Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Mất 16 tháng để biến hơn 62ha “đất vàng” sân golf thành khu đô thị

Chu Tuấn

Thứ tư, 30/03/2022 - 08:00

(Thanh tra) - Chỉ trong vòng chưa đầy 16 tháng, hơn 62ha “đất vàng” của Dự án Ocean Dunes Golf Club (Sân golf Phan Thiết) đã được cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất thể dục, thể thao sang đất ở, kết hợp thương mại, dịch vụ… để trở thành Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Đây là 1 trong 9 dự án đang được Bộ Công an vào cuộc điều tra, làm rõ tại tỉnh Bình Thuận…

Chỉ mất chưa đầy 16 tháng để biến hơn 62ha “đất vàng” sân golf thành khu đô thị. Ảnh: Chu Tuấn

Theo tài liệu thu thập, Dự án Sân golf Phan Thiết nằm tại phường Phú Thủy và Thanh Hải của TP Phan Thiết. Chủ đầu tư là Công ty Regent International Overseas Corp (100% vốn nước ngoài).

Ngày 25/9/1993, Thủ tướng đã có quyết định cho công ty này thuê 62ha đất để xây dựng và kinh doanh sân golf theo hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm…

Để kinh doanh tại Việt Nam, Công ty Regent International Overseas Corp thành lập pháp nhân là Công ty Golf và Câu lạc bộ golf Phan Thiết.

Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết không bố trí 20% quỹ đất ở để xây dựng nhà ở xã hội. Ảnh: Chu Tuấn

Ngày 8/9/2013, Công ty Regent International Overseas Corp, Công ty Golf và Câu lạc bộ golf Phan Thiết cùng Công ty Cổ phần Rạng Đông (Cty Rạng Đông) ký kết hợp đồng chuyển nhượng vốn điều lệ của Công ty Golf và Câu lạc bộ golf Phan Thiết.

Sau khi nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn điều lệ, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã điều chỉnh nhà đầu tư tại giấy phép đầu tư từ Công ty Regent International Overseas Corp thành Cty Rạng Đông và thay đổi người đại diện theo quy định pháp luật Công ty Golf và Câu lạc bộ golf Phan Thiết (pháp nhân trực tiếp thực hiện dự án thuộc Cty Rạng Đông)…

Quy mô của dự án là 620.656m2, dự kiến gồm 308 nền biệt thự, 1.207 bền nhà phố và các công trình khác. Ảnh: Chu Tuấn

Mọi việc xong xuôi, ngày 24/12/2013, ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty Rạng Đông có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đề nghị cho chuyển đổi Dự án Sân golf Phan Thiết sang đất ở đô thị.

Theo đề nghị của Cty Rạng Đông, ngày 4/3/2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã họp cùng đại diện các sở, ngành, đại diện Văn phòng Tỉnh ủy… để thống nhất một số nội dung liên quan tới việc xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

Ngày 6/5/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất để UBND tỉnh báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng toàn bộ diện tích 620.656m2 (hơn 62ha) đất sân golf sang xây dựng khu đô thị…

Ngày 23/5/2014, UBND tỉnh đã có tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị đưa Sân golf Phan Thiết ra khỏi quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất sân golf (đất thể dục, thế thao) sang đất ở đô thị.

Ngày 28/10/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận đồng ý đưa Sân golf Phan Thiết ra khỏi quy hoạch sân golf Việt Nam nhưng không có ý kiến về việc xin chuyển đổi mục đích sử dụng toàn bộ diện tích hơn 62ha sang đất ở đô thị.

Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết được thực hiện theo hình thức Nhà nước giao đất, không thông qua đấu giá. Ảnh: Chu Tuấn

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ không có ý kiến về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở đô thị, nhưng ngày 18/12/2014, UBND tỉnh Bình Thuận vẫn ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cục bộ quy hoạch chung TP Phan Thiết. Theo đó, điều chỉnh khu vực Sân golf Phan Thiết thành khu đô thị mới…

Ngày 26/3/2015, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư (thay đổi lần 6), cho phép Công ty Golf và Câu lạc bộ golf Phan Thiết đầu tư Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Theo đó, quy mô của dự án là 620.656m2, dự kiến gồm 308 nền biệt thự, 1.207 bền nhà phố và các công trình khác…

Theo ghi nhận thực tế, hiện đã có rất nhiều công trình được xây dựng tại dự án. Ảnh Chu Tuấn

Ngày 6/4/2015, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Tuy nhiên, đồ án này không bố trí 20% quỹ đất ở để xây dựng nhà ở xã hội tại dự án…

Đến ngày 10/4/2015, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Quyết định số 997/QĐ-UBND cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích 620.656m2. Trong đó, đất ở đô thị là 363.523,6m2, nguồn gốc do Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất…

Sau đó, Công ty Golf và Câu lạc bộ golf Phan Thiết đổi tên thành Công ty TNHH Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết…

Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết là 1 trong 9 khu đất đang được Bộ Công an tiếp hành điều tra, làm rõ. Ảnh: Chu Tuấn

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 16 tháng, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã thực hiện nguyện vọng của Cty Rạng Đông là biến một khu “đất vàng” Sân golf Phan Thiết rộng hơn 62ha nằm giữa TP Phan Thiết sang đất ở đô thị để doanh nghiệp thực hiện dự án khu đô thị du lịch biển.

Ngày 11/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các cơ quan chức năng địa phương tiến hành xác minh thực địa tại Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết tại phường Phú Thủy, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. 

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Doanh nghiệp có vốn 1,5 tỷ, 4 lao động, tham gia loạt thầu trăm tỷ tại UBND huyện Hương Khê

Doanh nghiệp có vốn 1,5 tỷ, 4 lao động, tham gia loạt thầu trăm tỷ tại UBND huyện Hương Khê

(Thanh tra) - Với số vốn khá khiêm tốn 1,5 tỷ đồng cùng số lao động đăng ký là 4 người, thế nhưng, Công ty Sông Ba đã tham gia và trúng 9/9 gói thầu tại huyện Hương Khê, với tổng giá trị trúng thầu hơn 300 tỷ đồng. Đáng nói, đa số các gói thầu doanh nghiệp này góp mặt có tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách rất thấp. Đi kèm với đó, công ty này có cách xoay vòng vốn thú vị.

Quang Dân

11:03 23/11/2024
Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm