Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hành vi của Công ty Apatit có giống của Công ty Lilama?

Nam Dũng - Thành Nam

Thứ sáu, 17/09/2021 - 06:37

(Thanh tra)- Vừa qua, Công an tỉnh Lào Cai đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với Nguyễn Mạnh Thừa, Giám đốc Công ty Lilama về tội “vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015. Thực tế, Công ty Apatit cũng có những hành vi tương tự khi khai thác, vận chuyển và sử dụng quặng apatit loại 3 (quặng 3) tại các bãi thải và kho lưu.

Kho Ga 3, nơi đang tồn chứa quặng apatit loại 3 của Công ty Apatit. Ảnh: ND

Công ty Apatit vi phạm những gì?

Ngày 25/12/2018, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 4227 xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Apatit Việt Nam (Công ty Apatit) số tiền 310 triệu đồng do đã thực hiện 3 hành vi vi phạm, bao gồm:

Hành vi thứ nhất: Thu hồi khoáng sản đi kèm khoáng sản mới phát hiện trong quá trình khai thác; thu hồi khoáng sản ở bãi thải của mỏ trong quá trình khai thác nhưng chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định (Công ty Apatit khai thác quặng 2; quặng 3 tại các khai trường).

Hành vi thứ 2: Khai thác vượt công suất được phép khai thác hàng năm ghi trong giấy phép khai thác khoáng sản từ 25 đến dưới 50%.

Hành vi thứ 3: Thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm gây ra.

Đến ngày 12/3/2019, Tổng cục Địa chất khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã có Văn bản số 532 yêu cầu Công ty Apatit: Dừng ngay việc thu hồi, sử dụng khoáng sản tại bãi thải (quặng 3 tại các kho lưu) do chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác quyết định việc khai thác để công ty thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định. Chỉ được thu hồi, sử dụng khoáng sản tại bãi thải khi có ý kiến cho phép của Bộ TNMT.

Thực hiện nghiêm túc Công văn số 3042 ngày 5/11/2018 của Tổng cục Địa chất khoáng sản về việc báo cáo tổng hợp về khối lượng quặng 3 đã thu hồi và sử dụng thực tế hàng năm; tổng hợp sổ sách, chứng từ và các tài liệu có liên quan đến hoạt động thu hồi và sử dụng khoáng sản tại bãi thải (kho lưu quặng 3) từ khi khai thác đến nay nộp về Tổng cục Địa chất khoáng sản để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Công ty Apatit phải thực hiện nghĩa vụ nộp thêm tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với việc sử dụng khoáng sản tại bãi thải sau khi có thông báo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Chấp hành nghiêm quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND tỉnh Lào Cai.

Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ban hành thông báo này, Công ty Apatit phải báo cáo bằng văn bản về kết quả khắc phục các tồn tại, vi phạm gửi về Tổng cục Địa chất khoáng sản và Sở TNMT Lào Cai. Trường hợp công ty không thực hiện đầy đủ các yêu cầu nêu trên, Tổng cục Địa chất khoáng sản sẽ xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tiếp đó, ngày 20/9/2019, ông Trịnh Xuân Trường (khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai) đã ký Văn bản số 4364, yêu cầu: “Trong thời gian chưa có ý kiến chỉ đạo của Bộ TNMT về việc vận chuyển quặng 3 tại các kho lưu, Công ty Apatit không được vận chuyển, sử dụng quặng 3 đã khai thác, tập kết tại các kho lưu và thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai tại Văn bản số 3910 ngày 26/8/2019 của UBND tỉnh”.

Đến ngày 19/5/2021, Sở TNMT Lào Cai có Văn bản 1257 gửi UBND TP Lào Cai và Công ty Apatit về việc quản lý, bảo vệ quặng 3, yêu cầu Công ty Apatit không được vận chuyển, sử dụng quặng 3 đã khai thác, tập kết tại các kho lưu khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Hoạt động vận chuyển và sử dụng quặng 3 nêu trên khi chưa có ý kiến của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là vi phạm pháp luật.

Báo cáo tổng hợp khối lượng quặng 3 tại kho lưu đã khai thác, vận chuyển và sử dụng; kết quả thực hiện các nghĩa vụ tài chính về Sở TNMT (kèm hóa đơn, chứng từ) trước ngày 24/5/2021.

Đề nghị UBND TP Lào Cai thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai về việc chưa cho phép vận chuyển, sử dụng quặng 3 tại các kho lưu; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền.

Đặc biệt, tại Văn bản số 2309 ngày 2/6/2021 của UBND tỉnh Lào Cai gửi Sở TNMT, Sở Công thương, UBND TP Lào Cai và Công ty Apatit, Thường trực UBND tỉnh đã nhắc nhở lãnh đạo Công ty Apatit không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh về việc quản lý, sử dụng quặng 3 tại các kho lưu.

Yêu cầu Công ty Apatit dừng ngay hoạt động chuyển quặng 3 tại các kho lưu chứa đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai tại Văn bản số 4364 ngày 20/9/2019; Văn bản số 3910 ngày 26/8/2019 và Văn bản số 1257 ngày 19/5/2021 của Sở TNMT.

Hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý trình cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng quặng 3 trước khi được phép sử dụng. Đồng thời rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý có liên quan (về đất đai, môi trường, khoáng sản) đến việc lưu trữ quặng 3 tại các kho lưu.

Cho đến tháng 9/2021, Công ty Apatit mới có văn bản gửi các khách hàng sử dụng quặng apatit tuyển cho biết: Hiện nay, Công ty Apatit đang gặp nhiều khó khăn về nguồn quặng 3 làm nguyên liệu cho các nhà máy tuyển. Theo giấy phép khai thác được cấp thì lượng quặng 3 tại các kho, bãi chứa của công ty lưu từ các giai đoạn trước (trước khi có các nhà máy tuyển và phát sinh các năm sau), hiện các cơ quan quản lý Nhà nước và UBND tỉnh Lào Cai chưa giải quyết cho công ty đưa ra sử dụng.

Có thể thấy, trong thời gian 3 năm (từ 2018 đến tháng 9/2021), Công ty Apatit đã vi phạm thường xuyên trong thời gian dài, “bất chấp” chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai và các cơ quan khác đối với việc khai thác, vận chuyển và sử dụng quặng 3.

Vi phạm quy định của pháp luật?

Theo thông tin phóng viên Báo Thanh tra có được, tổng số quặng 3 đang tồn tại các kho lưu của Công ty Apatit tính đến ngày 1/1/2020 là gần 21,6 triệu tấn, và khối lượng quặng 3 Công ty Apatit đã vận chuyển và sử dụng là hơn 774 nghìn tấn.

Với những nhà máy tuyển quặng của Công ty Apatit, thì cứ 3 tấn quặng thô (quặng 3) sẽ tuyển được 1 tấn quặng tinh để bán ra thị trường hiện tại có giá khoảng 1,1 triệu đồng/tấn. Như vậy, số tiền Công ty Apatit thu về là không hề nhỏ.

Theo Điều 17 Luật Khoáng sản 2010 quy định tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản có trách nhiệm: Khi thăm dò khoáng sản phải đánh giá tổng hợp và báo cáo đầy đủ các loại khoáng sản phát hiện được trong khu vực thăm dò cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép; khi khai thác khoáng sản phải áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa các loại khoáng sản được phép khai thác; nếu phát hiện khoáng sản mới phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép; quản lý, bảo vệ khoáng sản đã khai thác nhưng chưa sử dụng hoặc khoáng sản chưa thu hồi được.

Còn theo Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015 quy định “tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên: Người nào vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép, thuộc một trong những trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 1,5-5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác trị giá 500 triệu đồng trở lên; khoáng sản trị giá 1 tỷ đồng trở lên; có tổ chức; gây sự cố môi trường…

Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1,5-3 tỷ đồng.

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3-7 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm".

Nếu chiếu theo các quy định của pháp luật thì Công ty Apatit có dấu hiệu vi phạm vào các quy định này như: Đã gây sự cố môi trường, đã được cơ quan Nhà nước yêu cầu dừng vận chuyển, sử dụng quặng 3 và đặc biệt là đã bị UBND tỉnh Lào Cai xử phạt hành chính về các hành vi này.

Tại sao, suốt từ năm 2018 đến nay, Công ty Apatit không hoàn thiện hồ sơ để được sử dụng hơn 21 triệu tấn quặng 3? Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý để làm rõ vấn đề này.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Khi nào mới xử lý hành vi gian lận trong đấu thầu của Công ty TNHH Xây dựng Gia Phúc Lộc?

Khi nào mới xử lý hành vi gian lận trong đấu thầu của Công ty TNHH Xây dựng Gia Phúc Lộc?

(Thanh tra) - Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, tổ chuyên gia phát hiện một nhân sự của Công ty TNHH Xây dựng Gia Phúc Lộc sử dụng bằng cấp giả mạo. Với hành vi này, tổ chuyên gia đã kết luận Công ty TNHH Xây dựng Gia Phúc Lộc đã có hành vi gian lận theo khoản 4, Điều 16 của Luật Đấu thầu năm 2023.

Chu Tuấn

15:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm