Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chưa xác định thiệt hại đối với 32 hợp đồng tín dụng?

Thúy Nhài - Lê Hiếu

Chủ nhật, 09/04/2023 - 07:00

(Thanh tra) - Trong 2 bài viết trước, chúng tôi đã đề cập đến lá đơn cầu cứu của nhóm cán bộ Ngân hàng Hợp tác xã gửi đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao khi nhận được quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can về tội “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng”.

Quỹ Tín dụng thị trấn Me là nơi xảy ra vụ án... của bà Hằng. Ảnh: PV

Điều 85 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định, một trong những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự là mức độ thiệt hại của hành vi vi phạm gây ra.

Một trong các tài liệu quan trọng được đề cập đến tại đơn kêu oan gửi đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao của các bị can Đặng Văn Quang, Nguyễn Ngọc Việt và Nguyễn Văn Quyền là Kết luận giám định số 446/KLGĐ-NBI ngày 28/06/2022 của Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Ninh Bình.

Kết luận này nêu rõ: “Chưa đủ căn cứ kết luận “quá trình thẩm định, đề xuất, phê duyệt, ký kết, kiểm tra việc thực hiện đối với 32 hợp đồng tín dụng mà Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam - Chi nhánh Ninh Bình (Ngân hàng HTX Ninh Bình) cho Quỹ Tín dụng thị trấn Me (Quỹ TD Me) vay có đảm bảo điều kiện xét, cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước không”.

Kết luận giám định số 446/KLGĐ-NBI này không nêu bất kỳ thiệt hại nào tại Ngân hàng HTX Ninh Bình.

Như vậy, việc Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Ninh Bình kết luận rằng, “mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam- Chi nhánh Ninh Bình và Ngân hàng HTX Việt Nam không trả lời nội dung liên quan đến xác định thiệt hại đối với 32 hợp đồng tín dụng Ngân hàng HTX Ninh Bình cho Quỹ TD Me vẫn còn dư nợ. Tuy nhiên tài liệu điều tra là kết quả làm việc với Ngân hàng HTX Ninh Bình và Quỹ TD Me cùng với kết luận trong các bản kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Ninh Bình, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình và bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình đủ căn cứ xác định số tiền còn dư nợ là trên 47,8 tỷ đồng tại 32 hợp đồng vay vốn chính là thiệt hại mà các bị can đã gây ra trong vụ án này” là không phù hợp theo bản chất sự việc và theo quy định của pháp luật.

Tại Kết luận điểu tra bổ sung số 03/BKL-CSKT ngày 13/01/2023, khi xác định sai phạm của các bị can trong việc thẩm định, phê duyệt, ký kết, kiểm tra việc thực hiện vốn vay đối với 32 hợp đồng tín dụng, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Ninh Bình không căn cứ theo bản kết luận giám định mà chỉ chứng minh chứng cứ buộc tội qua lời khai của các cán bộ Quỹ TD Me và bằng lập luận của điều tra viên. Việc này không đảm bảo nguyên tắc tôn trọng sự thật khách quan và nguyên tắc suy đoán vô tội theo Điều 13 và Điều 15 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 qui định. Trường hợp không có căn cứ bác bỏ kết luận giám định thì cơ quan cảnh sát điều tra phải sử dụng kết luận giám định là nguồn chứng cứ có giá trị pháp lý để làm căn cứ giải quyết vụ án hình sự”.

Quỹ TD Me đã thật sự mất khả năng thanh toán số tiền còn dư nợ 47,8 tỷ đồng hay chưa?

Theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình trong 2 vụ án tham ô, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vi phạm quy định về kế toán tại Quỹ TD Me, nguyên nhân của việc mất khả năng thanh toán là do bà Hằng - Chủ tịch Quỹ TD Me làm sai quy định của pháp luật, sử dụng khoản vay của Ngân hàng HTX Ninh Bình không đúng mục đích. Đến nay, Quỹ TD Me đã có ban lãnh đạo mới và vẫn tiếp tục hoạt động, không có bất kỳ quyết định chấm dứt hoạt động nào của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Do vậy, trong tương lai, Quỹ TD Me vẫn có khả năng sản xuất kinh doanh, tạo ra doanh thu để chi trả số dư nợ còn lại.

Ngày 25/10/2021, ông Phạm Văn Ơn - Chủ tịch Quỹ TD Me đã có văn bản đề nghị gửi Cơ quan Cảnh sát Điều tra, trong đó cam kết sẽ dùng các nguồn thu của quỹ để trả nợ vay cho Ngân hàng HTX Ninh Bình, dự kiến thời gian thanh toán hết công nợ là 5 năm.

Kết luận điều tra bổ sung số 03/BKL-CSKT, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Ninh Bình căn cứ theo kết quả làm việc với Ngân hàng HTX và Quỹ TD Me để xác định thiệt hại là không đúng quy định và hồ sơ vụ án.

Theo biên bản làm việc giữa điều tra viên Đỗ Hải Lương và Quỹ TD Me ngày 11/01/2023, hai bên chỉ xác định số lượng hợp đồng tín dụng, giá trị vay nợ giữa Ngân hàng HTX Ninh Bình và Quỹ TD Me. Ngoài nội dung làm việc này, hai bên “không làm việc với nội dung nào khác”. Như vậy, Quỹ TD Me chưa có bất kỳ văn bản chính thức, thông báo trước thông tin đại chúng hay thông cáo báo chí nào xác nhận Quỹ TD Me đã mất khả năng thanh toán.

Ngân hàng HTX Ninh Bình có thực sự bị thiệt hại đối với số tiền dư nợ “xấu” của Quỹ TD Me hay không?

Theo các chuyên gia về hoạt động tài chính ngân hàng, dự phòng rủi ro tín dụng là số tiền được trích lập và hạch toán vào chi phí hoạt động để dự phòng cho những rủi ro có thể xảy ra đối với nợ của tổ chức tín dụng.

Điều 131 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 quy định về việc dự phòng rủi ro như sau: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Khoản dự phòng rủi ro này được hạch toán vào chi phí hoạt động”.

Như vậy, Ngân hàng HTX Ninh Bình sẽ thực hiện biện pháp nghiệp vụ, sử dụng quỹ dự phòng để xử lý rủi ro đối với những khoản nợ có khả năng mất vốn. Sau đó, Ngân hàng HTX Ninh Bình sẽ tiếp tục theo dõi, có các biện pháp thu hồi nợ đầy đủ, triệt để đối với khoản nợ được xử lý rủi ro.

Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo thông tư quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho những trường hợp tương tự trường hợp của Quỹ TD Me tại vụ án này.

Do đó, không thể coi số tiền dư nợ còn lại là 47,8 tỷ đồng chưa thu hồi được là thiệt hại của Ngân hàng HTX Ninh Bình trong vụ án này.

Theo luật sư Vũ Văn Thiệu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hành vi của các bị can không phải là tác nhân trực tiếp gây ra việc mất khả năng thanh toán của Quỹ TD Me để gây thiệt hại cho Ngân hàng HTX Ninh Bình.

Bởi lẽ, hoạt động cho vay điều hòa vốn giữa Ngân hàng HTX Ninh Bình với Quỹ TD Me là nhiệm vụ thường xuyên đã được thể chế hóa tại các quy định của pháp luật. Điều 9 và Điều 25 Quy chế Điều hòa vốn số 177 quy định, Quỹ TD Me phải có nghĩa vụ sử dụng vốn vay đúng mục đích và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi không thực hiện đúng những thỏa thuận về trả nợ vay và các nội dung đã cam kết trong hợp đồng tín dụng. Việc lừa đảo, lập khống chứng từ, sử dụng số tiền vay vào mục đích cá nhân là hành vi sai phạm của bà Hằng và các cán bộ Quỹ TD Me. Trong quá trình thẩm định, xét duyệt, cấp tín dụng cho Quỹ TD Me, các bị can trong vụ án này không biết trước mục đích vi phạm pháp luật của bà Hằng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến mới của vụ việc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm