Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều điểm "mờ" cần làm rõ!

Nam Dũng

Thứ năm, 26/10/2023 - 07:00

(Thanh tra) - Một giao dịch mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất còn nhiều điều chưa làm rõ được hành vi của người bán, mặc dù đã nhận tiền hơn một năm, nhưng không bàn giao cho người mua.

Phần đất ông Nguyễn Công Bảy bán cho ông Hiên (ô màu đỏ) hơn năm qua đã nhận tiền nhưng không giao đất thực tế và xung quanh ô đất này là đất đã có chủ cụ thể do vậy không thể đủ diện tích như ký hợp đồng để giao cho người mua. Ảnh: ND

Nhận tiền bán đất hơn một năm, nhưng... không giao đất

Như Báo Thanh tra đã phản ánh: Ngày 10/5/2022, vợ chồng ông Nguyễn Trọng Hiên, bà Đỗ Thị Lê cùng ký hợp đồng với ông Nguyễn Công Bảy (đất chưa có sổ đỏ và do bố mẹ ông Bảy đang sử dụng) để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có địa chỉ chỉ tại lô 45 tờ bản đồ F48-103.B.C.3 khu 1, xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ với giá trị 1 tỷ 025 triệu đồng và đã chuyển khoản 925 triệu đồng vào tài khoản của ông Nguyễn Gia Minh (con trai ông Bảy), số còn lại 100 triệu đồng sẽ chuyển hết khi thủ tục sang tên hoàn thiện.

Trong hợp đồng, ông Nguyễn Công Bảy ký cam kết sẽ làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất cho vợ ông Hiên trong thời hạn 120 ngày, nếu vì bất kỳ lý do gì không thực hiện được việc chuyển nhượng sẽ phải hoàn trả lại số tiền đã nhận 925 triệu đồng và phải bồi thường thêm một khoản tương đương là 925 triệu đồng nữa.

Hết thời hạn 120 ngày, vợ chồng ông Hiên đã nhiều lần yêu cầu sang tên quyền sử dụng đất, nhưng ông Bảy tìm mọi cách trốn tránh nghĩa vụ và còn đe dọa đến gia đình ông Hiên.

Ông Hiên làm đơn gửi Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, để tố giác ông Bảy về hành vi lừa đảo, nhưng cơ quan này kết luận không có hành vi lừa đảo và có quyết định không khởi tố vụ án.

Tiếp tục khiếu nại lên Viện Kiểm sát (VKS) quận Bắc Từ Liêm, thì cũng được cơ quan này trả lời, việc không khởi tố vụ án là hoàn toàn đúng.

Thực tế 2 ô đất (trong phần màu đỏ) có 4.148,9m2, nếu ông Nguyễn Công Bảy đã mua và đổi cho người nhà thì ông phải biết chính xác, chứ không ký hợp đồng ước đoán thiếu hụt gần 6.000m2. Vì, xung quanh là đất người khác đã có tên, không thể bù đắp số diện tích thiếu hụt trong hợp đồng được. Ảnh: PV

Những điểm “mờ” chưa được làm sáng tỏ?

Theo quyết định trả lời khiếu nại của VKS quận Bắc Từ Liêm, nguồn gốc thửa đất lô 45 tờ bản đồ F48-103.B.C.3 khu 1, xã Tân Phương do UBND huyện Tam Thanh (cũ) nay là huyện Thanh Thủy giao cho hộ ông Nguyễn Hồng Khanh bằng Quyết định số 195/QĐ-UB ngày 15/10/1995 với diện tích là 10.000m2, thời hạn sử dụng đất là 50 năm.

Đến năm 2013, UBND xã Tân Phương đã tiến hành đo đạc bản đồ địa chính xác định chủ sử dụng thực tế lô đất trên là ông Nguyễn Hồng Khanh và bà Nguyễn Thị Sảo. Ông Khanh, bà Sảo sử dụng thực tế là 2.214,6m2.

Còn lô đất này một phần sử dụng thực tế cùng của vợ chồng anh Nguyễn Quang Sửu (là con trai ông Khanh) với diện tích là 1.934,3m2. UBND xã Tân Phương đo đạc như trên để đưa vào bản đồ quản lý, chưa cấp quyền sử dụng đất cho ai. Khi đo đạc, lập danh sách thì cả ông Khanh và ông Sửu đều đồng ý, không có tranh chấp gì.

Quá trình điều tra, xác minh xác định: Năm 2022 vợ chồng ông Sửu đã cho con gái là chị Nguyễn Thị Yến số diện tích đất nêu trên, sau đó anh Bảy đã mua lại phần đất của chị Yến với giá 150 triệu đồng.

Đối với phần đất của ông Khanh, bà Sảo thì ông Khanh đang bị tai biến nên không ghi được lời khai, còn bà Sảo trình bày: Ông Khanh và bà Sảo đã cho con trai là anh Nguyễn Quốc Tám diện tích đất nêu trên. Sau đó anh Bảy đã đổi cho anh Tám diện tích đất khác lấy phần diện tích là 1.934,3m2.

Do vậy, toàn bộ 10.000m2 đất lô 45 tờ bản đồ số F48-103.B.C.3 thuộc quyền sử dụng của anh Bảy.

Phản bác lại thông tin của VKS quận Bắc Từ Liêm trả lời, ông Nguyễn Trọng Hiên cho biết: Ngày 5/6/2023 làm việc với đại diện VKS quận Bắc Từ Liêm, ông đã yêu cầu làm rõ việc ông Nguyễn Công Bảy có quyền định đoạt thửa đất nêu trên hay không? Tại đây, ông được kiểm sát viên đọc cho nghe căn cứ 3 biên bản mà ông Đỗ Bạch Nhương, điều tra viên lập năm 2023 như sau: “Cá nhân bà Nguyễn Thị Sảo cho đất ông Sửu và ông Tám - ông Sửu cho đất cô Yến - ông Tám và cô Yến chuyển nhượng sang cho ông Bảy" để công nhận ông Bảy có quyền định đoạt và bán đất cho ông Hiên năm 2022.

Mặt khác, quyền định đoạt của các thành viên trong gia đình cũng không được cơ quan điều tra làm rõ, điển hình, ông Nguyễn Văn Khanh (bố đẻ ông Bảy) là chủ hộ đã bị tai biến và không còn khả năng nhận thức từ năm 2021.

Thực tế gia đình ông Khanh, bà Sảo có 8 người con nên việc cho đất phải được lập bằng văn bản có sự chứng nhận của tất cả mọi thành viên trong gia đình.

“Quá trình tôi nhận chuyển nhượng từ ông Bảy, các thành viên trong gia đình chưa có bất cứ văn bản thỏa thuận, ủy quyền nào về việc để ông Bảy đại diện chuyển nhượng thửa đất nêu trên. Ông Bảy không có đủ quyền định đoạt toàn bộ thửa đất đã chuyển nhượng cho tôi. Như vậy cơ quan điều tra căn cứ vào đâu để chứng minh ông Nguyễn Văn Bảy có quyền chuyển nhượng toàn bộ thửa đất trên”, ông Hiên nói.

Ông Hiên cho biết thêm, đã đến yêu cầu điều tra viên, cũng như đại diện VKS cung cấp tài liệu thể hiện việc cho tặng, mua bán, đổi vào thời điểm nào, có hợp pháp như trả lời của khiếu nại để chứng minh sự phù hợp thì không được các cơ quan tố tụng đáp ứng.

Ông Hiên nghi ngờ có việc hợp thức hóa các giao dịch để “tránh tội” cho ông Nguyễn Công Bảy, nên các cơ quan “né tránh” cung cấp thông tin. Nếu như lập luận của VKS thì ông Nguyễn Công Bảy đã nắm rõ diện tích đất thực tế có 4.148,9m2 chứ không phải 10.000m2 trên giấy tờ và sử dụng thực tế hơn 15.000m2 như ông ký hợp đồng.

Một điểm nữa, VKS quận Bắc Từ Liêm khẳng định “toàn bộ 10.000m2 đất lô 45 tờ bản đồ số F48-103.B.C.3 thuộc quyền sử dụng của anh Bảy”, nhưng thực tế được UBND xã Tân Phương đo từ năm 2013 có 4.148,9m2. Vậy, VKS lấy căn cứ thực tế hay căn cứ trên hồ sơ giấy tờ để trả lời, cũng là vấn đề cần được làm rõ nhưng chưa được trả lời cụ thể?

Để làm rõ hơn vụ việc, phóng viên Báo Thanh tra đã về xã Tân Phương liên hệ với ông Trần Dần, Chủ tịch UBND xã. Tuy nhiên ông Dần bận họp và có giao cho cán bộ địa chính xã trao đổi thông tin.

Theo cán bộ địa chính xã Tân Phương, lô đất số 45 tờ bản đồ F48-103.B.C.3 khu 1, xã Tân Phương đúng là được giao cho hộ ông Khánh, bà Sảo theo Quyết định số 195/QĐ-UB ngày 15/10/1995 với diện tích ghi trong đó là 10.000m2, nhưng thực tế đo đạc lại vào năm 2013 thì chỉ còn 4.148,9m2.

Cũng theo thông tin UBND xã Tân Phương cung cấp, nguồn gốc đất của các hộ giáp ranh có hộ ông Nguyễn Xuân Nho là chú ruột ông Bảy. Ông Nho trình báo đứng tên 3 thửa đất giáp ranh, đã bán cho ông Đào Phong Kỳ 1 thửa đất, hiện ông Nho đang sử dụng 2 thửa đất. Căn cứ danh sách được phân đất 1995, ông Nguyễn Xuân Nho không có trong danh sách được phân tại khu vực Gò Vắt Ngang hay tại lô 45 tờ bản đồ số F48-103.B.C.3.

Một nghi vấn được đặt ra: Có hay không việc ông Bảy và gia đình đã bán đất cho nhiều người, trong đó có ông Nho, điều này cũng chưa được cơ quan điều tra làm rõ.

Còn đến thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Công Bảy vẫn không có đất để giao cho vợ chồng ông Nguyễn Trọng Hiên theo như hợp đồng đã ký kết và nhận tiền.

Nếu như số đất trên đã thuộc quyền định đoạt của ông Bảy như trả lời của VKS quận Bắc Từ Liêm, tại sao ông Bảy không chuyển giao cho ông Hiên? Hành vi của ông Nguyễn Công Bảy cần phải được VKS xem lại, khi đã nhận tiền của ông Hiên hơn một năm qua nhưng không giao đất?

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Doanh nghiệp có vốn 1,5 tỷ, 4 lao động, tham gia loạt thầu trăm tỷ tại UBND huyện Hương Khê

Doanh nghiệp có vốn 1,5 tỷ, 4 lao động, tham gia loạt thầu trăm tỷ tại UBND huyện Hương Khê

(Thanh tra) - Với số vốn khá khiêm tốn 1,5 tỷ đồng cùng số lao động đăng ký là 4 người, thế nhưng, Công ty Sông Ba đã tham gia và trúng 9/9 gói thầu tại huyện Hương Khê, với tổng giá trị trúng thầu hơn 300 tỷ đồng. Đáng nói, đa số các gói thầu doanh nghiệp này góp mặt có tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách rất thấp. Đi kèm với đó, công ty này có cách xoay vòng vốn thú vị.

Quang Dân

11:03 23/11/2024
Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024

Tin mới nhất