Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chủ tịch tỉnh Đồng Nai trả lời sai lệch về thực trạng sử dụng đất của ông Phan Hồng Đức?

Nguyên Dũng

Thứ bảy, 08/04/2023 - 07:00

(Thanh tra) - Liên quan đến hơn 2,15ha đất hợp pháp của ông Phan Hồng Đức (73 tuổi, ngụ TP HCM) bị cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đưa vào diện đất “ao hoang” rồi cấp “sổ đỏ” cho Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Long Thành mà Báo Thanh tra phản ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản trả lời về vụ việc. Tuy nhiên, theo ông Đức, nội dung trả lời sai lệch về thực trạng sử dụng đất trên thực tế.

Ông Phan Hồng Đức cho rằng văn bản trả lời của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về nguồn gốc, hiện trạng đất của gia đình ông là thiếu khách quan. Ảnh: Nguyên Dũng

Chủ tịch tỉnh Đồng Nai trả lời gì về vụ việc?

Ngày 7/7/2022 và 23/12/2022, Báo Thanh tra đăng tải 2 bài viết: “Huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai: Hơn 2,15ha đất bỗng hóa “ao hoang”, trái bóng “trách nhiệm” 20 năm chưa ai nhận”; “Nạn nhân vẫn chưa đòi được quyền lợi chính đáng”, phản ánh về vụ việc ông Phan Hồng Đức trong nhiều năm nay đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi để đòi lại hơn 2,15ha đất hợp pháp của gia đình bị cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đưa vào diện đất “ao hoang”, sau đó cấp “sổ đỏ” cho BQL rừng phòng hộ Long Thành.

Sau khi báo đăng, ngày 19/1/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có Văn bản số 661/UBND-TCD về việc “thông báo kết quả xử lý nội dung kiến nghị của ông Phan Hồng Đức”, do bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ký thay Chủ tịch tỉnh.

Tiếp đó, ngày 24/2/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cũng ký thay Chủ tịch UBND tỉnh này Văn bản số 1502/UBND-TCD gửi Báo Thanh tra về việc “thông báo kết quả xử lý đơn thư của ông Phan Hồng Đức”.

Văn bản lời của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về vụ việc. Ảnh: Nguyên Dũng

Nội dung 2 văn bản trên của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nêu rõ: Sau khi xem xét báo cáo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường tại các Công văn số 9117/STNMT-CCQLĐĐ ngày 23/11/2022 và số 435/DTNMT-CCQLĐĐ ngày 18/1/2023, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến:

Về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ): Các thửa đất số 42; 43; 47; 73, thuộc tờ bản đồ địa chính xã Long Phước, huyện Long Thành có nguồn gốc do UBND tỉnh giao cho Lâm trường Lòng Tàu quản lý, sử dụng tại Quyết định số 555/QĐ.UBND ngày 9/7/1977.

Sau khi đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh được phê duyệt và qua nhiều lần chuyển đổi, đổi tên, thực hiện việc rà soát, kê khai tình hình sử dụng đất đối với toàn bộ quỹ đất thì các thửa đất số 42; 43; 47; 73 (nêu trên) do BQL rừng phòng hộ Long Thành trực tiếp quản lý, sử dụng.

Ngày 4/12/2007, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 4258/QĐ-UBND về việc công nhận quyền sử dụng đất cho BQL rừng phòng hộ Long Thành, trong đó có các thửa đất số 42; 43; 47; 73.

Ngày 26/10/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp GCNQSDĐ số CE 201600 cho BQL rừng phòng hộ Long Thành đối với 2 thửa đất số 43 và 73, tờ bản đồ địa chính số 76 (xã Long Phước).

Về hiện trạng sử dụng đất, ngày 14/9/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND huyện Long Thành, UBND xã Long Phước và BQL rừng phòng hộ Long Thành, cùng ông Phan Hồng Đức đã kiểm tra hiện khu đất. Kết quả hiện trạng trên đất có cây mắm, cây cóc mọc tự nhiên.

Từ nội dung trên, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng việc ông Phan Hồng Đức kiến nghị xem xét lại việc Sở Tài nguyên và Môi trường cấp GCNQSDĐ số CE 201600 cho BQL rừng phòng hộ Long Thành là không có cơ sở!

Trả lời của Chủ tịch tỉnh Đồng Nai thiếu khách quan và sai lệch thực trạng sử dụng đất

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Phan Hồng Đức cho rằng, nội dung trả lời trên của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai là thiếu khách quan và sai lệch về thực trạng sử dụng đất trên thực tế của gia đình.

Theo ông Đức, tất cả diện tích đất tại các thửa đất 42; 43; 47; 73 (cùng thuộc tờ bản đồ 76) tại địa bàn xã Long Phước là đất ông nhận chuyển nhượng hợp pháp từ bà Nguyễn Thị Lệ Hoa (58 tuổi, ngụ xã Long Phước) vào năm 1996 với giá 4 lượng vàng và 10 triệu đồng. Diện tích đất này có nguồn gốc trước đó bà Hoa mua lại từ ông Lê Văn Thành (69 tuổi, ngụ tại địa phương) 2,5ha vào tháng 3/1993.

Ngoài ra, vào năm 1993, bà Hoa có khai hoang thêm 1,7ha đất (bên cạnh khu đất đã mua của ông Thành) và một vùng đất rộng lớn khác (nhưng không xác nhận cụ thể diện tích) kế cạnh để canh tác.

Ông La Văn Lớn (54 tuổi, ngồi bên phải) xác nhận, tháng 9/2001 ông Đức bán lại cho ông 1,05ha đất với giá 15 triệu đồng. Hiện tại diện tích này đã được cơ quan chức năng cấp GCNQSDĐ. Ảnh: Nguyên Dũng

Ngày 15/3/1993, UBND xã Long Phước ký, đóng dấu xác nhận cho bà Hoa được phép canh tác, làm chủ sở hữu toàn bộ diện tích đất đã mua và đã khai hoang nêu trên.

Từ năm 1993 đến 1996, gia đình bà Hoa trồng lúa, đắp bờ nuôi hải sản trên diện tích đất đã được UBND xã Long Phước xác nhận và có đóng thuế nông nghiệp cho Nhà nước.

Ngày 30/9/1996 và ngày 3/10/1996, sau khi tiến hành đo đạc lại diện tích đất của gia đình trên thực địa được 4,9ha, bà Hoa đã ký giấy tay sang nhượng lại cho ông Đức.

Cũng theo ông Đức, ngay sau khi mua được đất, từ năm 1996 đến 2000, ông làm được 1 con đường đất ra vào khu đất (dài khoảng 450m, rộng 4m) đắp bằng tay cùng 10 cống thoát nước (2 cống bằng gỗ, 8 cống bằng xi măng), hệ thống đê bao hình thang bao quanh 6 hồ nước lớn (mỗi đê bao rộng 2m, cao 1m).

Ngoài ra, ông Đức cũng đã dựng lên trên phần đất của gia đình 1 căn chòi (rộng khoảng 30m2) để ăn ở, sinh hoạt.

Tháng 9/2000, nhằm bổ sung nguồn vốn nuôi hải sản, ông bán 1,3ha (trong tổng số 4,9ha đất trên) cho ông Nguyễn Phát Đạt (60 tuổi, ngụ xã Long Phước) với 19,5 triệu đồng.

Tiếp đó, tháng 9/2001, ông Đức cắt bán cho ông La Văn Lớn (54 tuổi, ngụ xã Long Phước) 1,05ha  đất với giá 15 triệu đồng.

Sau khi sang nhượng, 2 khu đất còn lại của gia đình trên thực tế còn hơn 2,15ha, ông Đức sử dụng ổn định, nuôi cua, tôm sú.

Năm 2005, ông Đức đi đăng ký xin cấp GCNQSDĐ.

Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Long Thành tiến hành đo đạc, xác định diện tích xin cấp đất của ông Đức là 2,05ha, gồm 4 thửa đất số 73, 42, 43, 47 (tất cả cùng thuộc tờ bản đồ 76) tại địa bàn xã Long Phước.

Ông Đức chỉ vào cái cống thoát nước ông đã làm trên đất của gia đình từ nhiều năm trước để lấy nước nuôi tôm, cua. Ảnh: Nguyên Dũng

Cụ thể, ngày 8/12/2005, toàn bộ 4 thửa đất này đã được Văn phòng Đăng ký QSDĐ (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) cấp giấy biên nhận đăng ký QSDĐ tại các số 5927/VPĐK-QSDĐ; 5928/VPĐK-QSDĐ; 5929/VPĐK-QSDĐ; 5930/VPĐK-QSDĐ cho ông Đức.

“Tính hợp pháp về nguồn gốc đất của gia đình tôi rõ ràng là vậy và hơn 26 năm qua, tôi đã sử dụng, đầu tư nhiều cơ sở vật chất trên đất. Vậy mà trong văn bản trả lời của Chủ tịch tỉnh Đồng Nai lại sai lệch về hiện trạng sử dụng đất, cho rằng trên đất chỉ có cây mắm, cây cóc mọc tự nhiên? Điều phi lý nữa là cơ quan chức năng lại cho rằng khu đất của tôi do BQL rừng phòng hộ Long Thành trực tiếp quản lý, sử dụng trong thời gian qua rồi cấp GCNQSDĐ cho họ”, ông Đức bức xúc nói.

Ông Nguyễn Sơn (58 tuổi, người thân của Phan Hồng Đức) cho rằng, việc UBND tỉnh Đồng Nai có Văn bản số 661/UBND-TCD (ngày 19/1/2023) với nội dung “việc kiến nghị của ông Phan Hồng Đức không có cơ sở để chấp nhận” là không đúng với bản chất sự việc, gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, bởi vì:

Thứ nhất: Theo văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai thì các thửa đất số 42; 43; 47; 73, thuộc tờ bản đồ địa chính xã Long Phước, huyện Long Thành có nguồn gốc do UBND tỉnh giao cho Lâm trường Lòng Tàu quản lý, sử dụng tại Quyết định số 555/QĐ.UBND ngày 9/7/1977. Tuy nhiên, trên thực tế thì người dân đã sử dụng những thửa đất này từ năm 1990 và mua bán nhiều lần nhưng không gặp bất cứ trở ngại nào, nếu đất đã giao cho Lâm trường Lòng Tàu thì tại sao họ lại không quản lý, sử dụng!

Thứ hai: Ông Đức đã mua lại diện tích đất này vào năm 1996 từ bà Nguyễn Thị Lệ Hoa và tiến hành đắp ao, làm đường, làm cống thoát nước, dựng chòi để sử dụng. Tuy nhiên, ngày 14/9/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND huyện Long Thành, UBND xã Long Phước và BQL rừng phòng hộ Long Thành đã kiểm tra hiện khu đất. Kết quả hiện trạng trên đất có cây mắm, cây cóc mọc tự nhiên.

“Tôi cho rằng kết quả kiểm tra hiện trạng trên là chưa đầy đủ và phản ảnh không đúng với thực trạng của các thửa đất”, ông Sơn nói.

Thứ ba: Năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường mới cấp GCNQSDĐ cho BQL rừng phòng hộ Long Thành, nhưng vào năm 2005 ông Đức đã tiến hành đăng ký kê khai và đã được Văn phòng Đăng ký QSDĐ (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) cấp giấy biên nhận đăng ký QSDĐ tại các số 5927/VPĐK-QSDĐ; 5928/VPĐK-QSDĐ; 5929/VPĐK-QSDĐ; 5930/VPĐK-QSDĐ đối với các thửa đất số 42; 43; 47; 73, thuộc tờ bản đồ địa chính xã Long Phước. Như vậy, khi cấp đất Sở Tài nguyên và Môi trường đã không kiểm tra thực địa, không kiểm tra hồ sơ đã có ai đăng ký hay chưa. Đúng ra trước khi cấp GCNQSDĐ thì phải kiểm tra cụ thể để tránh việc chồng lấn và phát sinh các tranh chấp.

Thứ tư: Tháng 9/2001, ông Đức cắt bán cho ông La Văn Lớn 1,05ha đất với giá 15 triệu đồng.

Năm 2016, diện tích này của ông La Văn Hớn đã được cơ quan chức năng cấp GCNQSDĐ.

Như vậy, thửa đất cùng chung một nguồn gốc nhưng một bên thì được cấp GCNQSDĐ còn ông Đức thì không được cấp.

Vì vậy, ông Sơn đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan của UBND tỉnh Đồng Nai cần thực hiện việc kiểm tra lại quy trình cấp GCNQSDĐ đối với các lô đất của ông Đức một cách cụ thể.

Đồng thời tiến hành việc xác minh lại nguồn gốc đất, xác minh xem ông Đức có sử dụng, cải tạo đất trên thực tế hay không, có đăng ký kê khai hay không để từ đó có phương án giải quyết đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm