Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Mời thầu không có dự phòng trong giá gói thầu, đúng hay sai?

Văn Thanh

Thứ hai, 18/09/2023 - 14:32

(Thanh tra) - Nhiều phản ánh và ý kiến cho rằng, việc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng (BQLDAĐTXD) huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa mời thầu gói thầu số 03 xây lắp với hình thức hợp đồng trọn gói, nhưng không có dự phòng trong giá gói thầu, là chưa khách quan, chưa đảm bảo đúng luật.

Trụ sở UBND huyện Thạch Thành. Ảnh: VT

Mời thầu không có dự phòng trong giá, đúng hay sai?

Ngày 18/5/2023, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành ký Quyết định số 1359/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án sữa chữa, cải tạo hồ Giếng Âm, xã Thành Tâm. Căn cứ vào quy mô, tính chất kỹ thuật và tiến độ thực hiện, những công việc lập kế hoạch đầu tư được chia thành 6 gói thầu, cụ thể: Gói thầu số 01 tư vấn khảo sát, lập thiết kế BVTC-DT; gói thầu số 02 tư vấn lựa chọn nhà thầu xây lắp; gói thầu số 03 xây lắp; gói thầu số 04 giám sát thi công; gói thầu số 05 bảo hiểm; gói thầu số 06 kiểm toán.

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành giao cho BQLDAĐTXD thực hiện các bước đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Đến ngày 12/7/2023, ông Nguyễn Đức Luận, Giám đốc BQLDAĐTXD huyện Thạch Thành đã ban hành Quyết định số 205/QĐ-BQLDA phê duyệt dự toán các gói thầu, trong đó có gói thầu số 03 xây lắp giá trị 12.868.186.000 đồng. Trong đó có nội dung giao Phòng Kỹ thuật - Thẩm định chủ trì phối hợp với các phòng Kế hoạch Tài chính - Kế toán, Ban Điều hành dự án, căn cứ nội dung phê duyệt có trách nhiệm thực hiện các bước tiếp theo.

Theo thông tin kế hoạch lựa chọn nhà thầu của BQLDAĐTXD huyện Thạch Thành, trong đó giá gói thầu số 03 xây lắp có giá trị 12.711.758.000 đồng, hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ, đấu thầu qua mạng; hình thức hợp đồng trọn gói, thời hạn thực hiện hợp đồng 10 tháng, thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu quý II/2023. Đáng nói là việc tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu số 03 xây lắp đã có đơn vị phản ánh đến phóng viên Báo Thanh tra là việc BQLDAĐTXD huyện Thạch Thành không đưa dự phòng trong giá gói thầu là chưa đúng, có dấu hiệu làm sai luật.

Cụ thể, theo phản ánh, tại Điều 17 Nghị định 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 xác định dự toán gói thầu “chi phí dự phòng trong dự toán gói thầu được xác định phù hợp với hình thức hợp đồng sử dụng gói thầu ghi trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu”.

Điều 19 của nghị định này quy định “giá gói thầu xây dựng là giá trị của gói thầu xây dựng được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu làm cơ sở để lựa chọn nhà thầu. Giá gói thầu xây dựng gồm toàn bộ chi phí cần thiết, được tính đúng, tính đủ để thực hiện gói thầu xây dựng, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế”.

Theo Khoản 1, Điều 62 Luật Đấu thầu 43/2013/QH13 thì “khi áp dụng gói thầu trọn gói, giá gói thầu để làm căn cứ xét duyệt trúng thầu bao gồm cả chi phí cho các yếu tố rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng, chi phí dự phòng trượt giá”, sau này nhà thầu trúng thầu không có quyền đề nghị chi phí phát sinh khối lượng hay trượt giá nữa, vì trong lúc dự thầu, hình thức hợp đồng trọn gói là nhà đầu tư đã phải tính toán cả vào giá dự thầu rồi.

Do đó, căn cứ vào những dẫn chứng nói trên thì cơ quan chức năng cần làm rõ thông tin phản ánh BQLDAĐTXD huyện Thạch Thành khi mời thầu gói thầu số 03 xây lắp mà không đưa dự phòng trong giá gói thầu là sai quy định của pháp luật, đúng hay sai?

Dùng cảm tính để xác định không phát sinh trượt giá

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra về vụ việc, ông Nguyễn Đức Luận, Giám đốc BQLDAĐTXD huyện Thạch Thành xác nhận: Đúng là có việc chủ đầu tư không đưa dự phòng vào gói thầu 03 xây lắp dự án sữa chữa, cải tạo hồ Giếng Âm, xã Thành Tâm. Cơ sở chủ đầu tư thực hiện là căn cứ vào Khoản 2, Điều 5 Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 26/10/2015 “Giá gói thầu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư của dự án. Trường hợp dự toán đã được phê duyệt trước khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì căn cứ dự toán để lập giá gói thầu. Giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng (chi phí dự phòng trượt giá, chi phí dự phòng phát sinh khối lượng và chi phí dự phòng cho các khoản tạm tính (nếu có), phí, lệ phí và thuế. Đối với các gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng ngắn, không phát sinh rủi ro, trượt giá thì chi phí dự phòng được tính bằng không. Chi phí dự phòng do chủ đầu tư xác định theo tính chất từng gói thầu nhưng không được vượt mức tối đa do pháp luật chuyên ngành quy định.

"Do quy mô gói thầu này không lớn, dưới 20 tỷ đồng nên được coi là nhỏ, thời gian thực hiện hợp đồng 10 tháng nên được coi là ngắn, do đó, chủ đầu tư dựa trên cảm tính không phát sinh rủi ro, trượt giá nên không đưa dự phòng vào gói thầu số 03 xây lắp”, ông Luận nói.

Phản bác lại ý kiến của Giám đốc BQLDAĐTXD huyện Thạch Thành, nguồn tin phản ánh cho rằng trong Khoản 2, Điều 5 Thông tư 10/2015/TT–BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 26/10/2015 vẫn hướng dẫn giá gói thầu phải được tính đúng, tính đủ các chi phí. Do đó, chủ đầu tư không thể dùng “cảm tính” nói là không phát sinh trong quá trình thi công và trượt giá được. Đối với gói thầu này, tiến độ thi công là 10 tháng, với tình hình thực tế hiện nay giá cả thị trường biến động theo từng tuần, không thể xác định là không phát sinh rủi ro, trượt giá. Ví dụ, những tháng gần đây, giá xăng dầu biến động theo hình thức tăng dẫn đến các loại vật liệu khác biến động tăng theo. Chủ đầu tư là BQLDAĐTXD làm như vậy là cảm tính, không có cơ sở, chưa đúng? Trong khi đó, dự toán thẩm định duyệt vẫn có chi phí dự phòng, tại sao khi duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu lại bỏ chi phí dự phòng ra, mang tính chất chủ quan cá nhân, không có cơ sở.

Với sự việc nêu trên, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa sớm chỉ đạo các ban, ngành chức năng kiểm tra, làm rõ việc BQLDAĐTXD huyện Thạch Thành mời thầu gói thầu số 03 xây lắp dự án sữa chữa, cải tạo hồ Giếng Âm, xã Thành Tâm nhưng không có dự phòng trong giá gói thầu, là đúng hay sai? Trên cơ sở kiểm tra, bổ sung hoặc không bổ sung để hủy bỏ hoặc không hủy bỏ kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024
Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

(Thanh tra) - Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, năm 2017, Công ty Dương Minh được độc quyền nhập khẩu, phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ. Tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam.

Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh

08:00 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm