Theo dõi Báo Thanh tra trên
Nguyên Dũng-Chí Cường
Thứ sáu, 23/12/2022 - 06:35
(Thanh tra) - Để đòi lại hơn 2,15ha đất hợp pháp của gia đình bị cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đưa vào diện đất “ao hoang” sau đó cấp “sổ đỏ” cho Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Long Thành, nhiều năm nay, ông Phan Hồng Đức (73 tuổi, ngụ TP HCM) gửi đơn cầu cứu khắp nơi nhưng không được giải quyết thỏa đáng.
Khu đất hợp pháp của gia đình ông Đức “chui tọt” vào “sổ đỏ” của BQL rừng phòng hộ Long Thành. Ảnh: Nguyên Dũng
Tá hỏa khi đất của gia đình “chui tọt” vào “sổ đỏ” của Ban Quản lý rừng phòng hộ
Tháng 12/1990, sau khi được UBND xã Long Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai xác nhận, đồng ý, ông Lê Văn Thành (69 tuổi, ngụ tại địa phương) đã khai hoang 2,5ha đất rừng đầm nước Chà Là để đắp bờ bao cản nước mặn làm ruộng sinh sống.
Tháng 3/1993, ông Thành bán lại cho bà Nguyễn Thị Lệ Hoa (58 tuổi, ngụ xã Long Phước) 1ha đất (trong tổng số 2,5ha đất đã khai hoang). Ngoài ra, thời điểm này, bà Hoa có khai hoang thêm 1,7ha đất (bên cạnh khu đất đã mua của ông Thành) và một vùng đất rộng lớn khác (nhưng không xác nhận cụ thể diện tích) kế cạnh để canh tác.
Ngày 15/3/1993, UBND xã Long Phước ký, đóng dấu xác nhận cho bà Hoa được phép canh tác, làm chủ sở hữu toàn bộ diện tích đất đã mua và đã khai hoang nêu trên.
Từ năm 1993 đến năm 1996, gia đình bà Hoa trồng lúa, đắp bờ nuôi hải sản trên diện tích đất đã được UBND xã Long Phước xác nhận và có đóng thuế nông nghiệp cho Nhà nước.
Ngày 30/9/1996 và ngày 3/10/1996, sau khi tiến hành đo đạc lại diện tích đất của gia đình trên thực địa được 4,9ha, bà Hoa đã ký giấy tay sang nhượng lại cho ông Phan Hồng Đức (73 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) toàn bộ diện tích đất này với giá 4 lượng vàng và 10 triệu đồng.
Trong giấy tay mua bán sang nhượng giữa 2 bên ghi rõ, trong tổng số 4,9ha đất mua bán gồm có 2 khu đất (một khu có diện tích 2,5ha, khu đất còn lại 2,4ha).
Trao đổi với chúng tôi, ông Đức cho biết, ngay sau khi mua 4,9ha đất từ bà Hoa, ông đã đầu tư nhiều tiền bạc, thuê nhiều công lao động, đổ mồ hôi, nước mắt thậm chí cả máu để cải tạo đất nuôi cua, tôm sú.
Từ năm 1996 đến năm 2000, ông làm được 1 con đường đất ra vào khu đất (dài khoảng 450m, rộng 4m) đắp bằng tay cùng 10 cống thoát nước (2 cống bằng gỗ, 8 cống bằng xi măng), hệ thống đê bao hình thang bao quanh 6 hồ nước lớn (mỗi đê bao rộng 2m, cao 1m).
Ngoài ra, ông Đức cũng đã dựng lên trên phần đất của gia đình 1 căn chòi (rộng khoảng 30m2) để mọi người ăn ở, sinh hoạt.
Ông Đức cho biết, tháng 9/2000, nhằm bổ sung nguồn vốn nuôi hải sản, ông bán 1,3ha (trong tổng số 4,9ha đất trên) cho ông Nguyễn Phát Đạt (60 tuổi, ngụ xã Long Phước) với 19,5 triệu đồng.
Tiếp đó, tháng 9/2001, ông Đức cắt bán cho ông La Văn Lớn (54 tuổi, ngụ xã Long Phước) 1,05ha đất với giá 15 triệu đồng.
Sau khi sang nhượng, 2 khu đất còn lại của gia đình trên thực tế còn hơn 2,15ha, ông Đức sử dụng ổn định, nuôi cua, tôm sú.
Năm 2005, ông Đức đăng ký xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và UBND huyện Long Thành tiến hành đo đạc, xác định diện tích xin cấp đất của ông Đức là 2,05ha gồm 4 thửa đất số 73, 42, 43, 47 (tất cả cùng thuộc tờ bản đồ 76) tại địa bàn xã Long Phước.
Đầu năm 2021, khi ông Đức đang cắm cọc rào lại toàn bộ hơn 2,15ha đất còn lại của gia đình để thả cá, nuôi dê thì bất ngờ BQL rừng phòng hộ Long Thành ra ngăn cản, vì cho rằng diện tích đất trên đã được đơn vị này đăng ký GCNQSDĐ.
Qua tìm hiểu, ông Đức tá hỏa biết được khu đất diện tích hơn 2,15ha của gia đình sử dụng, canh tác suốt 25 năm qua đã được Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cấp GCNQSDĐ cho BQL rừng phòng hộ Long Thành vào ngày 26/10/2016.
Điều này khiến ông Đức bất ngờ, choáng váng vì đất mua hợp pháp, sử dụng ổn định suốt 25 năm qua, đã được Sở TN&MT làm các thủ tục đăng ký cho ông thì nay lại “chui tọt” vào “sổ đỏ” của BQL rừng phòng hộ Long Thành.
Cần hủy GCNQSDĐ được cấp có nhiều sai sót, khuất tất
Ông Phan Hồng Đức cho biết, điều oái oăm là trong khi ông không được cấp GCNQSDĐ như đã đăng ký thì khu đất diện tích 1,05ha mà ông La Văn Lớn mua lại của ông vào năm 2001 với giá 15 triệu đồng lại được cơ quan chức năng cấp GCNQSDĐ.
Ông Đức bức xúc: “Thật quá phi lý khi diện tích đất của ông Lớn mua của tôi thì được cấp GCNQSDĐ theo quy định. Trong khi phần đất còn lại hơn 2,15ha của tôi sử dụng hợp pháp suốt 25 năm qua thì bị cơ quan chức năng đưa vào diện đất ao hoang rồi cấp GCNQSDĐ cho BQL rừng phòng hộ. Đã công nhận đất cho ông Lớn thì cũng phải công nhận đất cho gia đình tôi. Lẽ nào “ngọn” được duyệt mà “gốc” thì bị bác?”.
Cũng theo ông Đức, việc Sở TN&MT làm thủ tục cấp GCNQSDĐ số CE 201600 ngày 26/10/2016, trong đó cả khu đất hơn 2,15ha của gia đình là trái quy định pháp luật và có nhiều khuất tất, sai sót. Bởi lẽ, khu đất này đã được ông mua lại hợp pháp từ bà Nguyễn Thị Lệ Hoa vào năm 1996 và trong suốt 25 năm qua, ông đầu tư cơ sở vật chất rồi canh tác, nuôi hải sản liên tục từ đó cho đến nay thì không thể cho rằng “đất hoang” và cấp GCNQSDĐ cho BQL rừng phòng hộ.
Mặt khác, đối chiếu hồ sơ, tài liệu, sổ mục kê tại UBND xã Long Phước thì toàn bộ diện tích đất này đã được ông Đức đăng ký thành các thửa số 73, 42, 43, 47 (tất cả cùng thuộc tờ bản đồ 76) tại Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai vào năm 2005.
“Việc cơ quan chức năng trong quá trình đo đạc, xác định hiện trạng sử dụng đất, lập biên bản xác định ranh giới, mốc giới các hộ liền kề đã có nhiều thiếu sót, khuất tất khiến đất hợp pháp của gia đình “chui tọt” vào “sổ đỏ” của BQL rừng phòng hộ. Tôi đề nghị cơ quan chức năng cần làm rõ vụ việc, tiến hành hủy GCNQSDĐ số CE 201600 đã cấp cho BQL rừng phòng hộ Long Thành. Đồng thời xét kỹ hồ sơ, làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho gia đình tôi theo quy định pháp luật”, ông Đức nói.
Ông Dương Bình, cán bộ địa chính xã Long Phước cho biết, xã có 3 thời kỳ thành lập bản đồ địa chính vào các năm: 1996, 2006; 2016. Đối chiếu với hồ sơ, sổ mục kê lưu trữ tại xã Long Phước thì vào năm 2006, ông Phan Hồng Đức có đăng ký kê khai sử dụng thửa đất 73, thuộc tờ bản đồ 76, diện tích 1,2607ha. Đến năm 2016, xã Long Phước đo chỉnh lại bản đồ địa chính thì thửa đất 73, tờ bản đồ 76 là số thửa bỏ và đo bao với các thửa khác tạo thành thửa mới là thửa 138, tờ bản đồ 76, diện tích hơn 2,059ha.
“Rất có thể trong quá trình làm thủ tục cấp giấy GCNQSDĐ cho BQL rừng phòng hộ Long Thành, cơ quan chức năng cấp tỉnh đã có những sai sót trong quá trình đo đạc, định vị vị trí đất”, ông Bình nói.
Liên quan đến việc này, ngày 29/8/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có Công văn số 9052/UBND-TCD về việc yêu cầu Sở TN&MT phối hợp với Thanh tra tỉnh khẩn trương rà soát lại việc cấp GCNQSDĐ số CE 201600 cho BQL rừng phòng hộ Long Thành có trái với quy định pháp luật không. Đồng thời kiểm tra, rà soát lại quyền lợi đất đai hợp pháp cho ông Phan Hồng Đức.
Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.
Thành Nam
18:43 20/11/2024(Thanh tra) - Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, năm 2017, Công ty Dương Minh được độc quyền nhập khẩu, phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ. Tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam.
Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh
08:00 20/11/2024Nam Dũng
07:30 20/11/2024Công Thắng - Bạch Vân
07:30 20/11/2024Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh
10:09 19/11/2024Nam Dũng
10:11 16/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương