Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quảng Nam: “Điểm nóng” cát tặc trên sông Vu Gia

Nguyên Phê

Thứ tư, 06/01/2021 - 06:45

(Thanh tra) - Hơn nửa năm qua, doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát và nhân dân trong khu vực phản ánh việc Công ty TNHH Hoàng Ân (Công ty Hoàng Ân) hết quyền khai thác mỏ nhưng vẫn ngang nhiên khai thác, mua bán cát tại khu vực xã Đại Minh (huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Dù cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng trên vẫn công khai kéo dài...

Tàu hút cát lậu sông trên Vu Gia (khu vực xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) ngày 4/1/2021. Ảnh: N.P

Tháng 10/2015, Công ty Cổ phần 6.3 (Công ty 6.3, địa chỉ xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng) được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường tại thôn Ấp Bắc, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam với diện tích mỏ 4 ha, trữ lượng khai thác 188.400 m3, công suất khai thác hằng năm 35.000 m3 và thời gian khai thác đến tháng 5/2021.

Ngày 25/7/2017, Công ty 6.3 (bên A) ký Hợp đồng kinh tế số 45/2017/HĐKT về việc chuyển nhượng quyền khai thác mỏ cát trên cho ông Trần Ngọc Xuân (bên B), trú tại TP Đà Nẵng với tổng giá trị hợp đồng là 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, hợp đồng không có giá trị pháp lý vì không được UBND tỉnh đồng ý cho chuyển quyền; không tuân thủ khoản 4 Điều 59 Luật Khoáng sản năm 2010.

Lãnh đạo Công ty 6.3 cho biết, trong quá trình thực hiện hợp đồng số 45, ông Xuân không nộp tiền đúng thời gian quy định (chỉ nộp được 2 tỷ đồng), nên công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng, thu hồi bản gốc hợp đồng.

Phát hiện người lạ, tàu hút đầy cát lậu liền vào bờ nằm im. Ảnh: NP

Ngày 1/4/2020, ông Xuân (bên B) đã ký Hợp đồng kinh tế số 02/2020/HĐKT với ông Lê Trường Vỹ, Giám đốc Công ty Hoàng Ân (bên A) có địa chỉ tại thôn Hòa Mỹ, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, với nội dung: “Bên B đồng ý bán, bên A đồng ý mua cát xây dựng của bên B tại bến thủy nội địa Hoàng Ân 1 (thôn Đại Phú, xã Đại Nghĩa, Đại Lộc), với giá bán 48.000 đồng/m3 (giá chưa thuế, nếu có sẽ cộng thêm 30.000đ/m3)”...

Từ đây, ông Xuân thuê tàu hút cát rồi Công ty Hoàng Ân cũng tổ chức cho tàu hút cát trong khu vực mỏ của Công ty 6.3 thì bị chủ mỏ phản đối. Sau đó, các tàu thuyền này hút cát trái phép ngoài khu vực lân cận mỏ của Công ty 6.3 trong thời gian dài, dù đã nhiều lần bị phát hiện, xử lý nhưng vẫn tái diễn liên tục.

Ông Vỹ cho rằng, phía Công ty Hoàng Ân có góp cho ông Xuân 1 tỷ đồng để góp vào Công ty 6.3, nên Công ty Hoàng Ân lấy cát từ mỏ của Công ty 6.3.

Phía Công ty 6.3 đã nhiều lần báo cáo về việc hút cát trái phép của Công ty Hoàng Ân tại khu vực lân cận và khu vực mỏ của công ty này để vận chuyển về bãi tập kết cát Hoàng Ân 1 đưa đi tiêu thụ.

“Hiện nay, có nhiều ghe thuyền lạ hút cát trái phép tại khu vực lân cận ranh giới mỏ cát của công ty, có lúc lấn vào phạm vi mỏ cát của Công ty 6.3. Qua tìm hiểu và theo dõi thì đây có thể là ghe thuyền của Công ty Hoàng Ân…” - Công văn 101/CV-CT ngày 3/10/2020 của Cty 6.3 nêu rõ.

Khu vực bãi tập kết cát của Công ty Hoàng Ân. Ảnh: NP

Theo ghi nhận của PV ngày 4/1/2021, tại hiện trường mỏ cát Công ty 6.3, ở phía Tây Nam dòng sông Vu Gia có 2 ghe tàu hút cát đang nổ máy hoạt động, mà theo như lời của công nhân mỏ 6.3 thì đó là tàu của ông Xuân và Công ty Hoàng Ân.

Tại khu vực bãi tập kết cát của Công ty Hoàng Ân có 1 tàu khoang chứa đầy cát đưa về, nhưng khi phát hiện sự có mặt chúng tôi, tàu này đã lặng lẽ cặp bờ nằm im…

Mới đây nhất, vào cuối tháng 12/2020, lực lượng trinh sát của Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Nam đã mật phục và bắt quả tang 2 tàu đang hút cát trái phép trên sông Vu Gia (địa phận xã Đại Minh, Đại Lộc). Ông Đoàn Văn Hùng, Giám đốc Cty 6.3 có Báo cáo số 128 ngày 30/12/2020 nêu: “Công ty luôn chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy định trong lĩnh vực khai thác, chỉ hút cát lên bãi tập kết và xúc vận chuyển khoáng sản, không khai thác cát bằng ghe thuyền. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều ghe thuyền lạ hút cát trái phép khu vực lân cận ranh giới mỏ, có lúc lấn vào mỏ cát của Công ty 6.3. Qua theo dõi thì đây có thể là ghe thuyền của Công ty Hoàng Ân…”.

Trở lại việc lấy cát trái phép từ mỏ 6.3 mà ông Lê Trường Vỹ, Giám đốc Công ty Hoàng Ân thừa nhận, theo lời của một cán bộ quản lý mỏ Công ty 6.3, hàng ngày Công ty Hoàng Ân có 5 - 6 tàu hút cát, khối lượng từ 40 đến 60m3 cát/tàu và mỗi tàu hút được ít nhất 5 chuyến/ngày (không kể ban đêm). Tính ra, mỗi ngày Công ty Hoàng Ân đưa về bãi cả 1.000m3 cát. Trong khi đó, Công ty 6.3 không thừa nhận hợp đồng với ông Xuân, đồng nghĩa với việc Công ty 6.3 không xuất hóa đơn khối lượng cát trên. Vậy, Công ty Hoàng Ân lấy hoá đơn đầu vào ở đâu để xuất khi vận chuyển và bán cát đi các nơi?

Từ đó cho thấy, số tiền thất thoát từ thuế, phí tài nguyên môi trường mà Nhà nước phải gánh chịu rất lớn; thể hiện lổ hỗng và sự bất lực trong công tác quản lý khoáng sản tại địa phương.

Mỏ cát Công ty 6.3 thường xuyên bị hút trộm. Ảnh: NP

Trong khi nạn cát tặc trên sông Vu Gia ngày càng bùng phát công khai, dữ đội thì việc cấp Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa (bến hàng hoá - cấp lại) mới đây cho Công ty Hoàng Ân là một điều khó hiểu.

Trước đây, Công ty Hoàng Ân có mỏ cát được cấp phép thì việc cấp phép bến thuỷ nội địa chuyên dùng để xếp dỡ vật liệu xây dựng như cát, sỏi, sạn là đương nhiên; nhưng mỏ này đã đóng cửa từ lâu. Và để “hợp thức hoá” hoạt động của bến thuỷ nội địa, Công ty Hoàng Ân đã ký hợp đồng và Công ty Pha Lê (xã Đại Sơn, Đại Lộc), với nội dung vận chuyển cát từ Đại Sơn về bãi thôn Đại Phú (Đại Nghĩa); mà khoảng cách hơn 30 km đường thuỷ và mùa này tàu thuyền chở cát không thể đi lại được chứ nói gì đến mùa khô hạn. Vậy nhưng, ngày 29/12/2020, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam Văn Anh Tuấn ký cấp lại Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa số 3417/GPBTNĐ-SGTVT cho Công ty Hoàng Ân. Thời hạn sử dụng đến ngày 30/12/2023.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Có dấu hiệu của hành vi thiếu tôn trọng pháp luật

Có dấu hiệu của hành vi thiếu tôn trọng pháp luật

(Thanh tra) - Theo UBND huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng, việc trạm trộn bê tông thương phẩm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng giao thông miền Bắc cố tình vi phạm dù đã được nhắc nhở nhiều lần, có nguy cơ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, sức khỏe cộng đồng và an toàn khu vực, có dấu hiệu của hành vi thiếu tôn trọng pháp luật.

Trung Hà

19:00 11/12/2024
Công ty CP Xây dựng U&I tiếp tục bị phát hiện có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu

Công ty CP Xây dựng U&I tiếp tục bị phát hiện có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu

(Thanh tra) - Tìm hiểu về lịch sử đấu thầu của Công ty CP Xây dựng U&I trong thời gian qua, PV Báo Thanh tra tiếp tục phát hiện nhà thầu này đã đề xuất nhân sự chủ chốt sử dụng bằng cấp giả mạo tại gói thầu số 10: Xây lắp và thiết bị còn lại thuộc Dự án Trường THCS Hàn Thuyên, Phường 10, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chỉ trong tháng 10/2024, Công ty CP Xây dựng U&I bị phát hiện nhân sự chủ chốt sử dụng bằng cấp giả mạo tới 2 lần.

Thùy Dương

08:00 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm