiện một số tài sản và hàng hóa thuộc sở hữu của Công ty TNHH PBS Việt Nam và của cá nhân ông Nguyễn Xuân Thắng, sau khi “thương lượng” không thành, Công an phường 12 đã tiến hành lập biên bản thu giữ tài sản và hàng hóa kể trên và bàn giao cho Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an quận 3 mặc dù ông Thắng đã xuất trình hồ sơ chứng minh nguồn gốc hàng hóa hợp pháp.

Luật sư Lê Thị Kim Ánh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong câu chuyện của Công ty TNHH PBS mà Báo Thanh tra phản ánh, Công an quận 3 không thể khép vào tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự. Bởi lẽ, Điều 226 nêu “người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.

 Ở câu chuyện lô hàng của Công ty PBS, các tài sản và hàng hóa thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Xuân Thắng và Công ty TNHH PBS Việt Nam bị thu giữ gồm có: Áo thun nhãn hiệu Police, áo thun nhãn hiệu Barbari, áo thun nhãn hiệu Monster, áo thun nhãn hiệu Monkey King, áo thun nhãn hiệu Poligan, áo thun nhãn hiệu Oasism, dép trẻ em nhãn hiệu Disney, túi xách có chữ nước ngoài.

Các nhãn hiệu nêu trên đều là nhãn hiệu nước ngoài, do ông Nguyễn Xuân Thắng mua và Công ty TNHH PBS Việt Nam tiến hành nhập khẩu và mua bán, có đầy đủ hồ sơ hàng hóa nhập khẩu, thông quan và hóa đơn giá trị gia tăng. Như vậy, ông Nguyễn Xuân Thắng và Công ty TNHH PBS Việt Nam không xâm phạm đến trật tự quản lý Nhà nước đối với các quyền sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu trên.

 Còn xét về mặt khách quan, tội phạm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được thực hiện bằng hành vi như sử dụng các loại nhãn mác, hàng hóa, sản xuất hàng hóa có kiểu dáng như loại hàng hóa đã được nhà nước bảo hộ. Các tài sản và hàng hóa có nhãn mác, hàng hóa của nước ngoài của ông Nguyễn Xuân Thắng và Công ty TNHH PBS Việt Nam có được thông qua mua bán và nhập khẩu hợp pháp.

Như vậy, cả về chủ thể và khách quan, ông Nguyễn Xuân Thắng và Công ty TNHH PBS Việt Nam không phạm tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.

Có lẽ, đây cũng là lý do vì sao Công an quận 3 lần thứ 3 phải tạm đình chỉ giải quyết tin báo về tội phạm “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” tại Thông số 286/TB-CQCSĐT-CSKT ngày 25/6/2022.

Vi phạm về thời hạn giải quyết tin báo tội phạm

Cũng theo luật sư Lê Thị Kim Ánh, có nhiều dấu hiệu nhập nhằng về thời hạn giải quyết tin báo tội phạm của Công an quận 3, TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, Điều 147 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định về thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (được hướng dẫn bởi Điều 9 và Điều 11 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC) thì thời hạn giải quyết tin báo tối đa là 04 tháng 20 ngày.

Thông báo tạm đình chỉ giải quyết tin báo về tội phạm "xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp" lần thứ 3 của Công an quận 3

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong quá trình giải quyết vụ việc, Công an quận 3 đã ban hành 03 thông báo tạm đình chỉ giải quyết tin báo về tội phạm “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” đối với Công ty TNHH PBS Việt Nam. Đó là Thông báo số 477 ngày 06/9/2021, Thông báo số 150 ngày 22/4/2022 và Thông số 286  ngày 25/6/2022.

Đối chiếu với qui định pháp luật thì việc ra 3 bản thông báo cùng nội dung này đều không đảm bảo qui định của pháp luật. Cụ thể, khoản 1, Điều 148 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và khoản 1, Điều 149 Bộ luật này thì khi lý do tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không còn, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tiếp không quá 01 tháng kể từ ngày ra quyết định phục hồi.

Tuy nhiên, cả Thông báo số 477, Thông báo số 150 và Thông số 286 của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an quận 3 ban hành đều không nêu lý do tạm đình chỉ giải quyết.

Bên cạnh đó, khi hết thời gian giải quyết nêu trên, theo nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại điều 13 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì phải kết luận Công ty TNHH PBS Việt Nam không phạm tội. Việc Cơ quan CSĐT, Công an quận 3 không nêu lý do tạm đình chỉ giải quyết, kéo dài thời gian giải quyết vụ việc, thu giữ tài sản của cá nhân, pháp nhân suốt hơn 01 năm 04 tháng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty TNHH PBS Việt Nam.

Làm ngơ các khiếu nại, tố cáo của công dân

Chưa dừng lại ở các vi phạm trên về thời hiệu và căn cứ định tội đối với Công ty TNHH PBS Việt Nam, Công an quận 3 còn có nhiều động thái kỳ lạ.

Ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, nhận thấy Công an quận 3 thu giữ lô hàng và tài sản cá nhân không đúng, ông Thắng đã làm đơn khiếu nại. Tuy nhiên, các đơn khiếu nại của ông Thắng không được thụ lý, không được trả lời theo qui định của pháp luật.

Trong suốt quá trình “giải quyết” vụ việc, cá nhân ông Thắng cũng nhiều lần được gợi ý "chung chi"...

Chưa dừng lại ở đó, khi Công ty TNHH PBS Việt Nam chuyển trụ sở sang địa bàn khác, Công an quận 3 lại tiếp tục ra văn bản để “điều tra” Công ty.

Nhận thấy những việc làm này là trái qui định pháp luật, đại diện Công ty TNHH PBS Việt Nam đã có đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, tất cả các khiếu nại và tố cáo này đều như... đá ném ao bèo. Nhiều tháng trôi qua, chưa một cơ quan chức năng nào thụ lý, làm rõ và trả kết quả cho cá nhân ông Nguyễn Xuân Thắng và Công ty TNHH PBS Việt Nam.

Đại diện Công ty TNHH PBS Việt Nam cho biết, sự vô cảm của Công an quận 3 trong việc giải quyết quyền lợi chính đáng của công ty và sự “ráo riết” bất thường của đơn vị này trong việc phát hành các văn bản “điều tra” công ty khi chuyển trụ sở khiến cho tập thể cán bộ, nhân viên công ty bất bình và bức xúc. Bởi lẽ, sự thượng tôn pháp luật đã và đang bị chính đơn vị là đại diện cho pháp luật làm méo mó. Công ty PBS Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn và tổn thất khi kinh doanh hợp pháp theo qui định của pháp luật.

Ở một diễn biến khác, sau khi làm việc trực tiếp mà không nhận được thông tin trả lời đầy đủ, Báo Thanh tra tiếp tục có văn bản đề nghị Công an quận 3 trả lời các vấn đề báo nêu. Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả các nội dung Báo Thanh tra đề nghị vẫn không nhận được văn bản trả lời từ Công an quận 3.

Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại vụ việc để bạn đọc theo dõi./.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm